Đầu tư doanh nghiệp và câu chuyện thoái vốn ngoài ngành

Mặc dù có những điểm sáng trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng việc triển khai ở một số tập đoàn chủ lực của Bộ Công Thương vẫn còn những vướng mắc, mà nếu không được xử lý có thể gây trở ng

Những điểm sáng

Cho đến nay, câu chuyện thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khác đã hội tụ đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Thiên thời là Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; là Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, là Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng dự thảo Quyết định pháp quy hóa Nghị quyết số 15/NQ-CP...

Địa lợi là trong suốt quãng thời gian từ năm 2013 đến nay, nền kinh tế vĩ mô đã cơ bản ổn định, đà tăng trưởng đã trở thành xu hướng rõ nét, doanh nghiệp không còn phải loay hoay trong việc giật gấu vá vai đối phó với khủng hoảng; đây là lúc thuận lợi hơn cả trong sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, điều hướng hoạt động doanh nghiệp.

Nhân hòa là các doanh nghiệp đã “thấm nỗi đau” đầu tư ra ngoài ngành, những bài học kinh nghiệm tiền tỷ được chia sẻ khá nhiều trên các hội nghị, hội thảo, và cả các trang báo; đã thêm những dẫn chứng có nhiều tập đoàn, tổng công ty một năm lãi trên ngàn tỷ đồng từ các lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đầu tư ra ngoài ngành chỉ mang lại khoản lợi nhuận mang tính tượng trưng, mười mấy tỷ đồng… càng xốc lại quyết tâm thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành.

Trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương có đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý để thoái vốn. Số liệu thống kê của Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương cho thấy, hiện 100% tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc Bộ đã hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015. Sau khi rà soát lại các nhiệm vụ kinh doanh, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty tập trung kinh doanh những ngành chính và những ngành liên quan phục vụ ngành nghề chính.

Và trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Trong năm 2013 một số doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn tất chuyển nhượng tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (GIC) sang Công ty International ERGO. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại Công ty này từ 22,5% xuống còn 20% và thu về 26 tỷ đồng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị thuộc các lĩnh vực ngoài ngành như ngân hàng, sản xuất kinh doanh bia, bất động sản, thu được hơn 200 tỷ đồng. Tập đoàn Than - Khoáng sản cũng thực hiện chuyển đổi các đơn vị thành chi nhánh thuộc công ty mẹ; thoái vốn ngoài ngành và tái cơ cấu vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Bước sang năm 2014, việc thoái vốn của các doanh nghiệp thuộc Bộ có bước tiến căn bản. Tính đến tháng 7/2014, EVN đã cơ bản hoàn thành thoái vốn tại 3 lĩnh vực bất động sản, tài chính và ngân hàng, vốn được xem là khu vực nhạy cảm và khó thoái vốn. Theo đó, EVN đã thoái toàn bộ vốn tại Land Sài Gòn và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung. Đồng thời, EVN cũng thực hiện xong việc chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP An Bình cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của Ngân hàng An Bình.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Vinachem đã chuyển nhượng thành công hơn 22 triệu cổ phiếu tại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC). Số tiền thu về đạt hơn 233 tỷ đồng, v.v... và v.v…

Nỗi khổ mang tên đầu tư tài chính

Mặc dù có những điểm sáng trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng việc triển khai ở một số tập đoàn chủ lực của Bộ Công Thương vẫn còn nhiều vướng mắc, mà nếu không được xử lý có thể gây trở ngại cho tiến độ thoái vốn ngoài ngành. Vấn đề nan giải nhất hiện nay là quy định: thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách, nói nôm na là không được thoái vốn dưới mệnh giá.

Sở dĩ nó nan giải nhất vì đây là câu chuyện mang tính lịch sử. Khi thị trường bất động sản bùng nổ từ năm 2000, thị trường tài chính bùng nổ từ năm 2003 và thị trường chứng khoán bùng nổ từ năm 2006, mang lại lợi nhuận cao đến khó tin thì nhiều doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh trong lĩnh vực này đã đầu tư ra ngoài ngành dưới dạng đầu tư tài chính, nghĩa là góp vốn vào các công ty bất động sản, ngân hàng, chứng khoán để hưởng cổ tức. Đến nay, các thị trường nói trên đã hết thời kỳ bong bóng, trở về giá trị thực nên phần góp vốn của các doanh nghiệp bị sụt giảm.

Lấy một thí dụ thế này: Năm 2007, tập đoàn X góp gần 20 tỷ đồng mua 26 triệu cổ phiếu của công ty tài chính Y, với mệnh giá 76.000 đồng/cổ phiếu. Nay giá trị cổ phiếu của công ty tài chính Y chỉ còn 58.000 đồng/cổ phiếu. Đây chính là lý do đẩy tập đoàn X vào tình thế nan giải. Nếu thoái vốn bằng cách bán toàn bộ 26 triệu cổ phiếu sẽ vướng bởi quy định không được thoái vốn thấp hơn mệnh giá; nhưng nếu chần chừ, có thể còn tệ hại hơn theo hai hướng. Thứ nhất, điều này khiến lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm, như công văn mà Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: yêu cầu các bộ, UBND cấp tỉnh có hình thức xử lý hành chính đối với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện không có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ hai, thoái vốn lúc này thì lỗ, mà không thoái vốn có thể gặp rủi ro hơn nữa nếu giá trị cổ phiếu tiếp tục đi xuống.

Trước những khó khăn vướng mắc này, cuối năm 2013, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và quán triệt thực hiện Nghị định 99/2012/NĐ-CP. Tại Hội nghị này, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thoái vốn nhà nước giai đoạn 2013 - 2015 và các văn bản hướng dẫn kèm theo làm cơ sở pháp lý trong việc thoái vốn, giảm vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tài chính… Và sau đó, đầu năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15, trong đó cho phép doanh nghiệp thoái vốn thấp hơn mệnh giá. Đến nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Quyết định cụ thể hóa Nghị quyết 15 này.

Lợi ích của đầu tư doanh nghiệp

Trong các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, Petrolimex là một trong những đơn vị không gặp mấy khó khăn về việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài ngành. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Bùi Ngọc Bảo còn tự tin rằng, trong tất cả các thương vụ nhượng vốn, Petrolimex bao giờ cũng bán được hơn mệnh giá, không những đảm bảo thu hồi vốn nhà nước, mà còn thu về khoản lời. Đơn cử như Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) được Petrolimex đầu tư 800 tỷ đồng thì nay số vốn này đã sinh sôi lên tới 1.200 tỷ đồng, tăng trên 30%.

Vì sao Petrolimex không lỗ? Bí quyết nằm ở chỗ Tập đoàn này không đầu tư tài chính (góp vốn để hưởng cổ tức) mà đầu tư doanh nghiệp. Tức là đầu tư cho doanh nghiệp để họ hoạt động phục vụ cho trục chính của Tập đoàn là kinh doanh xăng dầu. Không kể vận tải thủy, gas hay hóa dầu, vốn đã gắn rất chặt với xăng dầu; ngay cả những lĩnh vực tưởng như xa vời như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, cũng được Tập đoàn rót vốn nhằm phục vụ lại trục chính.

Một trong những hoạt động chính của PJCO là bảo hiểm mang tính chuyên ngành xăng dầu; Ngân hàng PG Bank cũng là địa chỉ thu xếp vốn cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên; Pland - Công ty Bất động sản Petrolimex được lập ra để khai thác hết tất cả các quỹ đất hạ tầng của Tập đoàn.

Tương tự như vậy, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) là hai đơn vị lớn, đang ăn nên làm ra của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). PVFC được thành lập từ năm 2000, nhằm thu xếp vốn cho PVN. Vì vậy, PVN đang kiến nghị Chính phủ không thoái vốn hoàn toàn mà theo phương án thoái vốn xuống còn 20%. Với PVI, PVN cũng đề nghị đến năm 2015 thoái vốn xuống còn 18%, vì đây là doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ngành thực hiện trách nhiệm quản lý rủi ro các tài sản công trình dầu khí.

Những thí dụ từ Petrolimex và PVN cho thấy, đầu tư doanh nghiệp - đầu tư để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ tốt hơn những lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn hay tổng công ty đều không phải lo thoái vốn dưới mệnh giá. Và có lẽ, nên gọi đây là đầu tư đa ngành, thay vì coi là đầu tư ngoài ngành.

Đến bây giờ, qua khoảng thời gian khủng hoảng, doanh nghiệp thêm một lần được trải nghiệm cái sự chủ động của đầu tư đa ngành (không phải bồn chồn chờ chính sách thoái vốn dưới mệnh giá) so với sự thụ động của đầu tư ngoài ngành.

Nguyễn Văn