Du lịch Phú Thọ phát triển chất lượng, bền vững, đột phá

Môi trường du lịch an toàn, thân thiện, du lịch Phú Thọ đã thu hút lượng khách tham quan khá lớn và duy trì được tốc độ tăng trưởng. Những kết quả đạt được đã góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với

Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch Phú Thọ phát triển. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU được các cấp, các ngành quan tâm. UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 654/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2015; phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2030; kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ. Các sở, ngành, huyện, thành, thị cụ thể hóa Nghị quyết bằng các đề án, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, việc hướng dẫn, thanh kiểm tra các đơn vị doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ được thực hiện thường xuyên tạo môi trường kinh doanh lành mạnh đúng pháp luật. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu du lịch được xây dựng làm định hướng cho công tác quản lý, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản lý tài nguyên du lịch. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh và công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Từ các nguồn vốn đầu tư đã hình thành cơ bản kết cấu hạ tầng du lịch thiết yếu và đưa vào khai thác các dự án thành phần tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Hình thành các khu, điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng (Du lịch văn hóa tâm linh gắn với di sản văn hóa phi vật thể của thế giới hát Xoan Phú Thọ, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - danh thắng). Hình thành được một số tuyến du lịch chính (Bảo tàng Hùng Vương - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - đình Thét, thưởng thức hát Xoan - Siêu thị BigC - Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Vườn quốc gia Xuân Sơn - Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Bảo tàng Hùng Vương - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Đền Mẫu Âu Cơ - Đầm Ao Châu, Ao Giời Suối Tiên...). Phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh để tạo ra những sản phẩm đưa vào phục vụ khách du lịch như: Làng nghề thủ công mỹ nghệ ủ ấm Sơn Vi (Lâm Thao), làng nghề nón lá Sai Nga (Cẩm Khê), làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng (Tân sơn)… Hệ thống cơ sở và chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch mở rộng từng bước được hoàn thiện. Phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác phát triển du lịch được tiến hành có trọng tâm; tổ chức một số cuộc xúc tiến du lịch, khảo sát học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực, các hội chợ chuyên đề về du lịch…

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, hình ảnh du lịch Phú Thọ và các dự án kêu gọi đầu tư. Năm 2014 đã thành lập Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Phú Thọ; khai trương trang Web Du lịch Phú Thọ. Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được triển khai thực hiện đã tạo điểm nhấn “Du lịch Tây Bắc” trên bản đồ du lịch Việt Nam trong đó Phú Thọ được coi là điểm đến đầu tiên của Cung đường Tây Bắc. Tài nguyên du lịch nhân văn tiếp tục được làm giàu và phát triển với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa tâm linh về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, chương trình Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, mang bản sắc vùng đất Tổ; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Sơn và Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành điểm đến cuối tuần của du khách trong nước và quốc tế.

Các chỉ tiêu du lịch bình quân giai đoạn 2011 - 2014: 7 triệu lượt khách tham quan, tốc độ tăng trưởng 4,3%/năm; 684.000 lượt khách lưu trú, tốc độ tăng trưởng 13,5%/năm, trong đó lượt khách quốc tế 5.000 lượt với tốc độ tăng trưởng 9,3%; doanh thu du lịch 1.924 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm; thu hút 11.500 lao động trong ngành du lịch (trực tiếp và gián tiếp), tốc độ tăng trưởng 2,5%/năm.

Kết quả đạt được chỉ là bước đầu, để phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII sẽ gặp không ít khó khăn trong điều kiện Phú Thọ là tỉnh miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chất lượng thấp. Nội lực Phú Thọ không đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, hiện nay nguồn vốn đầu tư cho du lịch chưa tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch trở thành một trong ba khâu đột phá của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Trên địa bàn tỉnh chưa tạo được những sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao; thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch nên chưa thu hút được khách du lịch lưu trú dài ngày, mức chi tiêu của khách còn thấp, hiệu quả kinh doanh hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Việc liên kết, hợp tác trong hoạt động kinh doanh tổ chức các chương trình du lịch giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành phố còn yếu...

Trước thực trạng và thách thức đó đòi hỏi phải đề ra được các nhóm giải pháp hữu hiệu khắc phục khó khăn, giải quyết các vấn đề tồn tại, như nhóm giải pháp về nguồn vốn và cơ chế chính sách thu hút đầu tư; nhóm giải pháp về thị trường và xây dựng phát triển sản phẩm; nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch; nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch; nhóm giải pháp về tổ chức quản lý… Đồng thời, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của ngành Du lịch, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ gắn kết phát triển nhiều hơn nữa từ tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các chủ thể cùng tham gia vào quá trình phát triển tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch Phú Thọ phát triển theo hướng chất lượng, bền vững và có bước đột phá./.
Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở VHTTDL