Chúng tôi hỗ trợ và chia sẻ với doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 23, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2013, nhằm định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam

PV: Xin ông cho biết, trong năm 2013, Bộ Công Thương có những chính sách và biện pháp gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp?

Ông Đỗ Thắng Hải: Xác định năm 2013 là năm hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nên ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương mà đầu mối là Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM) và các vụ có liên quan đã trình Bộ trưởng Chương trình XTTM quốc gia để phê duyệt. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình XTTM quốc gia đợt 1 ngay từ giữa tháng 1 và đầu tháng 4/2013 lại tiếp tục phê duyệt đợt 2, với tổng kinh phí 2 đợt là 95 tỷ đồng. Với việc phê duyệt sớm như vậy, các DN Việt Nam có thể chủ động để triển khai các hoạt động XTTM của mình kể cả những chương trình cuối năm mới thực hiện. Sự chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến các chương trình có hiệu quả tốt hơn cho chương trình và cho DN.

Tiếp theo, chúng tôi phối hợp với các vụ thị trường, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin về thị trường, về sản phẩm cho DN Việt Nam; đồng thời tiến hành rất nhiều hoạt động về XTTM, cụ thể như: Tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại, các đoàn giao thương về XTTM ở các thị trường nước ngoài và ngay tại trong nước; đồng thời mời các đoàn của nước ngoài vào để thăm, gặp gỡ và trực tiếp giao dịch với các DN trong nước.

Năm 2013, ngoài các chương trình XTTM quốc gia định hướng XK, thì các chương trình XTTM để phát triển thị trường nội địa, cũng như phát triển thị trường biên giới, miền núi, hải đảo cũng rất được chú trọng. Về mặt thông tin, chúng tôi hết sức quan tâm và tạo mọi điều kiện để các DN có thể tiếp cận và làm tốt các hoạt động XTTM trong và ngoài nước.

PV: Thưa ông, thời điểm này các DN cho rằng khó khăn lớn nhất của họ là không biết đi đâu, đi như thế nào? Cục có những hỗ trợ gì DN để tìm hướng đi này?

Ông Đỗ Thắng Hải: Có thể nói, khó khăn của thị trường quốc tế, khu vực và Việt Nam dẫn đến các DN gặp rất nhiều khó khăn kể cả việc định hướng sản xuất, kinh doanh đối với thị trường nào và mặt hàng gì. Tuy nhiên như chúng tôi đã nói, Chính phủ chỉ hỗ trợ và tạo ra định hướng đối với thị trường và mặt hàng; còn đối với DN thì cần phải chủ động hơn, trước hết là trong các hoạt động về XTTM của mình. Trong lúc khó khăn thì DN càng phải tập trung kinh phí đẩy mạnh các hoạt động về XTTM. Việc quyết định tiến hành các hoạt động với thị trường nào cũng như hoạt động kinh doanh với các mặt hàng nào, đó là quyền quyết định và trách nhiệm của chính DN.

PV: Trong thời điểm khó khăn này, các DN XK của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn khi XK sang các thị trường truyền thống. Vậy theo ông, để có thể khai thác thêm các thị trường mới, DN cần phải có cách tiếp cận như thế nào?

Ông Đỗ Thắng Hải: Trước hết, chúng ta phải khẳng định những thị trường mà hiện nay các DN đang XK chính đóng góp rất lớn trong kim ngạch XK của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường có tiềm năng, thị trường mới lại hết sức quan trọng đối với các DN. Về phía Nhà nước, chúng tôi trọng tâm ưu tiên đối với thị trường mới mở và những thị trường tiềm năng vào chương trình XTTM quốc gia, cũng như các hoạt động XTTM khác. Thứ hai, chúng tôi cũng dành kinh phí nhất định và ưu tiên cho các hiệp hội, các đơn vị chủ trì các chương trình XTTM quốc gia để thực hiện các hoạt động vào thị trường mới. Còn đối với các DN, thị trường mới là những thị trường hết sức khó khăn, chúng tôi rất mong các DN mạnh dạn hơn trong việc tiến hành các hoạt động XTTM, tìm hiểu thị trường, cũng như đầu tư một cách thích đáng về kinh phí cho các hoạt động này.

PV: Bên cạnh hoạt động XTTM, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng từ việc xây dựng thương hiệu của DN trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay?

Ông Đỗ Thắng Hải: Chúng ta cũng đã nói rất nhiều về vấn đề thương hiệu rồi và rõ ràng đây là một trong những điểm yếu nhất của các DN Việt Nam nói chung, cũng như trách nhiệm của nhà quản lý các cơ quan nhà nước nói riêng. Chương trình thương hiệu quốc gia đưa ra và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là các DN hàng đầu Việt Nam để có thể xây dựng năng lực cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Ngoài ra, chương trình thương hiệu quốc gia cũng giúp cho các DN có những kỹ năng để xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu của mình ngay tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế. Chúng tôi rất mong trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, các DN cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu của mình.

PV: Một số DN đạt thương hiệu quốc gia chia sẻ, họ chưa cảm nhận được sự hỗ trợ thực sự từ chương trình. Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả chương trình này?

Ông Đỗ Thắng Hải: Chúng tôi rất muốn xây dựng được một mức độ kinh phí để hỗ trợ cho các DN Việt Nam, nhưng DN cũng phải có chia sẻ chung vì nguồn kinh phí ngân sách nhà nước rất hạn hẹn. Thứ hai, Việt Nam gần như mới ở bước đầu cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Ngay cả các DN không phải ai cũng xác định đúng vai trò quan trọng của thương hiệu, thậm chí khi đã xác định được cũng chưa đầu tư một cách thích đáng cho xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu của mình. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ từ các DN, đặc biệt là các DN đã đạt được thương hiệu quốc gia, sẽ cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng được thương hiệu của chính DN, thông qua đó tạo dựng được thương hiệu quốc gia và hình ảnh quốc gia Việt Nam.

PV: Năm 2013, Cục sẽ làm gì để hỗ trợ cho các DN đạt thương hiệu quốc gia thành công hơn trong việc phát triển thương hiệu ra nước ngoài?

Ông Đỗ Thắng Hải: Chương trình thương hiệu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 trong đó có rất nhiều hoạt động cụ thể, kể cả kinh phí để hỗ trợ cho các DN đạt thương hiệu quốc gia. Đó là các hoạt động về XTTM, trong đó có chương trình XTTM quốc gia, đào tạo kỹ năng xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu của các DN. Và một điều cũng rất quan trọng là giúp cho các DN bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ được các thương hiệu của chính mình trên tất cả các địa bàn mà các DN đang kinh doanh.

PV: Cảm ơn ông!