Doanh nghiệp được tự dán nhãn năng lượng

Từ ngày 10/2, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng điện tử, điện lạnh sẽ được tự dán nhãn năng lượng trên sản phẩm thay vì phải chờ cơ quan quản lý cấp chứng nhận như trước đây.

Thay đổi này được Bộ Công Thương quyết định trong Thông tư số 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, theo hướng bãi bỏ các quy định đang bị phàn nàn là gây khó cho doanh nghiệp.

Trước đây, theo quy định của Thông tư số 07/2012/TT-BCT, doanh nghiệp phải chuẩn bị mẫu sản phẩm cần thử nghiệm đến tổ chức thử nghiệm do cơ quan quản lý chỉ định cùng bộ hồ sơ để được cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng.

Nay, Thông tư số 36/2016/TT-BCT đã thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Cụ thể: Áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn. Đồng thời cho phép doanh nghiệpsử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm); Cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.

Với Thông tư thay thế, Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp chỉ cần lập một bộ hồ sơ (không cần kèm sản phẩm) gửi đến cơ quan quản lý bằng đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ online, dịch vụ công ở mức độ 4 trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ngay sau đó, doanh nghiệp được tự dán nhãn năng lượng theo thông tin trong giấy công bố và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin này. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.


Minh Anh