Đốm lửa hồng sưởi ấm cả mùa đông

Lên đường - thật không dễ để xốc lại tinh thần khi nghĩ tới hành trình hơn 600 cây số cả đi lẫn về dài dằng dặc lên Hà Giang, giữa những ngày rét nhất của mùa đông đầu năm 2016. Mưa triền miên, rét tê

Khác với những chuyến đi từ thiện “tự phát” trước đây, đoàn từ thiện của Tạp chí Công Thương lần này mang trọng trách lớn hơn bởi là người “kiến thiết” chương trình từ thiện của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng đoàn và khó khăn hơn cả là chuyến đi được triển khai chỉ trong chưa đầy một tuần. Vậy mà việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ủng hộ đoàn từ thiện vẫn gặp rất nhiều thuận lợi. Chỉ sau 4 ngày, đã có 4 tấn gạo nếp, 400 thùng mì tôm, 400 chai dầu ăn, 400 gói mì chính, 500 hộp bánh, 500 gói kẹo, 40 suất học bổng mỗi suất trị giá 01 triệu đồng, 40 cặp lợn giống mỗi cặp trị giá 2 triệu đồng, 50 cây thuốc lá… được tài trợ bởi Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Hà Nội, Công ty Habeco Trading, Tổng Công ty May 10, Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị, Bánh kẹo Hải Hà, Vifon… Có chút gì đó như là thần giao cách cảm giữa doanh nghiệp với Tạp chí Công Thương bởi hầu như năm nào cũng thế, cứ rét đậm rét hại, tết đến xuân về là những người làm từ thiện chúng tôi lại cùng lên đường về với bà con nghèo, hòng mang đến cho họ một mùa xuân đỡ cực nhọc. Năm nay đã tưởng không kịp, vậy mà thật là may…


Điểm tập kết hàng hóa từ thiện 
Thông qua Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, chúng tôi biết Hội Chữ Thập đỏ Hà Giang cùng hệ thống những cán bộ chữ thập đỏ cắm huyện, cắm xã này. Và nhờ mạng lưới thông tin của họ mà chúng tôi hiểu rằng, Cao Mã Pờ và Thắng Mố thuộc huyện Quản Bạ và Yên Minh là hai xã biên giới nghèo nhất của tỉnh Hà Giang, đợt rét khủng khiếp này đang rất cần sự trợ giúp của chúng tôi. Chả mấy chốc, hai địa danh xa lạ với những từ ngữ trúc trắc đến mức vừa nói phải vừa nghĩ nếu muốn khỏi bị nhầm đã trở nên quen thuộc với đoàn bởi được chúng tôi nhắc liên tục trong suốt chặng đường dài mưa gió.

6h chiều lên đến Thành phố Hà Giang trời đã tối mịt. Cái lạnh thấu xương của mùa đông vùng cao đón chúng tôi cùng sự niềm nở, chu đáo của các cán bộ tỉnh ủy tỉnh Hà Giang và anh Xèng Văn Trà, chị Nguyễn Thị Thu Ba – Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Hà Giang. Nhận phòng, ăn tối tại Nhà khách tỉnh ủy xong, chúng tôi nhanh chóng thống nhất chương trình của ngày mai ở xã Cao Mã Pờ và Thắng Mố, nơi mà bà con từ 2 hôm nay đã khấp khởi vì được các cán bộ xã thông báo tin vui “có đoàn từ thiện Bộ Công Thương về phát quà và gạo”.

Bà con tập trung đông tại sân UBND xã Cao Mã Pờ

Ngày hôm đó trời hửng nắng, bà con tấp nập tập trung ở sân UBND xã Cao Mã Pờ đợi đoàn từ sáng. Đi miệt mài từ sáng sớm, vậy mà đến tận hơn 10h đoàn mới đến được địa điểm đã hẹn. Trong sân, 3, 4 chiếc xe chở gạo, dầu ăn, bánh kẹo của Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Công ty Habeco Trading Hà Nội, Tổng Công ty May 10, Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị, Bánh kẹo Hải Hà, Vifon… do xuất phát từ chiều hôm trước đã đậu ngay ngắn tự bao giờ, chỉ chờ nhân lực đến để phong mỗi xuất quà vào từng túi . Với mục đích tạo điều kiện cho đồng bào vùng cao có một cái tết sớm và ý nghĩa, Tạp chí Công Thương đã cùng Hội Chữ Thập đỏ Hà Giang xây dựng một sân khấu có cảnh gói bánh chưng tại chỗ cùng cành đào, sân khấu tưng bừng, các em nhỏ hát múa đàn ca… 


Gói bánh chưng ăn tết sớm

Những sắc mầu của vùng cao bừng lên trong ánh mắt của người dân. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đến, bà đi bắt tay từng người dân, rồi trao dầu, trao gạo, bánh kẹo, mì chính cho từng hộ nghèo, trao học bổng cho các em nhỏ nhà nghèo hiếu học. Đặc biệt, có 40 hộ nghèo được trao tặng một cặp lợn giống. Những chú lợn vừa tầm chắc tay được ra khỏi bao tải kêu inh cả sân, rồi các chú hồn nhiên tè dầm, ị bậy ngay giữa sân bất giác khiến mọi người được một trận cười vui rộn ràng… Không khí tưng bừng, ấm áp của ngày xuân đã ngời lên trong mắt mọi người. Niềm vui sướng đã hòa chung chúng tôi làm một…


Chú lợn loay hoay muốn "tẩu thoát" mà không được vì đã bị trói một chân
A Xinh cũng đi nhận lợn thay mẹ. Đã tròn 16 tuổi, bố mất mấy năm nay, anh thì đi làm thuê, em cùng mẹ ở nhà chăn trâu cắt cỏ. Hai năm trước nhà em bị lũ cuốn trôi sạch bách, phải vay tiền Ngân hàng để xây nhà, giờ có được cặp lợn giống này, A Xinh như có thêm người bạn, còn mẹ em, chị Sùng Thị Vàng 28 tuổi đã có thêm nguồn sống, đôi mắt người góa phụ trẻ sẽ bớt buồn, bớt ngơ ngác.

Nụ  cười của cô bé A Xinh khi nhận món quà tượng trưng cho cặp lợn giống do Tổng công ty CP May 10 tài trợ

Rời khỏi Cao Mã Pờ, đến được xã Thắng Mố thì trời đã đổ về chiều, rét rất ngọt, lại thêm mưa lất phất. Em Vi Thị La lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thắng Mố đã cùng các bạn chờ đoàn từ mấy tiếng đồng hồ, đôi vai bé nhỏ run lên dưới lớp áo mầu xanh và chiếc váy mầu sắc sặc sỡ, tất cả đều mỏng tang. Các bạn đều đi dép hoặc giầy, chỉ em là đi đôi dép tổ ong không tất.


 Đôi chân trần của em tím tái, dầy cộp lên bởi bụi đất đen cáu. Đôi mắt sáng trong vắt của em khiến chúng tôi muốn ôm em vào lòng. Một chị trong đoàn đã không thể cầm lòng, tặng cho em một chiếc áo len, một đôi tất, một chiếc quần và cái mũ. Sau mấy phút đã thấy em hồn nhiên, tung tăng chạy nhảy trong bộ đồ ấm áp mới mẻ, duy chỉ có đôi chân là vẫn trần…

Em bé vùng cao run lên trong giá lạnh

Hình ảnh đôi chân trần của em đã theo chúng tôi suốt cả hành trình trở về. Ngổn ngang nỗi day dứt, thương cảm, xót xa. Khát khao nối dài hành trình từ thiện trên dải đất hình chữ S. Và một quyết tâm phải làm gì hơn nữa cho đất và người Việt Nam thêm mạnh, thêm giầu, để đời sống đồng bào dân tộc vùng cao không bị khổ, bị thiếu, bị lạnh nữa. Để không còn nữa những đôi trân trần…