Ly cà phê ở trời Âu và câu chuyện hợp tác toàn diện Việt Nam – EU

Đã 3 năm nay, ông Briu Prăm ở Thượng Long, một trong bảy xã đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế không phải lặn lội xa nhà hơn 10 cây số để đốt rẫy làm nương nữa. Từ năm 2011, g

Đây chỉ là dự án rất nhỏ so với tổng vốn viện trợ phát triển không hoàn lại mà EU dành cho Việt Nam theo Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam - EU. Cũng tương tự như vậy, mỗi sáng tại châu Âu có hàng triệu máy cà phê hoạt động và bình quân cứ năm ly cà phê thì một ly xuất xứ từ Việt Nam, nhưng không ai bảo trao đổi thương mại song phương chỉ có như vậy.

Câu chuyện ly cà phê ở trời Âu

PCA Việt Nam - EU được đánh giá là một Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện có tốc độ đàm phán kỷ lục, chỉ với 2 năm với 9 phiên đã đi đến ký kết vào tháng 10/2010. Bên lề lễ ký kết ấy, giới thạo tin của hai bên không chỉ bình luận về việc “PCA sẽ mở ra một chương mới của quan hệ hợp tác Việt Nam - EU, phù hợp với tầm vóc mới của EU, cùng vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam” mà còn tìm cách lý giải vì sao hai bên nhanh chóng kết thúc thỏa thuận đến vậy.

Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 nước thành viên, trên 500 triệu dân, là nền kinh tế lớn nhất thế giới với 18 nghìn tỷ USD, chiếm 20% GDP toàn cầu; có 2/5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, có 4/8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Nếu nhìn vào con số GDP gần 200 tỷ USD thì Việt Nam chưa phải là nền kinh tế hấp dẫn lắm; nhất là trên thực tế, các năm trước khi đi đến kết thúc đàm phán PCA, Việt Nam liên tục xuất siêu, và năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 3,9 tỷ USD năm 2007 lên 6,5 tỷ USD năm 2010.

Sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở thị trường có số dân đứng hàng 13 thế giới, hơn thế nữa, với PCA, EU có điều kiện và công cụ để mở rộng vai trò của mình tại khu vực. Cùng với đó, PCA tạo lợi thế cho EU hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, tội phạm có tổ chức và rửa tiền, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nhưng chừng đó cũng chưa đủ giải thích tốc độ đàm phán, ký kết kỷ lục PCA. Điều mà hai nền kinh tế chênh lệch khá lớn về khoảng cách phát triển nhanh chóng đạt được thỏa thuận là do các điều khoản trong PCA đã phản ánh hài hòa lợi ích và ưu tiên của hai bên. Các nguyên tắc căn bản quy định tại PCA đã tính tới sự khác biệt về trình độ phát triển và luật pháp mỗi bên và phù hợp với khả năng của Việt Nam.

Chính vì thế, cà phê Việt Nam xuất hiện khá phổ biến tại thị trường có hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm khá nghiêm ngặt này. Ly cà phê Việt Nam tại trời Âu không phản ánh hết quan hệ thương mại song phương, song nó chứa đựng đầy đủ những nguyên tắc căn bản của PCA: tính tới sự khác biệt về trình độ của nhau và phù hợp với khả năng của Việt Nam.

Thêm một kỷ lục mới?

Tháng 10/2010 Việt Nam và EU ký tắt PCA, tháng 6/2012 ký chính thức thì cũng là lúc hai bên khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EVFTA trên cơ sở PCA.

Vậy EVFTA khác PCA thế nào? Nói một cách vắn tắt thì việc đàm phán và ký kết EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội, xóa bỏ các rào cản thương mại quan thuế và phi quan thuế, tạo thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Hiện nay, chỉ có khoảng 42% xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% (so với 80 - 85% của Malaysia và Philippines). Nếu EVFTA được thực hiện, tỷ lệ này có thể tăng lên 90%, giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU thêm 35%.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht khẳng định quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận về một hiệp định FTA

Bên cạnh đó, cùng với quá trình đàm phán EVFTA, EU sẽ đẩy nhanh việc công nhận Quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đấu tranh với các hình thức bảo hộ thương mại như thuế chống bán phá giá.

Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới 4 nước châu Âu từ 13 đến 18/10 vừa qua được báo giới toàn châu Âu, một số nước châu Mỹ và châu Á đặc biệt quan tâm.

Tại châu Âu, báo chí những nước không nằm trong lịch trình tới thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như Ba Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có bài viết phân tích trước, trong và sau chuyến thăm này. Tất cả những phân tích, nhận định đều xoay quanh 2 chủ đề: Điểm lại những cột mốc của mối quan hệ tốt đẹp 24 năm qua; và nổi bật hơn là nội dung thúc đẩy kết thúc đàm phán EVFTA vào cuối năm nay.

Các hãng truyền thông lớn có chung nhận định, cho tới nay các phiên đàm phán đều có những tiến triển thuận lợi, nhất là sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã ra Tuyên bố chung về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA.

Nếu đúng như những gì báo chí châu Âu nhận định (và cả mong đợi nữa), các thỏa thuận được kết thúc vào cuối năm nay, thì EVFTA lại lập một kỷ lục nữa về tốc độ đàm phán của một FTA đối với mỗi bên.

Sở dĩ các nhà quan sát châu Âu lạc quan về kết thúc tiến trình đàm phán EVFTA vì đây là một FTA phản ánh tương đối đầy đủ những ưu tiên của hai bên.

Việc tạo ra một thị trường thương mại tự do gần như không gây ảnh hưởng tiêu cực bởi cơ cấu kinh tế hai bên có tính bổ sung rất cao. EU có trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao, những mặt hàng mà các nước EU có thế mạnh thuộc các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, hóa chất, giao thông vận tải, hàng không, dược phẩm và dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng lớn. Đây là những sản phẩm Việt Nam có nhu cầu ngày càng tăng theo đà phát triển của nền kinh tế, nhưng khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của EU phần lớn là cao su nguyên nhiên liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, may mặc, thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu… là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh.

Đây cũng là lý do EU không hề quan ngại tới việc nhập siêu tới trên 60% từ Việt Nam (năm 2013 Việt Nam xuất sang EU 24,33 tỷ USD, nhập khẩu 9,45 tỷ USD).

Tất nhiên, EVFTA không hoàn toàn màu hồng. Những ngành công nghiệp như giày dép và dệt may của Việt Nam có thể ngày càng phát triển nhưng những lĩnh vực khác như nông nghiệp, chế tạo máy và điện tử sẽ phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ châu Âu. Đây có thể sẽ là một cản trở lớn cho sự phát triển vì như vậy Việt Nam vẫn tập trung vào những sản phẩm tạo giá trị thấp.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, mang tính “động” hơn thì sức ép từ hàng hóa EU sẽ như một luồng gió mới khiến sản xuất Việt Nam chuyển dịch sang khu vực có giá trị gia tăng cao hơn.

Đồng thời, kết thúc đàm phán EVFTA sẽ như một chất xúc tác thúc đẩy các đối tác của Việt Nam trong đàm phán TPP, cũng như các FTA khác “nhanh chân” hơn. Điều này cũng tương tự như khi Việt Nam kết thúc đàm phán gia nhập WTO với EU vào tháng 10/2004, có vai trò như một đòn bẩy khiến Hoa Kỳ chủ động hơn trong đàm phán với Việt Nam để hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 5/2006.