Tác động của Hiệp định CPTPP dưới góc nhìn của doanh nghiệp
15/11/2023 lúc 11:05 (GMT)

Tác động của Hiệp định CPTPP dưới góc nhìn của doanh nghiệp

 

Việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thời gian qua tác động khá rõ nét tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với khu vực thị trường này.

doanh nghiệp

Trao đổi tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP do Bộ Công Thương tổ chức cuối tháng 12/2022, ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn PAN cho biết: Khi chúng ta ký kết với các đối tác và có những hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như CPTPP và sau đó là EVFTA như một cú huých giúp doanh nghiệp có được những cơ hội để có thể đi sâu hơn và dễ dàng hơn vào những thị trường như là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, đặc biệt với CPTPP thì đó là Nhật Bản, Canada và Australia.

 
ông Hiệp PAN

Hiện nay Nhật Bản chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 doanh số xuất khẩu của chúng tôi. Canada là một nước xuất khẩu của chúng tôi về thủy sản và mặt hàng điều cũng gia tăng rất lớn. Australia thì ngoài các sản phẩm liên quan tới hạt, thủy sản, chúng tôi hiện nay đã đưa vào đó sản phẩm gạo, trong đó có cả gạo trắng và thực phẩm chức năng. Rõ ràng việc Việt Nam ký kết CPTPP đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp như chúng tôi trong việc có thêm vị trí cạnh tranh tốt với các đối thủ.

 Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn PAN

 

Ông Hiệp dẫn chứng, với thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh rất mạnh mẽ với các nước ở gần khu vực Bắc Mỹ, chẳng hạn như Ecuador hiện nay là đối thủ chính của Việt Nam về mảng tôm và với thị trường Mỹ rõ ràng họ có lợi thế cạnh tranh rất nhiều về khoảng cách địa lý, dịch vụ logistics. Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khi mà logistics là một vấn đề lớn và là một rào cản thì PAN đã chuyển hướng nhiều hơn sang thị trường Nhật Bản là một thị trường mà có lợi thế nhiều hơn vì cùng nằm trong CPTPPP, có vị trí địa lý khá gần và giúp cho doanh nghiệp được nhiều lợi thế hơn khi cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lợi thế lớn mà cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng được đầu tiên và nhiều nhất ở Hiệp định CPTPP là ưu đãi thuế quan. Về cơ cấu thị trường, Nhật Bản, Australia, Canada là 03 thị trường đang chiếm khoảng 85% thị phần của khối CPTPP nhập hàng thủy sản của chúng ta.

          
Nam VASEP

Ví dụ như thị trường Nhật Bản là một thị trường truyền thống, ngoài tận dụng các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA thì việc tận dụng CPTPP cũng khá nhiều, giúp thúc đẩy tăng lên 30% trong tổng thị phần kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 11 tỷ USD trong năm thứ ba thực thi Hiệp định là một con số đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

          
giày dép
thuy san
gia vi
det may

Trong khi đó, Báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng thực hiện năm 2022 nghiên cứu tác động của Hiệp định CPTPP đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả hiệp định CPTPP đối với các sản phẩm có thế mạnh của Thành phố cho thấy những tác động và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với các lợi ích tiềm năng từ CPTPP.

Nghiên cứu cho thấy, về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, 65% doanh nghiệp được khảo sát tại Đà Nẵng phản hồi có biết về Hiệp định (tương ứng với gần 35% doanh nghiệp được khảo sát hoàn toàn chưa biết gì về Hiệp định CPTPP), trong đó 36,8% cho biết Có nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, trong đó 25,1% trả lời Có tìm hiểu thông tin cơ bản về Hiệp định, và xấp xỉ 3,1% doanh nghiệp trả lời Có hiểu biết khá về Hiệp định này. Tuy nhiên, không có ý kiến phản hồi nào cho rằng Hiểu biết sâu về Hiệp định. Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng vẫn còn dư địa để gia tăng.

Về tác động với hoạt động xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, theo đánh giá của doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được khảo sát, từ khi hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, hoạt động xuất/nhập khẩu của một tỷ lệ lớn doanh nghiệp trả lời là có tăng, cụ thể: Tăng mạnh chiếm 8,8%; Tăng không đáng kể 23,5%; Không thay đổi chiếm 17,7%; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tình hình giảm xuất/nhập khẩu tại thị trường CPTPP chiếm 11,7%, trong đó Giảm không đáng kể chiếm 8,8%; Giảm mạnh chiếm 2,9%. Nguyên nhân của sự giảm sút này được các doanh nghiệp này cho biết chủ yếu là do tình kinh kinh tế vĩ mô bất lợi hoặc do tác động của đại dịch Covid-19.

Về những yếu tố mà doanh nghiệp cho rằng sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các FTA trong tương lai, chiếm tỷ trọng cao nhất là vấn đề thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ (11,5% doanh nghiệp được khảo sát đề cập). Lực cản tiếp theo là liên quan tới yếu tố từ góc độ quản lý, sự chậm trễ trong ban hành văn bản thực thi hiệp định (7,7%); vướng mắc khi làm thủ tục nhập khẩu hàng về (7,7%); 3,9% doanh nghiệp được khảo sát đang xuất khẩu với mức thuế tối huệ quốc MFN đã là 0% (3,9%); Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc Thiếu thông tin về thị trường mới thuộc khối CPTPP hoặc chưa có đối tác tại thị trường này (2%); Cuối cùng là một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ quá khó đáp ứng (2%), và không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan (2%).

Về các lợi ích cụ thể được kỳ vọng đối với các lợi ích tiềm năng từ CPTPP, các cơ hội liên quan tới thương mại hàng hóa - ưu đãi thuế quan khi xuất/nhập khẩu sang/từ thị trường khu vực CPTPP đứng đầu với 69,6% doanh nghiệp lựa chọn; và Chi phí logistics cũng như các dịch vụ liên quan thương mại xuyên biên giới sẽ giảm được 65,2% doanh nghiệp được khảo sát đồng tình. Cơ hội hợp tác-liên doanh với các đối tác nước ngoài cũng là một trong những kỳ vọng được tỷ lệ cao các doanh nghiệp tại Đà Nẵng mong đợi đạt 63%; tiếp đến là nhóm các cơ hội về một môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi (56,5%); mở rộng thị trưởng, tiếp cận thêm nguồn đơn hàng, khách hàng (50,5%); góc độ quản lý, các thủ tục xuất nhập khẩu ở Việt Nam sẽ thuận lợi, ít tốn kém hơn (30,4%) và cơ hội tham gia sâu hơn và có giá trị gia tăng cao hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu (19,6%).

Qua những đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, một FTA thế hệ mới ngoài những tác động trực diện về thuế quan, thuận lợi thương mại hàng hóa thì các các cơ hội kết nối hệ thống đối tác và cải thiện góc độ thể chế, quản lý cũng được kỳ vọng tác động khá sâu sắc.

CPTPP 2

Nghiên cứu cũng cho thấy những lĩnh vực doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh nhằm tận dụng hiệu quả hơn Hiệp định CPTPP và các FTA khác. Trong đó, 03 hướng điều chỉnh đạt tỉ lệ chọn cao nhất của doanh nghiệp đều tập trung vấn đề đào tạo: đào tạo kỹ năng quản lý (39,4% doanh nghiệp phản hồi), chuyên môn người lao động (35,2%) và kỹ năng về hội nhập và hoạt động ngoại thương (33,8%). Kế hoạch về tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cũng được các doanh nghiệp định hướng trong thời gian sắp tới với 33,8% doanh nghiệp phản hồi. Các vấn đề tiếp theo được doanh nghiệp quan tâm đó là: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại (22,5%); Cải thiện công nghệ (22,5%); và Tăng vốn đầu tư (21,1%).

Đáng chú ý, các vấn đề trực tiếp liên quan với tiêu chuẩn, chất lượng đầu ra để có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ, quy trình, tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập lại chưa được doanh nghiệp quan tâm xứng đáng, như: Chuyển đổi nguồn đầu vào, quy trình sản xuất (7%) do vấn đề này chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn; các vấn đề mới, tiên tiến cũng chưa được định hình rõ nét như Đạt các tiêu chuẩn quốc tế về lao động (15,5%) hay Đạt chứng nhận môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (2,8%), cho thấy doanh nghiệp chưa có nhận thức dài hạn về các tiêu chuẩn cao hơn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt như Hiệp định CPTPP.

Đối với đề xuất hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn, đề xuất hỗ trợ về Đào tạo kiến thức kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, luật thương mại quốc tế, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác chiếm đến 53,8%, tỷ trọng cao nhất.

Tiếp theo là các đề xuất về hỗ trợ thông tin như: Phổ biến thông tin về các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế (38,5%); Hỗ trợ thông báo kịp thời các rủi ro tiềm ẩn từ các thị trường nhạy cảm đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua mạng xã hội trên Internet (34,6%); Có các hình thức thông tin hai chiều giữa cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp (định kỳ cung cấp thông tin, tham vấn với doanh nghiệp về việc thay đổi/điều chỉnh chính sách…) (32,7%); Cung cấp thông tin thị trường tiềm năng, bán hàng qua các cơ quan ngoại giao, thương vụ, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường (25%). Đề xuất về hỗ trợ thủ tục hành chính, ở đây cụ thể là: Xúc tiến thủ tục hải quan điện tử, Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử, thuế điện tử, chính sách một cửa để tạo thế cạnh tranh chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp cũng được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn, chiếm tỷ lệ 36,5%.

Các đề xuất hỗ trợ khác từ doanh nghiệp được khảo sát lần lượt là: Các biện pháp hỗ trợ về tài chính, vay vốn (tỷ lệ khá cao với 30,8% doanh nghiệp khảo sát); Hỗ trợ về công tác quản lý, đặc biệt là các kỹ năng quản lý rủi ro, kinh nghiệm ứng xử khi có tranh chấp, kiện tụng (19,2%); Hỗ trợ về chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin, thương mại điện tử) (15,4%).

Có thể thấy, chính doanh nghiệp - đối tượng hưởng lợi chủ lực mà các FTA hướng tới đã nhận thức được và kỳ vọng vào việc khai thác, tận dụng các FTA. Tuy nhiên, thực tế tận dụng vẫn còn nhiều hạn chế và nhiều dư địa để cải thiện tốt hơn. Để khai thác được các lợi ích và khắc phục những khó khăn, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP, đặc biệt là những ưu đãi theo hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có nhìn bao quát đối với hiệp định, thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn những cơ hội từ CPTPP, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, để Hiệp định CPTPP tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

CPTPP

Bài: Hoàng Phương (ghi)
Ảnh bìa và Thiết kế: Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí