Ông địa chất Than và 5 con số...

Nghe kể ông Nguyễn Trọng Khiêm là người cởi mở, hoạt ngôn, sâu sắc với vốn sống phong phú, tôi mường tượng sẽ có một cuộc trò chuyện thú vị với người đặt dấu ấn đậm nét, được ví như "cây đa, cây đề" t
"Trọn đời gắn bó với địa chất Than" - ông Khiêm đã khẳng định chắc nịch với tôi vậy và ông kể: sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Địa chất thăm dò, năm 1971 ông về công tác tại ngành Than. Suốt từ đó đến khi nghỉ chế độ năm 2008, ông là Trưởng ban đảm trách toàn bộ công tác địa chất của Ngành nên ông cũng là một trong những Trưởng ban lâu năm nhất của TKV.

Dù đã về nghỉ chế độ nhưng với kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông vẫn được nhiều nơi mời làm cố vấn với mức lương hấp dẫn. Ông bảo tiền thì ai cũng cần, ai cũng quý nhưng với ông ngành Than luôn là số 1. Đó là nơi ông gắn bó, cống hiến với tất cả nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ; là nơi giúp ông có được cuộc sống như hôm nay; rồi đến các con ông cũng "theo chân" vào làm việc trong mái nhà Than - Khoáng sản... nên không có lý do gì để ông nhận lời. Vẫn nặng lòng với thợ mỏ nên ông tham gia và hiện đang là Chủ tịch Hội Địa chất Than - Khoáng sản Việt Nam. Ông thấy vui vì lại có điều kiện góp thêm những điều dẫu nhỏ bé nhưng có ích cho Ngành.

Rồi giọng ông trầm xuống khi ông bộc bạch về những vất vả của người làm địa chất. Đặc thù của thợ địa chất xưa nay vốn âm thầm, lặng lẽ. Họ không khác gì những người lính trinh sát, đi sâu chinh phục lòng đất, khám phá tiềm năng khoáng sản, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp sản xuất than. Chưa ai nói công việc địa chất là nhàn hạ, sung sướng bởi vạn sự khởi đầu nan, "đi đầu" ở những vùng đất mới đồng nghĩa phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Chưa kể anh em phải chịu nhiều thiệt thòi khi điều kiện ăn ở không ổn định, phải di chuyển liên tục nên cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, rất vất vả... Mặc dù vậy nhưng đa số anh em địa chất đều yêu nghề, dường như mỗi người đều có cách riêng để tạo niềm tin, sự lạc quan cho mình. Không những thế, nghề địa chất cũng "rèn" cho ta sự cẩn thận, tính toán căn cơ, thích ứng nhanh với hoàn cảnh...

Rồi ông say mê kể về những thành quả của cán bộ địa chất, thợ khoan thăm dò ngành Than - Khoáng sản. Trước đây, ngành Than mỗi năm chỉ sản xuất được 5 - 6 triệu tấn than, sau đó tăng lên 10 triệu tấn/năm và đến hơn 40 triệu tấn/năm như hiện tại. Đó là sự đột phá và tăng trưởng vượt bậc của ngành, trong đó có sự đóng góp đáng kể của công tác địa chất.

Từ ý tưởng của các nhà địa chất được lãnh đạo Tổng Công ty Than VN đồng ý, những năm 1996 - 1997, vốn thăm dò tập trung của ngành Than đã được hình thành nhằm chủ động trong thăm dò đánh giá trữ lượng tài nguyên và các điều kiện kỹ thuật khác phục vụ khai thác mỏ. Đến nay, Quỹ thăm dò tập trung đã được duy trì đều đặn khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm - đã và đang phát huy hiệu quả trong việc nâng công suất cũng như phát triển mỏ mới. Cũng từ nguồn Quỹ thăm dò tập trung một số lỗ khoan thăm dò vùng Quảng Ninh được bố trí đến đáy tầng than, có ý nghĩa lớn trong việc xác minh tiềm năng than dưới sâu. Không chỉ vậy, TKV hiện nay còn có cả hệ thống cơ sở dữ liệu địa chất đang vận hành như một trung tâm về dữ liệu địa chất TKV. Qua đây có thể tra cứu, truy vấn, trích xuất mọi thông tin mới nhất, tin cậy nhất liên quan đến địa chất như trữ lượng, bản đồ, bản vẽ, lỗ khoan... của các mỏ tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng, nhất là trong bối cảnh cấp thiết phải đẩy nhanh công tác phát triển tài nguyên, mở mỏ mới. Cũng từ kết quả thăm dò, tổng hợp báo cáo địa chất nhiều mỏ được nâng công suất, nhiều "ruộng mỏ" mới đã hình thành, góp phần quan trọng để TKV phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.

Nhưng ông Khiêm cũng nhấn mạnh rằng, có được những kết quả đó không phải là công lao của bất cứ cá nhân nào mà nhờ sự đồng thuận, sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng của Lãnh đạo Tập đoàn cho công tác địa chất, trắc địa. Minh chứng rõ nét là khối lượng khoan thăm dò của TKV không ngừng tăng qua từng năm; nhiều báo cáo địa chất được thông qua phục vụ kịp thời cho thiết kế, sản xuất; hàng loạt các công trình nghiên cứu chất lượng than, khí mỏ, thủy văn - công trình đề xuất đều được Tập đoàn đồng ý và cho triển khai ngay…

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, ông còn đọc tặng tôi bài thơ và hóm hỉnh đùa rằng: "Cuộc đời chú chỉ phấn đấu 5 con số: 1 - 1 vợ, 2 - 2 con, 3 - nhà 3 tầng, 4 - xe bốn bánh, 5 - được đi 5 châu bốn biển. Giờ ngẫm lại thấy toại nguyện. Thế là cuộc đời mình may mắn lắm rồi..." Ông bảo, ông mong muốn được đi "năm châu bốn biển" cũng là để xem hòn than. Càng đi càng thấy Than Việt Nam quá đẹp! Ông trân trọng hòn than bởi chính nó đã giúp không chỉ ông mà hàng vạn thợ mỏ có được, thậm chí hơn "5 con số" ấy cho cuộc sống của mình.

Quả thực, tiếp chuyện ông, tôi mới hiểu vì sao mọi người bảo ông Khiêm hay lắm, ngồi với ông thì không bao giờ hết chuyện, ông như một "pho từ điển sống". Và tôi cũng hiểu rằng, nếu ông không xuất hiện trong nhóm "Sự kiện - Ký ức - Nhân vật" trên Tạp chí đặc biệt chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn TKV thì quả là một thiếu sót lớn. Còn với riêng tôi, buổi sáng hôm ấy thật đặc biệt, tôi thầm cảm ơn ông vì đã cho tôi "một ngày đàng..." ý nghĩa.