Minh bạch hóa và xác minh thông tin trong cảnh báo sớm

Vì thông tin có thể làm thay đổi hành vi, bất đối xứng và thiếu minh bạch trong cung cấp thông tin sẽ khiến hệ thống cảnh báo sớm về thương mại không thể thực hiện tốt chức năng của nó...

Minh bạch là một nguyên tắc quan trọng trong nhiều hiệp định của WTO trong đó có các nội dung về TBT. Để đảm bảo tính minh bạch trong các thông báo của các nước thành viên, năng lực và thiện chí của các nước trong trao đổi thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình phù hợp cần được nâng cao để tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương và giúp giảm bớt các rào cản thương mại.

Các thông báo SPS và TBT phục vụ cho một mục đích cụ thể trong hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là cho phép các đối tác trong hiệp định nhận biết và đánh giá về một biện pháp phòng vệ thương mại được các nước đề xuất lên WTO trước khi nó chính thức có hiệu lực.

Đảm bảo hiệu quả về thương mại là lý do vì sao các bên trước khi áp dụng các SPS và TBT mới phải thông báo cho các thành viên khác của WTO. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hình thức thông báo hiện nay không cung cấp đầy đủ thông tin để các bên đánh giá được các tác động tiềm năng của nó đối với thương mại giữa các nước (về phía bên xuất khẩu, họ không đánh giá được hết các hậu quả của các quy định SPS và TBT bị áp dụng đối với hàng hóa của mình). Trong khi những thông báo không đầy đủ, nếu hệ thống cảnh báo sớm không được đổi mới và nâng cấp, nó sẽ không thể hoàn thành được chức năng cảnh báo và hỗ trợ các DN tham gia thương mại quốc tế một cách thuận lợi và hiệu quả.

Trong khi đó, mức độ minh bạch hóa càng cao càng tạo thuận lợi cho thương mại. Đây không chỉ là các yêu cầu đối với các nước nhập khẩu có hàng rào kỹ thuật cao mà còn là động lực để chính các nước đang phát triển phải rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp lý cũng như quy trình kỹ thuật, quy trình xây dựng các hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu vào nước mình.

Logic của các cuộc thảo luận minh bạch hóa thông tin trong TBT và SPS chính là thông tin có thể làm thay đổi hành vi của không chỉ các Chính phủ, mà còn cả các doanh nghiệp, các nhà phân tích và thậm chí một công dân bình thường (ví dụ, một người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi của mình khi biết một loại hàng hóa sắp bị hạn chế nhập khẩu bởi các quy định TBT, SPS, họ có thể sẽ phải sử dụng tiết kiệm hơn hoặc chuyển sang các loại hàng hóa thay thế).

Vấn đề đặt ra là với mỗi thông tin thương mại cần cảnh báo sớm, ai sẽ cần thông tin về các tác động thương mại và làm thế nào họ có thể có được nó? Trong nhiều trường hợp, các tác nhân kinh tế phải chấp nhận sự bất đối xứng thông tin, theo đó, họ không nhận được thông tin đầy đủ như các tác nhân khác, dẫn đến thua thiệt trong thương mại của họ. Do đó, cơ chế xác minh và phân tích, bổ sung thông tin trước khi cảnh báo sớm là hết sức cần thiết.

Các phiên họp gần đây của WTO liên tục đưa ra các khuyến cáo đối với các thành viên để cải thiện hệ thống chia sẻ thông tin và cảnh báo sớm đối với các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước đề xuất và thực hiện, đó là:

* Khuyến khích thông báo minh bạch hơn, ngay cả khi các biện pháp phòng vệ thương mại đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

* Cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Ban Thư ký Ủy ban TBT của WTO để làm rõ và bổ sung các điểm chưa rõ ràng trong thông báo, trong đó thường là các nội dung liên quan đến biện pháp thực hiện trong thực tế.

* Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các thông báo mới.

* Xây dựng nhiều hội thảo chuyên đề trong các tiểu ban.

* Khuyến khích các cơ quan tiêu chuẩn xem xét tác động thương mại của các quy định mà họ ban hành.

* Khuyến khích thành viên xây dựng hệ thống tham chiếu rõ ràng đối với các hiệu ứng thương mại, và sau đó xây dựng các liên kết để phân tích các thông báo và dự báo các quy định có thể sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai.

* Sử dụng các báo cáo giám sát hàng năm để xác minh thông tin và công bố các báo cáo này trong phạm vi phù hợp.

Thanh Trà