BSR và sự “ngóng chờ” của các nhà đầu tư

Việc Công ty TNHH MTV Lọc - hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành nhà máy Lọc - hóa dầu Dung Quất dự kiến phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2016. Đây được xem

Sau 40 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, cùng với Nhà máy Lọc - hóa dầu Dung Quất có quy mô khổng lồ, công nghệ phức tạp và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á đã đi vào vận hành, sản xuất ổn định, đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng, dầu trong nước thì dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc - hóa dầu Dung Quất tiếp tục được triển khai. Dự án này được kỳ vọng góp phần giải quyết bài toán an ninh năng lượng, đáp ứng trên 50% nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong nước sau năm 2021, đồng thời thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư thường quan tâm những dự án có quy mô nhỏ và vừa nhưng cho tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên với một dự án lớn mà BSR đang quản lý và vận hành (hơn 3,5 tỷ USD) vậy thì theo ông đâu là lợi thế của BSR trên thị trường tài chính?

Ông Trần Ngọc Nguyên: Trước hết chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề đó là giá trị bền vững mà BSR mang lại cho nền kinh tế đất nước và cho mọi người dân. Việc đầu tư một dự án lọc hóa dầu cho phép Việt Nam chế biến các loại dầu thô trong nước và nước ngoài, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Đồng thời sự phát triển của BSR trong thời gian qua đã tạo một dấu ấn trong ngành công nghiệp lọc hóa dầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và của khu vực miền Trung. Đây còn là tiền đề thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất trên các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế tạo và lắp ráp, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, vận tải, điện tử, chế biến và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Với vị trí và tầm quan trọng đó, BSR được coi là trái tim của Khu kinh tế Dung Quất và của Khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, BSR là 1 trong 6 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Sau 5 năm vận hành sản xuất và kinh doanh, BSR đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Tỷ trọng thu ngân sách hàng năm từ BSR chiếm khoảng 80-90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ tính riêng năm 2014, BSR đã đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%, cơ cấu sản phẩm do Nhà máy Lọc - hóa dầu Dung Quất sản xuất từng bước được đa dạng hóa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay BSR đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như: Xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 dùng cho quốc phòng. Trong 10 tháng đầu năm 2015, Công ty BSR đạt doanh thu 81.652 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 18.297 tỷ đồng, vượt 114% kế hoạch năm.

Như vậy, nếu một nhà đầu tư chỉ quan tâm đầu tư cổ phiếu trong ngắn hạn để sinh lời, có thể nói nhận định trên là phù hợp. Với những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược, khả năng sinh lời cao của BSR sau khi dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc - hóa dầu Dung Quất hoàn thành vào năm 2021 sẽ làm cho cổ phiếu của BSR thực sự là một cổ phiếu hấp dẫn trên thị trường tài chính.

PV: Các nhà đầu tư hiện nay không chỉ nhìn vào các con số tăng trưởng của doanh nghiệp mà họ còn “cân giá trị” của doanh nghiệp thông qua các giá trị cốt lõi, giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Vậy vấn đề được BSR xây dựng như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Nguyên: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã ban hành một cẩm nang Văn hóa doanh nghiệp Petro Việt Nam, trong đó có nêu vấn đề giá trị cốt lõi và giá trị văn hóa của doanh nghiệp PVN. Đối với BSR, giá trị cốt lõi là đảm bảo vận hành nhà máy lọc dầu tuyệt đối an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm và kinh doanh có hiệu quả; đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, đoàn kết, năng động sáng tạo và cống hiến hết mình; môi trường làm việc thân thiện, phát huy tối đa sức mạnh tập thể và là một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng.

BSR là một công ty có hơn 1.400 lao động. Đối với một nhà máy lọc - hóa dầu, vấn đề quan trọng nhất đó là đảm bảo vận hành an toàn và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, đặc biệt trong công tác phòng chống cháy nổ. Trong suốt hơn 5 năm qua, BSR không có sự cố nào xảy ra liên quan đến an toàn lao động.

Hơn nữa, công tác quản trị doanh nghiệp và vận hành sản xuất đã được chuẩn hóa theo hệ thống ISO 9001:2008 (quản lý chất lượng), ISO 14001:2004 (quản lý môi trường), OHSAS 18001:2007 (an toàn sức khỏe nghề nghiệp), ISO/IEC 17025:2005 (tiêu chuẩn phòng thí nghiệm) với trên 2.000 quy trình vận hành chi tiết, đảm bảo Nhà máy luôn được giữ vững tuyệt đối an toàn và sản xuất hiệu quả. BSR cũng hoàn thành hệ thống kho bãi cho trên 100 nghìn chủng loại vật tư, vận hành bởi hệ thống phần mềm CMMS/Maximo với chu trình khép kín. Nhập thành công trên 36 triệu tấn dầu thô; chế biến và xuất bán trên 32,5 triệu tấn sản phẩm; chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và thương mại.

Từ khi Nhà máy được đưa vào vận hành thương mại năm 2010, công suất vận hành của Nhà máy luôn đạt mức cao và ổn định. Nếu như năm 2010 công suất vận hành của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt mức bình quân là 95% thì năm 2013 đạt 101% và hiện nay đang vận hành ở mức 107% công suất thiết kế (mức tối đa cho phép hiện nay là 110%). Công tác bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng kế hoạch với hai đợt bảo dưỡng tổng thể vào năm 2011 và 2014 đã khẳng định tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của đội ngũ cán bộ kỹ sư BSR, cả hai đợt bảo dưỡng đều về sớm từ 2-5 ngày so với kế hoạch đã làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác thương mại và thị trường, quản lý vốn nhà nước, quản lý vật tư và sản phẩm từng bước phát triển, tối ưu hóa, góp phần tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận ngày càng tốt hơn cho BSR. Đồng thời công tác tìm kiếm khai thác, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế được triển khai chủ động và có hiệu quả. Tổ chức bộ máy quản trị tài chính kế toán, phù hợp với tình hình nhiệm vụ.

Còn đối với giá trị văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trọng tâm, cùng với các doanh nghiệp thuộc PVN khác, BSR đã đưa ra các quy định yêu cầu toàn bộ người lao động phải tuân thủ như: văn hóa nói chuyện; văn hóa ứng xử với khách hàng/đối tác/đồng nghiệp; văn hóa trong giao tiếp điện thoại/làm việc, văn hóa hội họp; văn hóa xử lý giải quyết công việc; quy tắc đạo đức nghề nghiệp… cũng như các hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, BSR thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội hàng năm. Đây cũng chính là một nét đẹp nhân văn của tập thể người lao động BSR.

Với tầm nhìn BSR trở thành Tổng công ty Lọc - Hóa dầu năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả kinh doanh ở mức cao gắn liền với bảo vệ môi trường, an toàn và tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, tôi tin rằng với vị thế và tầm quan trọng của BSR trong nền kinh tế quốc dân, cổ phiếu của BSR sẽ được nhiều nhà đầu tư “ngóng chờ”.

PV: Xin cảm ơn ông!