Thị trường nhựa và bao bì: Tiềm năng lớn nhưng thách thức nhiều

Trong thời gian tới, ngoài việc tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa, việc tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng là yêu cầ

Tiêu thụ nhựa tăng nhanh qua mỗi năm

Theo ước tính của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam có xu hướng tăng cao qua các năm. Nếu như năm 2008, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người đạt 22 kg/người/năm; năm 2010 là 30 kg/người/năm thì hiện nay con số này đạt trên 35kg/người/năm. Nhưng mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn so mức bình quân 37kg/người trong năm 2012 trên thế giới và mức 120 kg/người tại Hoa Kỳ hay châu Âu. Theo dự báo của các chuyên gia, mức tiêu thụ nhựa bình quân của người dân Việt Nam sẽ tăng lên 45kg/người vào năm 2020. Qua đó cho thấy tiềm năng tăng trưởng cao của ngành nhựa Việt Nam trong thời gian tới.

(Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Hoạt động sản xuất sôi động hơn

Trong nửa đầu năm 2015, hoạt động sản xuất nhựa bao bì trong nước có xu hướng phát triển tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp đối với hoạt động sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 6 tháng đầu năm 2015 tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014; tính riêng tháng 6/2015, hoạt động sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng mạnh 23,2% so với cùng kỳ năm 2014.

  (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nguồn nguyên liệu khác cho ngành bao bì là giấy cũng tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm 2015, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy (bao gồm cả các sản phẩm bao bì giấy) cũng đã tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Thông thường, nửa cuối năm luôn là giai đoạn sôi động đối với thị trường nhựa và bao bì do đây là thời điểm diễn ra các hoạt động lớn như Tết Trung Thu, Tết Dương lịch,… với nhu cầu tiêu thụ nhựa và bao bì lớn. Các doanh nghiệp sản xuất sẽ tập trung vào các hoạt động như: sản xuất hộp giấy, hộp bánh kẹo, in túi giấy cho các sự kiện, sản xuất bao gói sản phẩm... và luôn gấp rút để hoàn thành kế hoạch trong cuối năm và cung ứng sản phẩm cho dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp sản xuất nhựa và bao bì cũng chủ động gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để chuẩn bị sản xuất trong quý III và quý IV/2015.

Nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng theo đó gia tăng

Trong khi nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa gia tăng, khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu từ trong nước cho sản xuất lại rất hạn chế nên nhập khẩu nguyên liệu gia tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2015, tổng lượng chất dẻo nguyên liệu được nhập khẩu về Việt Nam đạt hơn 1,4 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD; tăng 29,63% về lượng và tăng 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Mặc dù giá dầu mỏ và khí thiên nhiên (nguyên liệu chính dùng để sản xuất nhựa) có xu hướng giảm từ giữa năm 2014 đến nay, qua đó làm giảm giá nguyên liệu nhựa trên thị trường quốc tế nhưng đồng USD tăng giá so với đồng VND lại gây áp lực tăng giá nhập khẩu khi quy đổi ra VND. Tính từ ngày 5/5/2014 đến ngày 5/5/2015, tỷ giá giữa đồng VND với đồng USD đã tăng thêm 2,67%. Do đó, tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chất dẻo cao hơn tốc độ tăng của khối lượng nguyên liệu chất dẻo được nhập về.

Trong thời gian tới, đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng VND sẽ gây khó khăn với ngành nhựa Việt Nam do có đến 80% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam là được nhập khẩu và giá nguyên liệu chiếm từ 60% đến 70% giá thành sản xuất. Ngoài việc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp ngành Nhựa còn chịu rủi ro về tỷ giá. Trong khi đó, theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện cả nước chỉ có 3 đơn vị có khả năng sản xuất nguyên liệu nhựa (nhựa PVC, DOP và PP), đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu nhựa của cả nước.

Nhưng xuất khẩu sẽ khó khăn?

6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của ngành Nhựa tăng trưởng 10,3% so với nửa đầu năm ngoái, đạt doanh thu 4,2 tỷ USD. Mức tăng trưởng này phần nhiều nhờ xuất khẩu vào các thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Trong khi đó xuất khẩu châu Âu đang có dấu hiệu khó khăn hơn do kinh tế khu vực này bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhựa của Việt Nam bởi thị trường châu Âu thường chiếm 60-70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Khi giá đồng euro giảm sẽ khiến sản phẩm của Việt Nam đắt lên tương đối, nhiều nhà nhập khẩu của châu Âu đã yêu cầu giảm giá hoặc chuyển sang thuê gia công tại Trung Quốc, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp nhựa Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dây chuyền công nghệ lạc hậu nên khó cạnh tranh cả về giá, mẫu mã và chất lượng.

Do đó trong thời gian tới, ngoài việc tận dụng tốt tiềm năng trên thị trường nội địa, việc tìm kiếm những phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng là yêu cầu cấp thiết để có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất nhựa và các sản phẩm liên quan.


Bảo Linh