Nhân lực chuyên gia - Giải pháp tăng hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA
06/12/2023 lúc 19:00 (GMT)

Nhân lực chuyên gia - Giải pháp tăng hiệu quả tận dụng cơ hội từ các FTA

 

Thời gian qua, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều cam kết tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư đã mang lại “làn gió mới” tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Nổi bật là xuất nhập khẩu của với nhiều thị trường được duy trì và tăng trưởng khả quan, ngay cả trong thời điểm thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động địa chính trị. 

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thực thi các FTA, trong năm 2022 có 52/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với các nước CPTPP, tăng 11 địa phương so với năm 2021. Tương tự, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021. 

Riêng với EVFTA, kết quả xuất khẩu sang EU có sự hỗ trợ đáng kể từ việc thực thi EVFTA. Trong năm 2022, 49/63 địa phương có hoạt động xuất khẩu với khu vực này, tăng 11 địa phương so với năm 2021. EVFTA đã tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn...

Mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn.

nhân lực FTA

Một trong những nguyên nhân của việc tận dụng các FTA chưa đạt như kỳ vọng được cho là vấn đề nhân lực chuyên gia thực thi FTA vừa thiếu, vừa yếu. Trên thực tế, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ thực thi các FTA tại các địa phương rất hạn chế và chủ yếu là kiêm nhiệm. Thêm vào đó, kinh nghiệm và chuyên môn về các FTA, nhất là việc thực thi các FTA chưa có điều kiện được đào tạo và trau dồi thường xuyên.

          
Anh Khanh

Đây là vấn đề hầu hết các tỉnh, thành nêu ra trong báo cáo thực thi FTA. Số lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA ở tỉnh thành còn rất hạn chế. Tôi thấy có nơi báo cáo chỉ có 1 người phụ trách mà 1 người đấy không chỉ làm FTA mà làm hội nhập, logistics…, tức là làm đủ thứ, tức là nhân lực chúng ta còn hạn chế và thứ hai nữa là chuyên môn về các FTA hay hướng dẫn doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng

Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

          

 

Tại các cơ quan quản lý Nhà nước, số lượng các cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn rất thiếu và cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA. Bên cạnh đó, nhân lực trong các doanh nghiệp nắm rõ các quy định về FTA có liên quan đến trực tiếp hoạt động của họ, ví dụ như quy tắc xuất xứ, hải quan, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu… hầu như chưa có, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt cơ hội từ các FTA.

Điều này đặt ra những yêu cầu về nguồn nhân lực chuyên gia về FTA không chỉ cho cơ quan, địa phương mà kể cả các doanh nghiệp, các hiệp hội có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng FTA.

nhân lực 1
nhân lực 2

Vấn đề khắc phục những hạn chế về nguồn nhân lực chuyên trách hội nhập FTA cũng như nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực này để nghiên cứu, triển khai các giải pháp hiệu quả gia tăng khả năng tận dụng các ưu đãi từ FTA là bài toán cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương.

giải pháp nhân lực

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cách tiếp cận của các địa phương cần phải chủ động hơn.

          
bà Hương

Các tỉnh có các khu công nghiệp tập trung quy mô có những tiếp cận về đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp những quy định mới trong các FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP, trong xuất khẩu, kết nối thị trường mạnh mẽ và bài bản hơn là những địa phương có ít khu công nghiệp hoặc ở vùng sâu, vùng xa nơi có ít doanh nghiệp FDI.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

          

 

Một ví cụ dụ cụ thể trong năm ngoái và năm nay các Sở, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đã kết nối doanh nghiệp với những doanh nghiệp FDI lớn có những hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc nâng cấp nhà máy thông minh, nâng cấp quy trình sản xuất để có thể hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ cao hơn”, bà Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Hân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho biết: Xác định nhân sự chuyên gia giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thực thi các FTA cho các doanh nghiệp, Hải Phòng rất chú trọng đến việc đào tạo, duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thực thi các FTA.

Thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức như công tác hội nhập đối ngoại, đầu tư mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ, hải quan, logistics và kết nối giao thương với các thị trường quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên Hải Phòng cũng gặp khó khăn chung như các địa phương, đơn vị khác là số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA còn rất hạn chế và kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau.

Cũng vướng ở khía cạnh nhân lực chuyên gia FTA, bà Lê Thị Hằng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech chia sẻ: Trong quá trình xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Châu Âu và thực hiện Hiệp định thương mại tự do EVFTA, công ty gặp phải những khó khăn về tìm kiếm các chuyên gia để đào tạo cho đội ngũ nhân sự của bộ phận xuất nhập khẩu. Bởi trong quá trình thực tế, bộ phận nhân sự chỉ nắm bắt được các chuyên môn thực hiện các hợp đồng, giao dịch, tư vấn cho khách hàng, còn kinh nghiệm thực tế từ chuyên gia FTA vẫn đang vướng mắc.

          
bà Hằng

Chúng tôi đang tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm từ FTA để có thể tư vấn cho đội ngũ nhân sự của chúng tôi, từ đó chúng tôi có thể có những biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là thực thi các quy định ở các hiệp định thương mại tự do liên quan đến lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...

Bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech

          

Để có thể xây dựng được một đội ngũ chuyên gia và thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục triển khai các khóa đào tạo về FTA; tạo nguồn nhân lực lâu dài, hiểu biết về các FTA thông qua đào tạo ở các khoa, ngành chuyên sâu về FTA của các trường đại học, cao đẳng. Qua đó có thể hỗ trợ tham gia hoạt động đàm phán trong các hiệp định của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như phục vụ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ động làm việc với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng chương trình đào tạo cũng như hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA.

Lan Phương
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Trên cơ sở chỉ đạo này, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp, hoạt động nhằm hướng tới xây dựng một nguồn nhân lực tốt hơn cho Việt Nam để tận dụng các FTA trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.

Trước mắt, Bộ Công Thương đang phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương xây dựng khung tài liệu đào tạo về các chuyên gia FTA và trong năm 2023 hướng đến xây dựng tài liệu đào tạo cho nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và phát triển bền vững.

Đồng thời trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, Bộ Công Thương cũng sẽ bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức, tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương có kế hoạch đưa ra những chương trình đào tạo tổng thể và bài bản, cụ thể cho từng lĩnh vực để đáp ứng được các yêu cầu.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ triển khai thí điểm hợp tác với một số trường đại học có khối ngành kinh tế - thương mại quốc tế và khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường FTA để xem xét, lựa chọn nội dung đào tạo. Từ đó đào tạo nhân sự lâu dài cho cơ quan quản lý cấp địa phương và doanh nghiệp theo hướng sinh viên ra trường đáp ứng cả yêu cầu chuyên môn và những kỹ năng mềm, có thể vào làm việc ngay ở những cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương về chuyên gia FTA cũng như doanh nghiệp.

"Bộ Công Thương cũng xác định trong thời gian ngắn không thể nào cung ứng được một lực lượng lao động chuyên gia FTA ngay lập tức và luôn. Để có một nguồn nhân lực lâu dài thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như tận dụng các FTA sẽ cần rất nhiều công sức. Phải có một quá trình tương đối trung và dài hạn để có được nguồn nhân lực hỗ trợ thiết thực và đáp ứng nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới", bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết.

Doanh nghiệp cần chủ động và tiếp cận tổng thể hơn về xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên gia FTA

Từ thực tế kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp trong việc thực thi cam kết của các FTA, bà Hồ Ngọc Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do (KTPC) nhấn mạnh: Vai trò của các chuyên gia về FTA rất quan trọng đối với cả các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia FTA sẽ giúp thực thi các FTA tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều FTA có những cam kết rất khó như cam kết về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp thực thi FTA tốt hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia FTA ở các cơ quan quản lý Nhà nước có một vai trò quan trọng hơn trong quá trình thực thi đó là giúp cảnh báo sớm; khi các chuyên gia FTA tại các sở, ban, ngành nắm được chuyên sâu những nội dung này sẽ tiếp xúc, hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp về các xu hướng phòng vệ thương mại tại các thị trường FTA và khuyến nghị giải pháp ứng phó thích hợp.

bà Linh
Bà Hồ Ngọc Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do (KTPC)

Đối với doanh nghiệp, theo bà Linh, vai trò của các chuyên gia sẽ mang tính chất định hướng, không chỉ ỏ vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ mà sẽ gợi mở, định hướng tìm hiểu, nắm chắc những quy định mới của các thị trường trong bối cảnh thương mại mới để đưa ra những định hướng phát triển thị trường sắp tới.

Nếu doanh nghiệp có một chuyên gia FTA về thị trường EU và nhận thấy sắp tới EU sẽ ban hành quy định về chống phá rừng, chuyên gia có thể đề xuất, kiến nghị các phương án thích ứng cho doanh nghiệp như: phải tìm hiểu xem trong trường hợp như vậy chúng ta phải tuân thủ những điều gì, có phương án quản trị rủi ro ra sao. Mặt khác, trong khi thị trường EU đang diễn biến như vậy chúng ta có thể thử tìm kiếm, khai thác những thị trường khác xem sao…”, bà Linh nêu ví dụ.

Chia sẻ kinh nghiệm của các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới về đào tạo chuyên gia, bà Hồ Ngọc Linh cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động và có một cách tiếp cận tổng thể hơn.

Từ thực tiễn nhu cầu hoạt động của mình, doanh nghiệp có thể hợp tác, đặt hàng với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để đào tạo những chuyên gia đáp ứng những yêu cầu cụ thể như về phát triển bền vững, logistics, tìm kiếm thị trường…, có thể đưa vào những chương trình đào tạo đại học hoặc khóa học cấp chứng chỉ. Ví dụ, đào tạo chuyên gia chuyên sâu về những cam kết mở cửa thị trường, cam kết thuế quan, dịch vụ đầu tư… một cách cụ thể để khi học xong các học viên, nhân viên có thể áp dụng luôn vào công việc và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như việc thực thi, tận dụng các FTA.

Các doanh nghiệp cũng có thể đầu tư một quỹ đào tạo để không chỉ khuyến khích mà còn yêu cầu nhân viên nâng cao kỹ năng nào đó trong thời gian nhất định để có thể áp dụng trực tiếp vào công việc hàng ngày của doanh nghiệp.

Đó là cách tiếp cận mà các anh chị doanh nghiệp có thể cân nhắc để chủ động hơn, kết nối với cả bộ, ngành hoặc kết nối với các cơ sở giáo dục chuyên sâu để đặt hàng đào tạo cho doanh nghiệp”, bà Linh khuyến nghị.

Bên cạnh việc đầu tư đặt hàng đào tạo, doanh nghiệp cũng có thể dành ra một khoản chi phí vận hành để thuê một bên đơn vị nghiên cứu thị trường hoặc sẽ có nhân sự nghiên cứu đánh giá rủi ro giúp doanh nghiệp về xu hướng đầu tư, tìm kiếm cơ hội ở các thị trường phù hợp với quy mô sản xuất, nguồn vốn, nguồn hàng của doanh nghiệp…

nhân lực chuyên gia
          

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí