Ngành Công Thương và mệnh lệnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Trong 9 tháng trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần 20 lần nhắc tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0). Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển kha

Nghẹt thở công nghiệp 4.0

Nói một cách ngắn gọn thì công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh dựa trên nền tảng kỹ thuật số; trong đó các modul sản xuất tự động (robot) hiện diện nhiều hơn; hệ thống được kết nối Internet và liên kết với nhau để có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất (công nghệ in 3 D).

Thông thường, để sản xuất một đôi giày, hãng Adidas mất 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng. Với việc sử dụng công nghệ in 3D, tất cả các công đoạn này còn chỉ 5 giờ, trong đó khách hàng có thể tự thiết kế đơn đặt hàng của mình.

Ở Việt Nam, công nghiệp 4.0 chưa xuất hiện, nhưng cơn bão của nó đã áp sát đến nghẹt thở ở nhiều ngành sản xuất, đặc biệt với những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày.

Tại Hội nghị, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, xuất khẩu dệt may năm 2016 tăng trên 5%, không đạt kế hoạch đề ra. Song, đáng lo ngại hơn khi modul sản xuất tự động và công nghệ in 3D có thể “tước đoạt” lợi thế nhân công rẻ của Việt Nam; và những thị trường nhập khẩu dệt may hay da giày của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có thể đặt nhà máy ở nước họ mà không sợ phải chi phí quá nhiều cho nhân công.

Cụ thể, hãng Adidas, sau 20 năm không sản xuất tại Đức vì giá nhân công đắt đỏ, thì hiện đang xây dựng một nhà máy ở miền Nam nước Đức, thành phần lao động chủ yếu là robot. Đối thủ của họ là Nike cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất giày gần như hoàn toàn tự động tại thành phố Atlanta, Mỹ.

Chính phủ đã kịp thời nhận ra những thách thức của công nghiệp 4.0. Tại các diễn đàn, cuộc họp, hội nghị, làm việc tại địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần 20 lần nhắc tới công nghiệp 4.0. Trong 3 lần đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương (nhân các dịp: kỷ niệm 65 năm thành lập ngành, ngày 15/5; Sơ kết ngành 6 tháng, ngày 12 tháng 7 năm 2016 và tại Hội nghị nói trên ngày 6/1/2017) Thủ tướng đều chỉ đạo phải tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, trong bối cảnh công nghiệp 4.0 nở rộ từ các nước phát triển.

Cũng tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cảnh báo trong năm tới và những năm tiếp theo, làn sóng tự động hóa, robot hóa có thể thay đổi cả kết cấu kinh tế thế giới.

Nhìn lại năm 2016, ngành Công Thương đã có những bước dịch chuyển quan trọng. Đó là công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn năm trước; chương trình cơ giới hóa khai thác hầm lò của ngành than; hoàn thiện chuỗi cung ứng và logistics của ngành dệt may; làm chủ công nghệ giàn khoan tự nâng, cắt giảm 3,2 USD chi phí khai thác 1 thùng dầu của PVN; nội địa hóa đến 70%-80% nhu cầu thiết bị cho sản xuất thiết bị đồng bộ của ngành cơ khí v.v… Đây là những bước tiến khiêm tốn, nhưng khá quan trọng, vì nó xác định đường đi nước bước cho những năm tới.

Tư duy thị trường

Tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp đều xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Để bắt nhịp với công nghiệp 4.0, cũng phải bắt đầu với thị trường. Công nghiệp 4.0 có liên quan đến, nhưng không chỉ là máy móc, công nghệ hay không gian viễn thông. Nó còn là cải cách thể chế, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thị trường điều tiết, huy động những nguồn lực xã hội tốt nhất cho đầu tư đáp ứng nhu cầu khách hàng thông qua sáng tạo hoặc ứng dụng công nghệ mới.

Trên thực tế, chúng ta có những chính sách ưu đãi cho sản xuất, nhưng chưa thực sự thông qua con đường thị trường, nên chưa huy động được nguồn lực hùng hậu của xã hội. Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị nhận định, trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô trước đây đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến 9 chỗ đạt 40% vào 2005, 60% vào 2010, nhưng hiện mới đạt 7%-10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã chỉ ra, một số chiến lược, quy hoạch như cơ khí, ô tô, thép… chưa phát huy được hiệu quả là do chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia.

Trong bài phát biểu tham luận, Viện trưởng Nguyễn Chỉ Sáng chia sẻ rằng, khi còn là thứ trưởng, trong buổi làm việc với Viện Cơ khí, ông Trần Tuấn Anh đã yêu cầu dừng ngay những nghiên cứu chung chung chỉ để trang hoàng trong tủ, phải gắn nghiên cứu với thị trường, có tính khả thi trong sản xuất. Nhờ sự nghiêm khắc đó, Viện đã chủ động kết hợp doanh nghiệp, tạo thành chuỗi khép kín, làm chủ công nghệ sản xuất các thiết bị thủy công, nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng…

Bài toán thị trường đặt ra càng gay gắt hơn khi một số ngành sản xuất nước ta dựa vào tài nguyên như dầu khí, than đá, nhiệt điện đang mất dần tính cạnh tranh do sức ép của công nghiệp 4.0. Một ví dụ rõ ràng nhất là việc Mỹ sử dụng công nghệ số để khai thác dầu đá phiến đã “ép” được giá dầu trên toàn thế giới. Công nghệ số cũng trao cơ hội sản xuất địa nhiệt cho những nước phát triển, làm giảm nhu cầu sử dụng than.

Trong 3 lần làm việc với Bộ Công Thương, Thủ tướng nhiều lần gợi ý ngành sử dụng thị trường như một công cụ khơi dậy mọi nguồn lực xã hội cho phát triển. Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc tiếp tục cải cách thể chế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Tư duy thị trường nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng căn dặn: “Phải bắt đầu bằng tạo ra môi trường để doanh nghiệp, người dân làm ăn sòng phẳng. Muốn có được điều này trước hết phải chú trọng thể chế, con người theo hướng kiến tạo, thị trường. Cái gì cản trở thì Chính phủ sẽ lắng nghe, tháo gỡ cho sản xuất, thương mại, tiêu dùng hàng hóa. Trên tinh thần sản xuất và tiêu thụ theo sát thị trường”.

2 chân, 2 bước đi

Chúng ta sẽ đi thẳng vào công nghiệp 4.0? Chắc chắn như vậy! Nhưng không phải là tất cả, mà sẽ đi bằng cả 2 chân và 2 bước đi.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã nêu tầm nhìn trong thời gian tới của ngành Công Thương: Phát triển nền công nghiệp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Song Thủ tướng cũng phân chia thành 2 bước đi: Về lâu dài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng quan trọng của công nghiệp Việt Nam, nhưng trước mắt, chúng ta vẫn dựa vào cả 2 chân là công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao và tài nguyên, lao động.

Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu ngành Công Thương mạnh mẽ hơn để có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, thay mặt ngành, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết, trước mắt trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp.

Trước sức ép của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng cho biết một mặt tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, đồng thời, tập trung vào tái cơ cấu trong phát triển ở các lĩnh vực dầu khí, điện, than, phân bón hóa chất; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng gắn kết và tham gia chặt chẽ hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và thế giới. Song mặt khác, bằng công cụ quản lý sẽ hướng đến ưu tiên nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, nhằm chuyển đổi căn bản nền sản xuất.

Với phương châm đi bằng 2 chân và 2 bước đi, ngành Công Thương và nền kinh tế nước ta sẽ dần dần nhịp bước vào làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận định: “Tri thức không phải từ một phía mà có tính đa chiều. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là tận dụng được tính đa chiều của thông tin và tri thức, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ mà ngay ở trong nó cũng là một sản phẩm của thông tin và tri thức...

...Cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới. Do vậy, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. Nếu Việt Nam từng làm cả thế giới ngưỡng mộ vì khả năng tổng động viên sức mạnh, ý chí toàn dân tộc khi đất nước lâm nguy thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể động viên người dân khởi nghiệp sáng tạo, làm kinh tế, xây dựng đất nước, chinh phục thị trường thế giới và xác lập chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu hóa...”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của một số doanh nghiệp về những nội dung từ thông điệp quan trọng nêu trên của Thủ tướng.

Ông Lê Thống Nhất - Người sáng lập và điều hành dự án khởi nghiệp Bigschool: Hãy khởi nghiệp khi sẵn sàng

Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp với nhiều thành tựu ấn tượng của cộng đồng startup Việt Nam. Có thể nói trước đây strat up như lửa ủ trong than. Năm 2016, sau thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, start up bắt đầu bùng lên như một ngọn lửa và ngọn lửa này sẽ được bùng lên mạnh mẽ trong năm 2017.

Nửa cuối năm 2016, chính phủ, truyền thông, báo chí quan tâm nhiều hơn đến khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, biến những ý tưởng mới, những sáng chế mới thành hàng hóa, từ đó tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội. Tuy nhiên, khởi nghiệp thành công là việc rất khó. Bạn phải đủ dũng cảm để đối đầu với thất bại thì hãy khởi nghiệp. Vì thành công trong khởi nghiệp là rất thấp.

Cứ 100 người khởi nghiệp thì tới 99 người “hy sinh” ngay từ khi mới khởi nghiệp. Số còn lại cũng “rụng” sau 3-5 năm. Ai tồn tại sau 5 năm mới được gọi là khởi nghiệp thành công. Theo thống kê, hằng năm có hàng trăm, nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, thế nhưng số lượng doanh nghiệp phải lặng lẽ “ra đi” cũng tính đến con số hàng trăm, hàng nghìn.

Vì vậy, trước khi bạn quyết định khởi nghiệp, bạn có quyền hi vọng thành công và phải sẵn sàng đối diện với thất bại. Tôi khởi nghiệp khi tôi sẵn sàng thất bại.Không ai sống trên kinh nghiệm, thất bại và thành công của người khác. Quan trọng nhất là tự mình dấn thân và tự mình trải nghiệm.

Một yếu tố then chốt nữa quyết định khởi nghiệp thành công đó chính là ý tưởng sáng tạo. Ý tưởng sáng tạo là điều kiện đủ. Điều kiện cần đó là bạn phải biết thiếu cái gì. Yếu tố sáng tạo là phải tạo nên sự chú ý cho nhà đầu tư và quan trọng hơn là tạo nên sự tham gia của các đối tượng người dùng.

Tôi khởi nghiệp khi đã 61 tuổi với ý tưởng, mong muốn mang lại một phương thức giáo dục mở cho cộng đồng giáo viên, học sinh trong và ngoài nước, hứa hẹn nâng cao chất lượng học tập theo các tiêu chí: kết nối, tối ưu và thỏa mãn cộng đồng một cách tiện lợi nhất trên môi trường Internet, đó chính là BigSchool - dự án giáo dục trực tuyến hướng tới 2 thành phần cốt yếu của một Trường học là: Giáo viên và Học sinh.

Khi bạn đã có “cái đầu” ý tưởng thì bạn cần những người cộng sự giỏi để lấp đầy những chỗ hổng. Giống như tôi, tôi khởi nghiệp, xây dựng và phát triển Bigschool ở lĩnh vực công nghệ, nhưng lại không biết tý gì về công nghệ. Tôi phải đi tìm cho mình những người giỏi, tâm huyết với công nghệ, đảm bảo cho sản phẩm của tôi. Như vậy, đồng đội cũng trở thành một yếu tố quan trọng để cùng mình giải quyết nhiều vấn đề.

Như vậy, khởi nghiệp là sự sáng tạo, không chỉ là sáng tạo ra sản phẩm mà trong từng bước đi cũng phải không ngừng sáng tạo, những lúc bế tắc lại đòi hỏi sự sáng tạo càng cao. Trừ các “vĩ nhân” có thể “đơn phương độc mã” trên đường khởi nghiệp, còn chúng ta muốn khởi nghiệp thành công thì cần phải có đồng đội “biết sát vai, biết chia sẻ”. Ông cha mình có câu rất hay: “Thầy già, con hát trẻ”. Khi mình cộng sự mới mẻ, sức bật của người trẻ với sự trải nghiệm của người già sẽ đạt được thành công.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel): Mô hình chỉ là công cụ, điều quan trọng là tầm nhìn

Có thể lấy ví dụ từ câu chuyện Viettel đầu tư rất mạnh vào khu vực nông thôn. Khi ấy, Viettel cũng mới bắt đầu đầu tư vào dịch vụ di động. Tiền mặt mà chúng tôi có chỉ đủ để xây trạm ở 3 thành phố. Các doanh nghiệp đã kinh doanh trước đó cũng đi theo con đường đầu tư ở các thành phố lớn trước rồi mới mở rộng dần ra. Còn chúng tôi thì quyết tâm đầu tư rộng, lấy nông thôn bao vây thành thị. Mô hình ban đầu thu phí thấp để lấy được khách hàng và độ phủ thị trường. Nếu nhìn mô hình thì đơn giản như vậy thôi; nhưng nếu chúng tôi không có một tầm nhìn, không có tính toán thì đó là câu chuyện “chết người”.

Tại sao chúng tôi lại dám đầu tư mạnh như vậy? Bởi vì Viettel có phát hiện thế này, ở Việt Nam khoảng cách giàu nghèo vào loại thấp trên thế giới. Người nông dân vẫn có khả năng chi trả. Hai là đầu tư cho 1 trạm mất 1 tỷ đồng nếu có 1 người dùng thì chi phí rất cao. Nhưng nếu có 1.000 người dùng trên cái trạm ấy thì giá trị đầu tư cũng chỉ là 1,1 tỷ, chi phí giảm 1.000 lần.

Vì tính toán và tầm nhìn ấy nên Viettel mới quyết định đầu tư lớn như vậy. Đấy là một quyết định có thể nói là khủng khiếp, với một doanh nghiệp vốn liếng 15 triệu đô dám đầu tư 1 tỷ đô vào vùng nông thôn.

Quan trọng là đằng sau sự dấn thân đó là một phát hiện. Phát hiện ấy là công nghệ càng cao giá càng rẻ với điều kiện có nhiều người dùng.

Tầm nhìn đầu tiên là xuất phát từ nỗi đau. Thứ hai, mình xem mọi người làm như thế nào để tìm cách làm khác đi. Thế giới sáng tạo hôm nay, làm theo một cách, thường chỉ có một người thành công. Người thứ hai giống y như vậy sẽ ít khả năng thành công.

Có một lần tôi ngồi cùng trò chuyện với nhóm Think Tank. Mọi người bàn đến mô hình phát triển của Việt Nam. Bàn về mô hình phát triển của Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc... xem nên lựa chọn áp dụng mô hình nào cho Việt Nam.

Tôi thì cũng chưa nghiên cứu nhiều về nội dung này nhưng tôi có hỏi “liệu có mô hình nào mà có hai nước thành công không?”. Những người nghiên cứu kỹ rồi thì trả lời rằng, không có. Như vậy là chúng ta phải tìm ra hướng đi cho mình, còn những cách kia chỉ là gợi ý để cho chúng ta có những cách mới thôi.

Giống như khi đầu tư vào CNTT, Viettel cũng suy nghĩ xem có cách gì thắng được FPT hay không? Vì FPT đã làm CNTT trước Viettel 20 năm, lại thu hút được nhiều người giỏi. Chúng tôi nghĩ rằng, điểm yếu của FPT là không có sự kết hợp với viễn thông. Và đó chính là điểm khác biệt của Viettel khi làm CNTT vì chúng tôi là nhà viễn thông mà.

FPT làm theo kiểu dự án CNTT trao tay thì rất tốt, còn Viettel làm hẳn ngược lại, đầu tư hạ tầng rồi cho thuê lại. Viettel viết phần mềm phần cứng, đầu tư làm thành dịch vụ rồi cho thuê trả tiền hàng tháng. FPT rất tập trung vào gia công cho nước ngoài. Nhưng Viettel chọn hướng làm sản phẩm phục vụ thị trường của mình.

Ông Tạ Minh Tuấn - Chủ tịch YUP Education, Forbes 30 under 30 châu Á: Hãy nghĩ lớn, nghĩ khác, nghĩ hiện tại

1. Nghĩ lớn: Khi bạn làm những điều lớn lao, sẽ dễ dàng hơn là làm những điều nhỏ bé

Tôi biết nghe có vẻ kỳ cục, nhưng hãy để tôi giải thích, nó không có gì là mâu thuẫn với câu nói “người có thể dời non là người chịu nhặt những hòn sỏi nhỏ”.

Tôi sẽ giải thích điều đó ngay bây giờ:

Khi bạn làm những điều lớn lao, sẽ có nhiều người muốn giúp bạn, vì thế những người tài giỏi sẽ ở xung quanh bạn, phụ bạn một tay, và công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn, so với tự mình làm hàng loạt điều nhỏ bé.

Nếu bạn biết rằng, những nhà đầu tư ở thung lũng Silicon chỉ đầu tư cho những công ty muốn thay đổi thế giới, bạn có thay đổi quan điểm của mình?

Hãy sẵn sàng đánh đổi cả tương lai cho mơ ước của mình, bạn phải luôn kiên định với mục tiêu, mặc kệ những người thích nói mình thực tế mà cười nhạo bạn.

Kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng, người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc.

2. Nghĩ khác: Nếu có ai đó không nghĩ lớn như bạn thì sao?

Một nhà vô địch maraton về đích trong khoảng thời gian 1 giờ 50 phút, sau cuộc đua một người phụ nữ đến gặp anh ta và nói: “Anh thật tuyệt, anh chạy quãng đường mà tôi phải mất đến hơn 5 giờ để hoàn tất chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ”.

Nhà vô địch suy nghĩ một thoáng về lời nói tử tế của người phụ nữ rồi đáp lại: “Bà cũng thật tuyệt, tôi không nghĩ là mình có thể chạy liên tục trong suốt 5 tiếng”.

Bạn thấy đấy, cuộc đời đầy những quan điểm trái ngược và những cách nghĩ khác nhau. Vậy tại sao phải quan trọng hóa chuyện một người nào đó không nghĩ giống bạn? Tại sao phải làm cho chuyện này trở nên phức tạp?

Bạn không có đủ thời gian để làm cho người khác có cùng cách nghĩ như mình.

Nhưng bạn có đủ thời gian để chia sẻ những gì mình học được với mọi người.

“Knowledge shared is knowledge multipled.”

Chỉ khi bạn chia sẻ kiến thức của mình, kiến thức của bạn mới thực sự có giá trị. Tin tôi đi, chỉ khi nào bạn thực sự hành động [chia sẻ], bạn mới hiểu được câu nói trên.

3. Nghĩ hiện tại: Bạn tìm thấy sự thỏa mãn trên chặng đường thực hiện ước mơ, chứ không phải khi đã đạt được nó

Tôi biết, lại thêm một điều kỳ cục nữa mà tôi đã nói ra.

Nhưng cuộc đời là một cuộc hành trình (a journey), chứ không phải là một đích đến (a destination)

Khi bạn đi trên con đường, nghĩa là bạn còn thưởng thức hoa thơm cỏ lạ trên con đường đó nữa, vì vậy hãy chú ý đến tốc độ của bạn.

Những trở ngại làm nên con đường của bạn. Nếu con đường bạn đi chẳng có một trở ngại nào, điều đó chỉ có nghĩa là nó chẳng đưa bạn đến đâu cả.

Khi đã chạm đích, gần như ngay lập tức bạn phải tìm kiếm ngay một chuyến đi tiếp theo. Nếu bạn không còn nhìn thấy bất kỳ con đường nào nữa thì nơi bạn nên “đến” chính là nghĩa trang của thành phố.

Tôi sẽ tiếp tục nói ra những điều kỳ cục: tôi tin rằng nếu Steve Jobs không bị sa thải khỏi Apple thì Apple sẽ không còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tại sao?

Việc bị sa thải đã mang đến cho Steve Jobs một khởi đầu mới. Và sự trở lại của Steve Jobs là sự trở lại của một con người mới về thái độ, tầm nhìn và vốn sống, để dẫn dắt Apple vươn lên đỉnh cao của thế giới.

Bạn thấy đấy, kẻ thù lớn nhất của đời người là gì? Là tự mãn.

Khi bạn đã không thể thắng được chính bản thân mình, thì bạn không thể thay đổi thế giới.

Khi bạn đã chiến thắng được đối thủ mạnh nhất - là chính bạn, bạn còn sợ gì chuyện thắng ai và thua ai?

Nếu một người muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho thế giới này, chúng ta hãy chẳng ngần ngại gì mà không hết mình giúp anh ta, thành công của anh ta không phải là thất bại đối với bạn. Quan điểm của tôi về sự thành công đó là: Chính thành công của những người đã từng cộng tác với tôi mới là thước đo cho sự thành công của tôi.

4. Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện

Trong rạp phim, một người bạn của tôi đã nói với tôi về ước mơ của anh ta, nó rất lớn lao (bây giờ thì tôi thấy nó rất khả thi), và thật tuyệt là nó thật sự làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Khi nghe về giấc mơ của anh bạn tôi, những người xem phim xung quanh cười giễu (tôi đã để ý rằng tình huống lúc đó của bộ phim không có gì gây cười), như có ý châm chọc “anh hãy thực tế một chút đi”.

Sự thực là, sau khi họ ngưng cười, tôi cũng cười.

Nhưng tôi cười những kẻ đã cười nhạo giấc mơ của người khác, họ thật không hiểu gì cả vì họ tin vào một điều chẳng đúng tí nào, rằng giới hạn của họ là thước đo đúng đắn cho mọi giới hạn.