QLTT Thanh Hóa: “Siết chặt” thị trường thuốc tân dược

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra phát hiện, xử lý hàng loạt vụ thuốc tân dược lớn nhất từ trước đến nay. Công tác quản lý thị trường đang được “siết chặt” hơn, lực lượng

Những vụ vi phạm kinh hoàng

Người dân Thanh Hóa vẫn còn nhớ như in, vào ngày 17/4/2014 Đội QLTT số 1, bí mật phối hợp với Công an TP.Thanh Hóa ra Quyết định khám nơi cất dấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại số 06 Cửa Hậu – P. Điện Biên – TP. Thanh Hóa. Lực lượng đã phát hiện và tạm giữ 1.196,4 kg thuốc gồm 131 loại thuốc, trong đó, có 02 loại thuốc thuộc danh mục thuốc ma túy, các chất hướng thần, còn lại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc không có visa, không có đăng ký, không có hóa đơn chứng từ.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng đã xác định nhanh chóng chủ lô hàng là của đối tượng Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1975) trú tại khu tập thể Nam Đồng – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội. Hương phải cúi đầu thừa nhận toàn bộ lô hàng trên là của mình, được nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc và đưa về TP.Thanh Hóa để chuẩn bị cho việc mở phòng khám tư nhân tại đây.

Vụ việc trên đã chuyển cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can là Nguyễn Thị Thu Hương. Cảnh báo và thức tỉnh những hành vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Không lâu sau, Đội QLTT số 16, sau quá trình điều tra, trinh sát lại phát hiện và bắt giữ 190,5 kg thuốc bao gồm: 160 chủng loại thuốc tân dược và 25 chủng loại thực phẩm chức năng đã hết hạn sử dụng tại tại Quầy thuốc tân dược Thảo Hà, do bà Cao Thị Thảo (thị trấn Yên Cát – huyện Như Xuân – Thanh Hóa) làm chủ.

Hành vi của bà Thảo đã bị Chi cục QLTT Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 76,5 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, thời hạn 6 tháng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên, trị giá 151,56 triệu đồng.

“Có thể nói, hành vi vi phạm của các đối tượng trên là rất liều lĩnh, táo tợn. Vì lợi nhuận kinh tế mà coi thường đến tính mạng con người, quy định của pháp luật. Nhà nước cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát và chế tài nặng hơn nữa đối với những hành vi này!”, một người dân bức xức nói. 

Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập

Ông Hoàng Văn Trường – Phó Chi cục QLTT Thanh Hóa cho biết: Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.303 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, trong đó có 87 cơ sở bán buôn, 178 nhà thuốc, 892 quầy thuốc, 1.146 đại lý bán lẻ thuốc tân dược… Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thuốc tân dược đã và đang có những chuyển biến tích cực: Các cơ sở kinh doanh thuốc từng bước hoàn thiện các điều kiện trong kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật về nhân sự, cơ sở vật chất (nhà thuốc GPP), trang thiết bị, đặc biệt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết thực hiện tương đối tốt, góp phần đáp ứng nhu cầu, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. 

Lực lượng chức năng bắt giữ gần 1,2 tạ thuốc tân dược xuất xứ từ Trung Quốc

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện trong kinh doanh: không đảm bảo diện tích kinh doanh, các trang thiết bị bảo quản thuốc không đủ tiêu chuẩn, không mở sổ sách theo dõi, bán thuốc không có hóa đơn, không thực hiện niêm yết giá thuốc, cá biệt còn có cơ sở người kinh doanh thuốc không có Chứng chỉ hành nghề dược, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Cơ chế chính sách về quản lý chất lượng, giá thuốc còn nhiều bất cập nên chưa kiểm soát chặt chẽ được thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn dùng, thuốc thuộc danh mục thuốc cấm nhập khẩu, thuốc chưa được phép lưu hành…

Thời gian qua, Chi cục QLTT Thanh Hóa – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Đội QLTT trên cơ sở phúc tra, rà soát để điều chỉnh số liệu sổ bộ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại và công nghiệp nói chung, nắm bắt số lượng các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn Đội quản lý nói riêng. Thông qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng kinh doanh thuốc tân dược, từ đó phát hiện các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc tân dược để xây dựng phương án kiểm tra.

Riêng Đội QLTT số 16 (đội chuyên trách chống hàng giả) tăng cường trinh sát, phát hiện, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc không đảm bảo để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tất cả các đội thực hiện nghiêm chế độ báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý hàng ngày về Chi cục trưởng để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, toàn Chi cục đã kiểm tra được 201 vụ, tổng số vụ xử lý 188 vụ, chuyển khởi tố hình sự 01 vụ: Trong đó, vi phạm thuốc quá hạn sử dụng 24 vụ; vi phạm lĩnh vực giá 07 vụ; vi phạm về các điều kiện quy định trong kinh doanh 157 vụ. Tổng số tiền thu phạt lên tới 1.236,8 triệu đồng.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn còn nhiều thử thách gây không ít khó khăn cho lực lượng QLTT. Đơn cử, việc Quy hoạch mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc như hiện nay chưa chặt chẽ nên khó khăn trong công tác quản lý cũng như kiểm tra, giám sát. Mặt khác, thuốc tân dược là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi cán bộ, kiểm soát viên phải có trình độ chuyên môn về dược. Mặt hàng này lại đa dạng về chủng loại, xuất xứ, trong khi đó lực lượng QLTT có trình độ chuyên môn, chuyên sâu về dược rất hạn chế nên kết quả kiểm tra chưa vững về chiều sâu. Hơn nữa, trong kiểm tra nhanh về chất lượng hàng hóa đã có các trang thiết bị phục vụ cho các mặt hàng như: thực phẩm, xăng dầu… nhưng đối với mặt hàng thuốc tân dược lại chưa có trang thiết bị kiểm tra nhanh về chất lượng thuốc. 

Tất cả yếu tố trên đã phần nào nói lên những nguy cơ tiềm ẩn về thị trường thuốc tân dược ở Thanh Hóa nói chung, cả nước nói riêng. Mặc dù, trong lĩnh vực này đang được các cấp Chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân Thanh Hóa quan tâm, sâu sát.
Văn Trường