Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP. Hồ Chí Minh

Chiều ngày 27/6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy diện tích chỉ chiếm 0,6 cả nước, mật độ dân số chiếm 6,6%, nhưng lại chiếm đến 1/4 tổng sản phẩm trong nước và đóng góp gần 1/3 ngân sách của cả nước, đặc biệt, sau 40 năm giải phóng, TP luôn đi đầu đổi và đổi mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cuộc họp sẽ mất khá dài về thời gian, để xử lý các kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về cơ chế, chính sách. Thủ tướng cũng lưu ý, mỗi lần vào làm việc với TP. Hồ Chí Minh là để tạo cơ chế chính sách cho Thành phố phát triển, chứ không phải bó lại sự phát triển trong cơ chế. “Tiền chúng ta không có, chứ cơ chế mà vận dụng được cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thì phải tạo điều kiện tối đa” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ, về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự chung sức của các tầng lớp nhân dân, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2016, cụ thể: So với cùng kỳ, kinh tế Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,47%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,3%; du lịch tăng trưởng tốt, khách quốc tế đạt hơn 2,4 triệu khách, tăng 12,2%; xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,9%; sản xuất nông nghiệp tăng 5,9%; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, tăng 1,79% so với cùng kỳ và tăng 2,23% so với tháng 12/2015. Tình hình thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt khá, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 125.100 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Về công tác quản lý đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp nước sạch cho nhân dân, bảo vệ môi trường tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế chu đáo, trọng thị và an toàn, nhiều sự kiện quan trọng và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố được tổ chức trọng thể, an toàn, đã tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp trong và ngoài nước, gặp gỡ từng hiệp hội doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về vốn, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan… Ngoài ra, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp… Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát và kiến nghị đơn giản hóa hành chính 77 thủ tục thuộc lĩnh vực “đầu tư - đất đai - xây dựng”, chi phí tiết kiệm hơn 110 tỷ đồng/năm. Cải thiện quy trình nhằm giảm thủ tục và rút ngắn thời gian cấp điện chuyên dùng cho khách hàng còn 7,75 ngày/công trình ( rút ngắn hơn 8,25 ngày so với Thông tư 33/2014/TT - BCT), tiếp tục chỉ đạo việc rút ngắn thời gian nộp thuế thông qua việc vận động doanh nghiệp nộp thuế điện tử, cắt giảm thời gian kê khai nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 335 giờ xuống 49,5 giờ, hiện đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thủ tục xuất, nhập cảnh tàu biển, 100% Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử giúp thông quan nhanh chóng tờ khai hải quan. Thành phố cũng chủ động xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2016, như: Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8%, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 35% trở lên, thu ngân sách đạt dự toán 298.300 tỷ đồng, phấn đấu trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR - index)…

Để tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước, Chủ tịch UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung, đó là: Kiến nghị phân cấp mạnh cho Thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù hoặc để cụ thể hóa các quy định của TW sát với thực tế của địa phương; Kiến nghị về một số cơ chế tài chính đặc thù cho Thành phố, cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giữ nguyên tỷ lệ phần trăm (%) để lại ngân sách cho Thành phố hiện nay (23%), kể từ năm ngân sách 2017 và ổn định trong 10 năm, tạo điều kiện kiện cho Thành phố chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính trung và dài hạn; Về thưởng vượt dự toán thu ngân sách năm 2015: Năm 2015, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 255.001 tỷ đồng, đạt 109% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó số thu ngân sách TW hưởng theo phân cấp là 199.771 tỷ đồng. Căn cứ quy định pháp luật, đề nghị Chính phủ thưởng cho Thành phố là 10.001,701 tỷ đồng; trong đó, thưởng vượt thu: 889,738 tỷ đồng; bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu ngân sách TW là 9.101,964 tỷ đồng.

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh

Về tổ chức bộ máy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận khác có liên quan. Về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến nghị Chính phủ ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn Thành phố như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, đường trên cao và một số đường hướng tâm quan trọng….

Về địa điểm đặt trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (trên cơ sở hợp nhất Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) tại TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế, tác động lan tỏa, tạo sức đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước...


Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho các Bộ, ngành giúp cho Thành phố được chủ động, giúp cho Thành phố với tinh thần là Thành phố của cả nước và vì cả nước để có được cơ chế đột phá, mà phải thoát ra khỏi được những cái đang ràng buộc theo xu hướng chung của cả nước, từ thực tiễn của TP để xây dựng được một cơ chế đột phá và sau khi thực hiện được thí điểm, sẽ có tổng kết đánh giá sẽ đưa vào luật, để thực hiện trên cả nước, Bí thư Thành ủy TP, cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh được xã hội hóa các cơ sở y tế, đẩy mạnh xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo. Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng cũng cho rằng, những kiến nghị của TP với Thủ tướng Chính phủ là dựa vào Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, những kiến nghị nào được, phù hợp thì Thủ tướng giải quyết, còn những điểm gì chưa được thì cho thực hiện thí điểm.

Giải đáp những vướng mắc của TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã đồng tình với những kiến nghị của Thành phố, các bộ, ngành cũng đề xuất một số giải pháp đồng thời kiến nghị với Thủ tướng phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát để xử lý và tháo gở những vấn đề có liên quan đến Thành phố, với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP. Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ sự đồng tình các ý kiến của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong đó có các lĩnh vực được đề cập đến, cụ thể như đánh giá về 6 tháng đầu năm 2016, điều đặc biệt rất phấn khởi là trong sản xuất công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp của Thành phố tăng trưởng tốt, cao hơn mức tăng chung của cả nước, cao hơn so với cùng kỳ và đây là điểm rất tích cực; Thứ hai là trong số các ngành công nghiệp có 4 ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố đã đạt được những tiền đề thuận lợi để phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trong lĩnh vực này, đều có sự cải thiện tích cực giúp chúng ta hội nhập tốt, không chỉ ở thị trường trong nước mà vươn ra thị trường nước ngoài, đơn cử như các sản phẩm đang phát triển rất tốt như: cao su, như ngành công nghiệp hóa dầu, nhựa và các sản phẩm của ngành cơ khí… ; Tiếp đến là lĩnh vực thương mại nội địa, riêng TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt ở đây có một số yếu tố tích cực từ các Chương trình bình ổn giá, chương trình kết nối cung cầu, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương trình này đã trở thành một chuổi mô hình liên kết rất tốt cho sự phát triển của hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, tuy nhiên các chương trình trên không thể thiếu vai trò quan trọng là sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, đã giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để ổn định và phát triển sản xuất, cũng như phát triển thương hiệu. Một điểm tích cực khác tại TP. Hồ Chí Minh là sự phát triển về hạ tầng thương mại, các hệ thống siêu thị hiện đại, các chợ đầu mối. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị trong thời gian tới đây, TP. Hồ Chí Minh với góc độ là một trung tâm kinh tế của cả nước, có điều kiện để kết nối với các vùng miền khác trên cả nước, nên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển thêm các cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường trong nước được phát triển ổn định, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sự chủ động hội nhập quốc tế của Thành phố và biểu dương đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và các Nghị quyết có liên quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội - an ninh, quốc phòng mà Thành phố đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016. Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu đầu tư, cải cách hành chính và đặc biệt là sự ổn định chính trị xã hội của Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, như tốc độ tăng trưởng kinh tế có khá, nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố năm 2016 là 8 - 8,5%, nhưng qua 6 tháng đầu đầu năm mới đạt 7,47% và tốc độ này chưa kéo được tăng trưởng của cả nước. Ngoài ra, còn một số vấn đề cần chú ý như môi trường đầu tư chưa thật sự tốt như mong đợi của người dân, trung tâm khởi nghiệp chưa đạt, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh, cụ thể như Thành phố còn sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu. Thủ tướng nhận định, so với Bangkok (Thái Lan), đối với một thủ đô diện tích nhỏ hơn, dân số thì tương đương, nhưng GDP lại cao gấp 3 lần thành phố Hồ Chí Minh, nếu so sánh với tiềm năng lợi thế thì giá trị gia tăng, năng suất lao động của Thành phố còn thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, Thành phố còn chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu, triều cường, ô nhiễm môi trường, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông còn cao… Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh phải có tầm nhìn xa, với tầm nhìn của một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo, xứng tầm với địa phương là đầu tàu của cả nước. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần xác định 4 mục tiêu quan trọng mà TP cần hướng đến, cụ thể: Xây dựng một Thành phố thông minh, cạnh tranh được với các thành phố lớn khu vực châu Á, thành phố năng động - hiện đại; Phát huy vai trò trung tâm nguồn lực chất lượng cao; Thành phố phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp; Tiến tới nền kinh tế thị trường hài hòa - bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường. Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, luật chưa quy định, nhưng đặt ra trong thực tế cuộc sống và bày tỏ mong muốn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy và khai thác tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh của mình, tương xứng với vai trò, vị trí trung tâm kinh tế của cả nước.


Hồng Lực