Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều điểm mới trong chương trình bình ổn thị trường 2014

Năm 2014, Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) tiếp tục được Tp. Hồ Chí Minh triển khai với nhiều điểm mới, cùng sự gia tăng đáng kể số lượng doanh nghiệp tham gia, song song đó là nhiều thay đổi tr

Theo Sở Công Thương Thành phố, năm 2014 tham gia bình ổn 4 nhóm ngành hàng có 76 doanh nghiệp, tăng mạnh so với 59 doanh nghiệp của năm 2013, đặc biệt là sau thời gian triển khai, không chỉ có siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong nước, mà còn một số hệ thống siêu thị của nước ngoài như: BigC, Metro, Lotte mart,… cũng đã đăng ký tham gia chương trình.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, chương trình BOTT năm nay, không phải doanh nghiệp nào tham gia cũng được, mà chúng tôi có những tiêu chí rất nghiêm ngặt, cụ thể như doanh nghiệp phải có nhà xưởng, có liên kết sản xuất, kinh doanh, có nguồn hàng chi phối thị trường và đặc biệt phải có chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu trên thương trường.

Bên cạnh số lượng doanh nghiệp tăng, lượng hàng bình ổn đưa ra trong năm nay cũng tăng mạnh so với năm trước. Cụ thể là lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường hàng tháng chiếm từ 25 - 40% nhu cầu của thị trường, tăng từ 15 - 35% so với các tháng thường của năm 2013. Cá biệt với nhóm hàng sữa và dược phẩm, lượng hàng hóa bình ổn cung ứng ra thị trường năm nay chiếm đến 50% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Mặt hàng trứng gia cầm dần từng bước hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn

Bà Phạm Thị Huân, chủ Doanh nghiệp Ba Huân chia sẻ, có hơn 10 năm tham gia chương trình BOTT, doanh nghiệp đã lớn lên cùng chương trình. Từ một doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ thu gom và phân phối trứng gia cầm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, ngành Thành phố, đến nay doanh nghiệp đã lên kế hoạch đầu tư trang trại nuôi gà giống, để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Chương trình bình ổn này mang lại hiệu quả cho người tiêu dùng, người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Một điểm nổi bật khác, năm nay, cũng là năm thứ 2, chương trình tiếp tục thực hiện xã hội hóa, nguồn vốn cho BOTT không được hỗ trợ từ ngân sách thành phố, mà do doanh nghiệp chủ động hoàn toàn thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng.

Cũng theo bà Lê Ngọc Đào, thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, doanh nghiệp hoàn toàn có lợi hơn và tự chủ hơn trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Thông qua các ngân hàng chúng tôi mời gọi tham gia, các doanh nghiệp đã được vay vốn với lãi suất thấp, nguồn vốn nhiều hơn. Cụ thể như các năm trước, cả Thành phố dành khoảng 400 tỷ đồng cho cả mấy chục doanh nghiệp vay, nhưng từ 2 năm nay, có những doanh nghiệp vay được hàng trăm tỷ với lãi suất thấp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, bước sang năm thứ 2 đã có 8 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng (tăng thêm 3 ngân hàng). Đáng chú ý, là tổng quy mô vốn đăng ký tham gia chương trình này tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Hiện lãi suất cho vay bằng VND tối đa đối với 5 lĩnh vực (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp vừa và nhỏ) ưu tiên trung bình ở mức 8,5%/năm.

Đánh giá về hiệu quả chương trình, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, ngân hàng đã đáp ứng về vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chương trình đã tạo cho các đối tượng được vay nhiều hơn năm trước, nhờ ngân hàng đã đi đến tận các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu nông nghiệp công nghệ cao để đẩy nhanh tiến độ cho vay theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu huy động 20 ngàn tỷ đồng cho chương trình thì đến thời điểm này đã hoàn thành. Nhưng đối với các tháng còn lại năm 2014, lãnh đạo thành phố đã tiếp tục giao cho ngành ngân hàng phối hợp với Sở Công Thương cùng với các quận huyện, các sở ngành huy động thêm 10 ngàn tỷ đồng cho chương trình.

Điểm tích cực của chương trình này là tất cả các khoản vay đều thực hiện đúng theo tiến độ, giải ngân đúng theo cam kết và không có nợ quá hạn, đây chính là cơ sở tích cực để chúng tôi sẽ ngày càng phát triển thêm ở chương trình này trong những năm tới - ông Minh nhấn mạnh thêm.

Cũng cần lưu ý, các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, có đầy đủ các tiêu chí như đã quy định, dù trong chương trình hay ngoài chương trình này, các doanh nghiệp hãy mạnh dạn đến các tổ chức tín dụng của các ngân hàng thương mại hoặc đến trực tiếp Ngân hàng Nhà nước sẽ được hỗ trợ thủ tục cho vay đúng theo mục đích, đúng theo lãi suất đã cam kết.

Một điểm đặc biệt về chương trình BOTT năm 2014, lần đầu tiên Thành phố đưa vào sử dụng logo bình ổn. Theo đó, tất cả hàng hóa của doanh nghiệp tham gia bình ổn, trước khi đưa ra thị trường phải có logo này trên bao bì sản phẩm, để người tiêu dùng nhận dạng, từ đó tăng ủng hộ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các điểm bán hàng bình ổn, xe bán hàng lưu động, website của doanh nghiệp tham gia bình ổn cũng được sử dụng logo này để quảng bá theo các doanh nghiệp.

Logo bình ổn thị trường sẽ được gắn liền với mỗi sản phẩm tham gia

Qua 4 tháng triển khai chương trình bình ổn của năm 2014, các doanh nghiệp nhận định, không gặp khó khăn gì trong chuẩn bị nguồn hàng và điều chỉnh giá cả, mặc dù sức mua chưa đạt như kỳ vọng, khi tổng cầu của thị trường còn yếu, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang chủ động được tình hình.

Theo các doanh nghiệp, để chương trình có sức lan tỏa lớn hơn, các cơ quan chức năng cần làm việc với các ngân hàng, để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khi vay vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời cần phải tăng cường chiến dịch truyền thông cho người tiêu dùng như về logo bình ổn, sản phẩm, điểm bán hàng bình ổn, các chương trình khuyến mãi. Đặc biệt, cần có chiến dịch hỗ trợ quảng cáo để cho hàng Việt Nam tăng độ phủ đến người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng.