Xuất khẩu của Campuchia phục hồi, tăng trưởng mạnh sang các nước RCEP

Xuất khẩu hàng hóa của Campuchia phục hồi trở lại trong tháng 6/2023, trong đó ghi nhận mức tăng trưởng mạnh sang các nước RCEP và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia thông tin, sau khi sụt giảm trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Campuchia đã phục hồi trở lại trong tháng 6 và kết thúc nửa đầu năm 2023 theo chiều hướng tích cực khi ghi nhận mức tăng trưởng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuất khẩu của Campuchia
Một góc Cảng Sihanoulville, thành phố Sihanouk, Campuchia.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ ba

Theo dữ liệu thương mại do Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt (GDCE), tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Campuchia đạt 23,69 tỷ USD trong nửa đầu năm, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu đạt 11,46 tỷ USD, tăng 0,8% và nhập khẩu đạt 12,23 tỷ USD, giảm mạnh 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị điện và các bộ phận tăng đột biến lên 108,7%, đạt 1,59 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2023, riêng tháng 6/2023 tăng mạnh 176% so với tháng 6/2022. Đây là bù đắp tích cực cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của các ngành xuất khẩu chính là hàng may mặc, giày dép và du lịch.

Cán cân thương mại của Campuchia trong nửa đầu năm nay ghi nhận mức thâm hụt 764,70 triệu USD. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất trong khi Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Tổng khối lượng thương mại của Campuchia với Trung Quốc tăng 2,8% và ở mức 6,15 tỷ USD trong giai đoạn này, tiếp theo là 4,36 tỷ USD với Hoa Kỳ, tuy nhiên giảm 9,6%. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với 3,3 tỷ USD và mức tăng trưởng 1,3%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia tiếp tục là Hoa Kỳ đạt kim ngạch 4,23 tỷ USD, giảm 8,9% so với 6 tháng đầu năm 2022. Việt Nam là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia với trị giá 1,42 tỷ USD, tăng trưởng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Campuchia với trị giá 713 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Campuchia là hàng may mặc, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm giày dép, đồ da, ngũ cốc, đồ nội thất, cao su, trái cây, rau, ngọc trai, đồ chơi và hàng dệt may.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm của Campuchia mặc dù chương trình ưu đãi thương mại, Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) không được gia hạn kể từ cuối năm 2020.

Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Campuchia, xuất khẩu của Campuchia sang Hoa Kỳ đạt 4.236 triệu USD trong nửa đầu năm nay, giảm 8,9% so với 4.648 triệu USD cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu của Campuchia sang Mỹ chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 11.464 triệu USD. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm 29% xuống còn 119 triệu USD trong nửa đầu năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4.355 triệu USD.

Đại diện Bộ Thương mại Campuchia cho biết, thị trường Hoa Kỳ vẫn có khả năng là điểm đến xuất khẩu lớn nhất đối với các sản phẩm của Campuchia cho dù chương trình GSP có được gia hạn hay không. Riêng thuế quan đối với túi xách và hàng hóa du lịch ở Hoa Kỳ sẽ được áp dụng sau khi chương trình GSP được gia hạn.

Các sản phẩm chính của Campuchia xuất khẩu sang Hoa Kỳ là quần áo, phụ kiện quần áo, da, đồ du lịch, túi xách, máy móc và thiết bị điện, giày dép, trong khi Campuchia nhập khẩu phương tiện, máy móc và thiết bị cơ khí, dụng cụ y tế và dược phẩm từ Hoa Kỳ.

det may Campuchia
Sản xuất tại một nhà máy may ở Phnom Penh. Ảnh: Khmer Times

Động lực xuất khẩu từ khu vực RCEP

Báo cáo từ Bộ Thương mại Campuchia cũng cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lên tới 4,07 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tăng 24% so với 3,28 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu của Campuchia từ các nước RCEP giảm 17% xuống còn 10,74 tỷ USD.

Trong đó, ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Campuchia theo RCEP là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản với kim ngạch gần 1,43 tỷ USD sang Việt Nam, tăng 22%; 713 triệu USD sang Trung Quốc, tăng 17%; và 545 triệu USD đến Nhật Bản, tăng 1%.

Thương mại của đất nước với các nước RCEP tăng lên do các ưu đãi thương mại theo hiệp định. Đồng thời, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này cũng trở thành thỏi nam châm thu hút thêm nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia”, Penn Sovicheat, Quốc vụ khanh kiêm Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết.

Thỏa thuận thương mại lớn này cùng với các hiệp định thương mại tự do song phương khác được kỳ vọng sẽ giúp Campuchia thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển nhất vào năm 2027 và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Hoàng Phương