Miền quê đồng chiêm trũng Gia Viễn vào tour
19/09/2023 lúc 15:14 (GMT)

Miền quê đồng chiêm trũng Gia Viễn vào tour

Thắng cảnh đẹp “thỏi nam châm” hút khách du lịch

Trước kia, nói tới huyện Gia Viễn là người ta thường nhớ tới vùng quê chiêm trũng, "chiêm khê mùa thối", nửa năm ngập lụt, nửa năm hạn hán; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, huyện Gia Viễn cũng sở hữu riêng những thắng cảnh đẹp như nhũ đá lung linh trong "Nam thiên đệ tam động", phong cảnh non xanh thủy tú ở Vân Long, cảnh chùa an yên trong tiếng nhạc thiền ở Bái Đính… Tất cả đã tạo nên một bức tranh du lịch độc đáo, hấp dẫn của vùng quê Gia Viễn.

Hiện trên địa bàn huyện có 2 khu du lịch trọng điểm là Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ở xã Gia Vân. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều khu du lịch đang được đầu tư nâng cấp nhằm thu hút khách du lịch như: suối khoáng nóng Kênh Gà ở Gia Thịnh, đền Thánh Nguyễn tại Gia Thắng, chùa Địch Lộng ở Gia Thanh…

Gia Viễn
Gia Viễn
 

Bên cạnh đó, với nguồn tài nguyên sinh học đa dạng và hệ sinh thái phong phú, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn đang là lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch, thúc đẩy cho kinh tế - xã hội của địa phương.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Theo nghiên cứu, hệ sinh thái tại đây có hơn 700 loài thực vật bậc cao và loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 07 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, UBND huyện Gia Viễn đã xây dựng cơ chế thu hút nhằm huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Gia Viễn
Gia Viễn
Gia Viễn

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, cùng với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa chất địa mạo và chiều sâu văn hóa, huyện Gia Viễn còn là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, được coi là vùng đất "sinh vương sinh thánh", nơi đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng - vị vua đầu tiên trong lịch sử phong kiến của dân tộc gắn sự kiện lịch sử oai hùng, trọng đại của đất nước. Đây là nơi ghi đậm dấu ấn của tứ trụ triều đình nhà Đinh: Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.

Gia Viễn
Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn

Bên cạnh đó, Gia Viễn là quê hương của Thiền sư Nguyễn Minh Không - người có nhiều công lao to lớn với dân, với nước. Ông đã chữa khỏi bệnh cho nhà vua và được phong làm Quốc sư - vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, được nhân dân tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn.

Các giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên luôn được các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Gia Viễn, trở thành nguồn lực vô giá.

Tour du lịch trải nghiệm là chuỗi hoạt động phát triển du lịch của huyện trong những năm tới, hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững.

Đầu năm 2023, UBND huyện Gia Viễn giới thiệu tour du lịch trải nghiệm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa địa phương chủ đề "Tìm về cội nguồn". Tour du lịch này gồm 2 tuyến. Trong đó, tuyến số 1 chủ đề "Theo dấu chân Vua Đinh Tiên Hoàng" sẽ đưa du khách tham quan tại các điểm di tích: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng - lăng Phát Tích, chùa Kỳ Lân - động Hoa Lư.

Tuyến 2 chủ đề "Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn", du khách sẽ tham quan tại di tích đền Thánh Nguyễn và trải nghiệm hoạt động sản xuất dược liệu tại Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở các tiềm năng du lịch của tỉnh, ngành Du lịch đã xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Du lịch sinh thái tập trung vào các khu hang động Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương.... Du lịch Văn hóa tập trung ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, các di tích lịch sử văn hóa thời Đinh, Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm... Du lịch tâm linh tập trung ở chùa Bái Đính, đền Dâu, đền Quán Cháo...; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao như chơi golf, leo núi; du lịch kết hợp hội thảo.

          

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng, đưa vào khai thác một số tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới như mở thêm tuyến 2, tuyến 3 Khu du lịch sinh thái Tràng An, điểm du lịch Tuyệt Tịnh Cốc; xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn; du lịch làng nghề truyền thống. Ngoài ra, Sở Du lịch đang khảo sát xây dựng và phát triển mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại làng hoa Ninh Phúc, cánh đồng dứa Đồng Giao, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc...

          

 

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn

Ngành Du lịch phối hợp với các ngành liên quan tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp hội thảo, du lịch thể thao; bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để tạo ra sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao.

Gia Viễn
Khôi phục Lễ hội chèo thuyền tại xã Gia Phong - Ảnh Mạnh Hùng

Đa dạng sản phẩm làng nghề phục vụ du khách

Trong phát triển kinh tế, huyện Gia Viễn xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lợi thế. Những năm gần đây, Huyện đã triển khai có hiệu quả các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Huyện định hướng phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và xây dựng đô thị và du lịch.

Thời gian qua các cấp chính quyền huyện Gia Viễn luôn tăng cường phối hợp với các ban ngành, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư tại các cụm công nghiệp.

Đã có nhiều xã trên địa bàn huyện Gia Viễn đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm như sản xuất tranh, ảnh lá bồ đề tại xóm 3, xã Gia Sinh; sản xuất các sản phẩm thảo dược của làng nghề Sinh Dược tại xóm 4, xã Gia Sinh; sản xuất nón lá xã Gia Vượng; nghề thêu ren tại Gia Thanh; sản xuất mắm tép tại thị trấn Me, xã Gia Thịnh, Gia Trung… để phục vụ du khách.

Gia Viễn
Gia Viễn

Theo chân nhóm du khách, chúng tôi tới Làng nghề Sinh Dược nằm ngay dưới chân núi thuộc khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây, từ xưa đã nổi tiếng với rất nhiều loại thảo dược quý hiếm, mọc tự nhiên nên được gọi tên là làng Sinh Dược, đến nay người dân địa phương vẫn bảo tồn và phát huy các phương pháp chế biến thảo dược thành các bài thuốc trị bệnh hiệu quả và lành tính.

Gia Viễn
Tái hiện cảnh người dân làng Sinh Dược làm thuốc chữa bệnh cho vua

Tương truyền, Thiền sư, danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh “Hóa hổ” cho vua nhà Lý, ngài tìm được nhiều loài thuốc mọc tự nhiên khắp một vùng bán sơn địa nên đặt tên nơi này là Sinh Dược. Trong quá trình tu hành và tìm hiểu cây thuốc nơi đây, ngài đã truyền lại những kinh nghiệm dùng thảo dược, những bài thuốc quý cho người dân thôn Sinh Dược.

Gia Viễn

Hiện nay, tại đây đã hình thành Hợp tác xã với 11 thành viên, sản xuất đầy đủ các sản phẩm tiện dụng có nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, không độc hại, thân thiện với môi trường phục vụ nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe con người bằng các phương thức cổ truyền đậm đà bản sắc Việt Nam như: Xà bông, muối tắm, muối ngâm, kem đánh răng, nước giặt…

Tại xã Gia Vượng, nơi nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống đã mấy trăm năm. Hiện nay, trước sự phát triển du lịch của tỉnh, xã đang có chiến lược phát triển quảng bá làng nghề gắn với du lịch, coi đây là hướng đi mới trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống của địa phương, có 25% dân số duy trì nghề, với 5/6 xóm trong toàn xã làm nghề.

Cũng là nghề truyền thống, xã Gia Trung nổi tiếng với nghề làm mây tre đan, nghề này trước kia chỉ có ở thôn An Thái, nay đã phát triển rộng ra một số thôn, xóm trong xã với gần 280 hộ, khoảng 800 lao động thường xuyên tham gia làm nghề, cho thu nhập bình quân từ 30.000-40.000 đồng/người/ngày. Với những người có tay nghề vững và thâm niên trong nghề có thể thu nhập tới 80.000 đồng/người/ngày.

Nghề mây tre đan không kén người làm, kỹ thuật không khó nên phù hợp với nhiều lứa tuổi. Có những gia đình, từ ông bà, bố mẹ cho tới các con đều có thể tham gia các công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, thuận lợi cho những người làm nghề là sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở khu vực nông thôn trong toàn tỉnh vì nhu cầu sử dụng các mặt hàng mây tre đan trong các gia đình nông thôn cao.

 

Trung bình hàng năm, giá trị tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đạt gần hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển nghề truyền thống ở địa phương, xã Gia Trung đã quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động để họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra những sản phẩm mới, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, nghề sản xuất mắm tép tại Gia Viễn ngon nổi tiếng. Từ lâu đời nay, hầu hết các hộ nông dân Gia Viễn đều sản xuất được mắm tép để ăn trong gia đình và làm quà biếu, không mang tính kinh doanh. Sản phẩm mắm tép do người dân tự làm tại hộ gia đình, tự tiêu thụ, nên quy mô, hình thức sản xuất còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ.

Gia Viễn
Gia Viễn
Gia Viễn

Thời gian đây, do nhu cầu phát triển của thị trường phục vụ khách du lịch gần xa, trên 20 hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mắm tép hình thành và phát triển, tập trung chủ yếu ở các xã Gia Trung, Gia Lạc, Gia Minh, Gia Phong, Gia Thịnh, Liên Sơn và thị trấn Me. Đã có nhiều cơ sở sản xuất mắm tép được áp dụng quy trình mới, chú trọng đến chất lượng, được Sở Y tế Ninh Bình công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; được chọn trưng bày thường xuyên tại các gian hàng nông nghiệp, triển lãm, trạm dừng nghỉ để giới thiệu sản vật quê với du khách.

 Đặc biệt, mắm tép Gia Viễn đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) biết đến (năm 2011, chủ cơ sở Trang Quyết được tổ chức JICA mời sang thăm các làng nghề ở Nhật Bản thăm quan, học hỏi cách tổ chức sản xuất, kinh doanh và được đặt mua 4 - 5 tấn mắm tép mỗi năm). Đồng thời, mắm tép Gia Viễn đã được ghi danh trong danh mục món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, thôn Thượng, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gia Viễn nổi tiếng với nghề truyền thống làm mắm tép nên luôn nung nấu ý tưởng phát triển những sản phẩm từ mắm tép đặc sản quê hương. Qua quá trình tìm tòi, sáng tạo và nghiên cứu, đến nay chị đã phát triển thành công sản phẩm "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn", đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của ngành công thương.

Gia Viễn

Chị Thanh cho biết, với quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống làm mắm tép của cha ông, tôi đã nỗ lực học hỏi, tìm tòi, thử nghiệm trong sản xuất, tìm kiếm những nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, áp dụng công nghệ vào chế biến, phát triển sản phẩm Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn. Điểm nổi trội của sản phẩm "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn" là nguyên liệu được tuyển chọn kỹ, sạch, tự nhiên. Trong quá trình chế biến cơ sở của chị không dùng mỡ thừa, không mì chính, không chất bảo quản hướng đến chuẩn sản phẩm sạch theo hướng VietGAP. Các khâu chế biến được kiểm tra kỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Thanh sản xuất được từ 10 - 20 kg thành phẩm thịt chưng mắm tép, cao điểm hơn là các tháng mùa đông lên đến 30 - 40 kg, với giá 280.000 - 330.000 đồng/kg, mỗi tháng cho doanh thu gần 100 triệu đồng. Cơ sở của chị Thanh còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Gia Viễn

Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng, chị Thanh đã và đang chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện sản phẩm đang cung cấp cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, các đại lý, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc mở rộng ở những kênh truyền thống, chị Thanh còn đẩy mạnh bán hàng online, đưa các sản phẩm lên các trang mạng xã hội: facebook, zalo; sàn thương mại điện tử và nhiều kênh khác.

Theo chị Thanh, đạt chuẩn OCOP là cơ hội rất lớn để sản phẩm "Thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn" có nhiều điều kiện cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cũng là cơ hội để cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, phát triển hơn.

Thời gian tới, cơ sở của chị dự định sẽ mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, tập trung quảng bá sản phẩm đến nhiều nơi trên thị trường.

Bài: Thăng Long
Ảnh bìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí