Kiện phòng vệ thương mại: Không nên quá thận trọng

Gần đây, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất đi các nước bị đe dọa kiện bán phá giá, bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Thống kê của Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho thấy, nếu g

Để đối phó với hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, có 3 biện pháp gồm: hàng rào thuế quan, các biện pháp kỹ thuật và phòng vệ thương mại. Phòng vệ thương mại là cách phổ biến mà các doanh nghiệp tại tất cả các thị trường từ Mỹ, Eu đến các nước trong khu vực Đông Nam Á sử dụng nhằm mục đích bảo vệ sản xuất nội địa. Xu hướng khởi kiện không chỉ đơn lẻ từng thị trường mà theo kiểu “kiện chùm” có nghĩa là nhiều nước cùng khởi kiện hoặc kiện theo hiệu ứng domino và kiện kép, tức kiện đồng thời cả chống bán phá giá và trợ cấp, dễ dẫn đến nguy cơ đánh trùng thuế. “Hiểm” hơn cả là các vụ kiện đều nhằm vào những mặt hàng, thị trường xuất khẩu chủ lực, mặt hàng sử dụng nhiều lao động, sản xuất đồng loạt, giá trị gia tăng không cao. Bất lợi là hàng hóa Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá thường bị gắn với hàng hóa xuất khẩu cùng loại của một số nước có kim ngạch lớn hơn.

Dù đúng sai chưa ngã ngũ, nhưng cứ bị khởi kiện chống bán phá giá, thì ngay lập tức phải nghĩ kế sách đối phó, chuẩn bị các chứng cứ để hầu tòa thì cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực nảy sinh như: năng lực cạnh tranh giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, nguy cơ mất thị trường lớn. Do vậy, cần phải xác định và chuẩn bị tâm lý khi vào hội nhập, việc đi hầu kiện kiểu này sẽ là thường xuyên, cho nên, bên cạnh việc chủ động mở rộng thị trường thì tâm thế sẵn sàng hầu kiện cần phải chuẩn bị song song. Đây cũng là lời khuyên các chuyên gia Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI giành cho ngành thép, một ngành luôn đứng đầu về số vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới.

Trong thực tế, đa số các mặt hàng của Việt Nam không bán phá giá, không được trợ cấp của Chính phủ nhưng vẫn liên tục bị kiện, bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp. Điều này cho thấy việc kiện chống bán phá giá hiện nay cũng không phải lúc nào cũng trên cơ sở kiện đúng, kiện thật, mà nhiều khi lại nhằm mục đích gây nhiễu, tạo ra hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, việc thắng - thua phụ thuộc cơ bản vào kỹ năng, thậm chí là kỹ xảo.

Vì là người đi sau, kinh nghiệm về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt chắc chắn thua kém doanh nghiệp của rất nhiều quốc gia. Vấn đề này cũng không thể đi tắt, đón đầu như nhiều tiêu chí phát triển khác. Vậy doanh nghiệp buộc phải học hỏi thật nhanh, nghiên cứu thật sâu, thật chuyên nghiệp, cũng không nên bi quan về vấn đề nguồn lực. Vấn đề chính là phương pháp và cách thức tổ chức để luôn là người chủ động. Khi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt đến phòng vệ thương mại thì mọi khó khăn có thể vượt qua.

Các chuyên gia cũng cho rằng tương kế tựu kế, doanh nghiệp Việt Nam cũng dần phải hình thành và nâng cao năng lực kiện phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng nước ngoài đang xâm nhập vào Việt Nam. Việc Việt Nam quá thận trọng, quá bài bản trước mỗi vụ kiện dù ở vai trò bị kiện hay đi kiện thì đều không có lợi.