Ý nghĩa ngày Tết Trung thu ở Việt Nam

Nhiều người nghĩ Tết Trung thu vốn từ Trung Quốc du nhập Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng người Việt đã có lễ hội trăng tròn mùa thu từ thời cổ đại, được khắc họa trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

Bên cạnh đó, theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời vua Lê chúa Trịnh, Tết Trung thu  được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ chúa.

Nguồn gốc của Tết Trung thu

Theo dân gian, Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng. Chuyện kể lại rằng, có một chú tiều phu tên Cuội. Trong một lần vào rừng đốn củi, chàng thấy hổ mẹ cứu hổ con bằng nắm lá thần. Cuội liền đốn cây thần về nhà để hành nghề Y cứu người và nổi danh khắp nơi, được nhiều người ca tụng.

Một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng cùng với cây đa của mình. Từ đó, Cuội bay lên cung trăng làm bạn với cây thần và chị Hằng Nga. Vào Tết Trung thu, trăng sẽ sáng vành vạnh để cho chàng nhìn xuống nhân gian.

Trung thu
Theo dân gian, Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng

Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Dưới góc nhìn khoa học, Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hoá nông nghiệp, từ nền văn minh lúa nước của các nước châu Á. Vào những ngày rằm tháng 8 âm lịch, người dân vui chơi, nghỉ ngơi thưởng trăng sau vụ mùa bội thu. Dựa vào hình dáng của trăng ngày Trung thu mà có thể dự đoán được mùa màng. Nếu trăng sáng rõ, mùa màng năm đó sẽ bội thu, nếu trăng màu xanh thì cẩn thận có tai hoạ.

Ý nghĩa của Tết Trung thu

Tại Việt Nam, trăng có một ý nghĩa to lớn. Ngày rằm tháng 8 là lúc cảnh sắc đẹp nhất, khí hậu ôn hoà mát mẻ, hình ảnh trăng sáng soi rõ cảnh vật về đêm. Thời điểm này, việc nông nhàn, mọi người có thể cùng nhau thảnh thơi thưởng nguyệt ngắm cảnh.

Ngày nay, Tết Trung thu không chỉ là Tết đoàn viên mà còn là Tết Thiếu nhi. Đối với trẻ nhỏ, Tết Trung thu còn là ngày để vui chơi với các hoạt động dành riêng cho trẻ nhỏ. Vào ngày này, trẻ con được nghỉ ngơi, vui đùa, rước đèn lồng, phá cỗ, xem mua lân, ăn bánh trung thu… Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng rất coi trọng việc vui chơi của trẻ em vào ngày Trung Thu. Vào dịp này, bác viết thư chúc mừng Trung thu của nhi đồng toàn quốc.

Tết trung thu

Tết Trung thu có gì?

Rước đèn

Xưa, người Việt thường tổ chức hát trống quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung Thu.

Ngày nay, hình ảnh Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với các loại đèn truyền thống như đèn kéo quân, đèn con cá, đèn ông sao... Tại các  vùng quê, cứ đến những ngày tháng tám, vào buổi tối, trẻ em hàng đoàn rồng rắn rước đèn trong tiếng trống rộn ràng cả xóm làng.

Tết trung thu
Hnh ảnh Tết Trung thu ở Việt Nam gắn với các loại đèn truyền thống như đèn kéo quân, đèn con cá, đèn ông sao...

Múa Lân

Tết Trung thu cũng không thể nào thiếu vắng những điệu múa lân với tiếng trống nhộn nhịp. Thông thường, múa Lân sẽ được tổ chức vào đêm 14 và đêm 15 tháng 8 âm lịch. Đội múa Lân bao gồm một người đội chiếc đầu Lân và chỉ huy cả đội múa theo điệu bộ của con vật này cùng một số người đứng tại thân của con Lân. Con Lân tượng trưng cho những điềm lành, bởi thế nó là mong ước cho điều may mắn đến với mọi nhà.

Tết Trung thu
Tết Trung thu không thể thiếu vắng những điệu múa lân Nhập chú thích ảnh

Mâm cỗ Trung thu

Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo mũm mĩm, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng.

Tết trung thu
Mâm cỗ Tết Trung thu vừa là để cúng trăng vừa tế trời đất để cầu mong một cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu.

 

Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na dai...và bưởi là thứ quả không thể thiếu được.

Sau khi rước đèn và múa lân, khi ánh trăng lên đến đỉnh đầu cũng là lúc mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.

Mâm cỗ vừa là để cúng trăng vừa tế trời đất để cầu mong một cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu.

Nguyên Vỵ tổng hợp