Chanh dây - “Cây triệu đô” của đồng bào Gia Lai
10/07/2023 lúc 10:05 (GMT)

Chanh dây - “Cây triệu đô” của đồng bào Gia Lai

 

Những năm qua, cây chanh dây tăng đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Gia Lai. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, cây chanh dây cho thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm.

Đặc điểm sinh học của cây chanh dây

Chanh dây hay chanh leo còn được gọi với tên mắc mát, mát mát, lạc tiên hoa tía (Tên khoa học là Passiflora edulis), là một loài dây leo sống lâu năm lớn nhanh với thân bò leo. Ở nước ta, hai giống chanh dây được trồng phổ biến là giống chanh dây vàng (xuất xứ Nhật Bản) và chanh dây tím Đài Loan. Được các trung tâm giống gieo và lai ghép, năng suất có thể đạt hơn 60-70 tấn/ha.

cay chanh day

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc trồng chanh dây không quá phức tạp. Cây chanh dây trồng được trên mọi địa hình. Thích hợp với các loại đất thoáng xốp, giàu chất hữu cơ như: Đất thịt nhẹ, đất đỏ ba-zan… Đất quá chua hoặc quá kiềm cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triến của cây. Tùy theo điều kiện đất đai và khả năng thâm canh, có thể trồng cây chanh dây theo các mật độ: 400 cây/ha (khoảng cách 5x5 m); 500 cây/ha (khoảng cách 5x 4 m); 625 cây/ha (khoảng cách 4×4 m).

chanh day

Thành phần dinh dưỡng của chanh dây

Ước tính trong một quả chanh dây tím có chứa:

- Lượng calo: 17 calo

- Chất xơ: 2 gam

- Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày (DV)

- Vitamin A: 8% DV

- Sắt: 2% DV

- Kali: 2% DV

chanh day

Lợi ích của chanh dây đối với sức khỏe:

- Ngừa bệnh hô hấp.

- Nguồn vitamin và chất xơ dồi dào.

- Tốt cho bệnh nhân tiểu đường.

- Ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư

- An thần.

- Ổn định đường huyết.

- Bảo vệ tim mạch.

          

Chanh dây được chế biến thành nhiều sản phẩm như: nước chanh dây cô đặc, ruột chanh dây nguyên hạt đông lạnh, nước chanh dây đóng lon, mứt vỏ chanh dây, nước ép cô đặc, tinh dầu…

          

 

kem canh day
kem chanh day 2
banh chanh day
nuoc uong chanh day
chanh day 3
chanh day 20

Gia Lai là tỉnh miền núi có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Cây chanh dây được trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ năm 2012. Qua đánh giá, đây là loại cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu cho nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Cây chanh dây được bà con nông dân trồng chủ yếu là loại giống nhập khẩu từ Đài Loan - chanh dây tím Đài Loan. Giống này nếu chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70-100 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường từ 15.000-17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500-700 triệu đ/ha/năm, chu kỳ canh tác hiệu quả nhất không quá 2 năm.

chanh day
chanh day 7

 

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai có khoảng 4.500ha trồng cây chanh dây, chiếm diện tích lớn nhất của cả nước. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, cây chanh dây cho thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm.

Diện tích chanh dây hiện được trồng chủ yếu ở các địa phương như Đak Đoa (1.080ha), Ia Grai (962ha), Chư Prông (714ha), Chư Sê (474ha), Mang Yang (302ha), Kbang (211ha), Chư Pưh (149,1ha) và thành phố Pleiku (230 ha)...

Để cây chanh dây phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên cần chú ý đến một số vấn đề như mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến.

chanh day gia lai 5

Theo đó, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Riêng chanh dây sẽ phát triển từ 4.500 ha hiện có lên 20.000 ha vào năm 2025, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận cao, từ 350-400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào hai loại cây chủ lực là chanh dây và chuối. Ngoài ra, các giải pháp tích cực cũng được tỉnh chú trọng xây dựng như quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn… mục đích không nằm ngoài việc phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trong đó có sản phẩm chanh dây.

chanh day
chanh day 10

Qua việc tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và phòng chống dịch bệnh, chanh dây Gia Lai đã đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định khắt khe nhất tại các thị trường quốc tế. Đến nay, trình độ sản xuất của người dân đã được nâng cao, năng suất tăng và đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng.

Để cây chanh dây trở thành "cây triệu đô”, tỉnh Gia Lai đã có những chủ trương, chính sách đặc thù cho cây chanh dây. Tháng 1 năm 2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 208/UBND-NL chỉ đạo về phát triển bền vững sản xuất chanh dây trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các địa phương cùng ngành nông nghiệp tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào…

Tỉnh đã bình tuyển, công nhận 8 vườn cây chanh dây đầu dòng với 1.195 cây, hàng năm có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu hom giống, đảm bảo cho diện tích trồng mới từ 4.240-5.300ha/năm.

chanh day

 

Liên kết để phát triển

Chỉ sau chưa đầy một năm xuống giống, gia đình anh Tũy ở làng Hlang, xã Hnol, huyện Đak Đoa đã thu về khoảng 100 triệu đồng từ bán quả chanh dây. Nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng rất phấn khởi vì có nguồn thu nhập ổn định từ loại cây trồng này, và đặc biệt là đồng thuận tham gia vào HTX sản xuất chanh dây để đạt hiệu quả cao hơn.

 “Tháng 6/2022, tôi đầu tư 20 triệu đồng để trồng 200 cây chanh dây xen trong vườn cà phê. Mặc dù mới thu hoạch 2 đợt nhưng tôi đã bán được khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ mở rộng diện tích chanh dây để phát triển kinh tế gia đình”, anh Tũy cho biết.

Để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định cần chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu.

chanh day 1

Hiện toàn tỉnh có 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chanh dây. Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao liên kết canh tác 305 ha chanh dây tại huyện Ia Grai với 150 hộ dân tham gia; HTX Thành Đạt liên kết canh tác 50 ha tại huyện Chư Pưh với 170 hộ dân tham gia; Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty cổ phần quốc tế Thông Đỏ liên kết với HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai và 2 tổ hợp tác tại huyện Mang Yang trồng 109,5 ha/223 hộ dân tham gia.

 

chanh day 12
chanh day 14

Toàn tỉnh có 17 cơ sở sơ chế, đóng gói và chế biến chanh dây, trong đó, Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sesan Gia Lai đã được cấp mã số cơ sở đóng gói chanh dây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cơ cấu giống hiện nay chủ yếu là Đài Nông 1, Đồng Giao 1. Đây là những giống chanh dây thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu sản xuất của người dân.

Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Hiện chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha chanh dây khoảng 160-170 triệu đồng. Sau khi trồng 8-9 tháng, chanh dây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, sau đó cho thu thêm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tháng. Năng suất chanh dây đạt khoảng 40-45 tấn/ha và giá bán bình quân hiện nay khoảng 12.500 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 360-370 triệu đồng/ha.

          

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi, nước ép hoa quả của tỉnh ước đạt 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng như: chanh dây quả, dịch chanh dây cấp đông, nước ép chanh dây, hoa quả đông lạnh. Thị trường xuất khẩu mở rộng, đặc biệt là các nước thành viên EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Sở Công Thương Gia Lai

          

 

chanh day
hugn thơm

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) là một điển hình trong liên kết với nông dân để tiêu thụ sản vật địa phương. Giám đốc HTX Đỗ Thị Mỹ Thơm chia sẻ: Những năm qua, HTX thu về hàng tỷ đồng nhờ xuất khẩu sản phẩm chanh dây tươi sang Pháp và Thụy Sĩ. Đến nay, HTX đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 126,4 ha. Đồng thời, HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…

Mỗi năm, HTX thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Năm 2022, HTX đã xuất khẩu 196 tấn chanh dây. “Để nâng cao giá trị quả chanh dây Gia Lai, HTX đầu tư mở rộng các kênh bán hàng thương mại điện tử, đồng thời đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân” - bà Thơm chia sẻ.

          

Bài: Xuân An
Trình bày: My Nguyễn

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí