Tiềm năng du lịch làng nghề tại Phú Xuyên

Huyện Phú Xuyên được biết đến là một nơi có nhiều làng nghề truyền thống bậc nhất ở Hà Nội, kết hợp phát huy tối đa giữa nguồn tài nguyên với thương mại du lịch thì nơi đây trở thành vùng đất tiềm năn

Những  năm gần đây, nhiều làng nghề của Phú Xuyên đang có xu hướng chuyển dịch dần theo hướng cụm, vùng làng nghề; xây dựng làng nghề gắn với du lịch; chú trọng đào tạo nghề; xây dựng trung tâm thương mại và hình thành các doanh nghiệp thương mại tại các làng nghề.

Nằm cạnh quốc lộ 1A, đường vào làng nghề cũng đã được cải thiện, các phương tiện di chuyển dễ dàng, việc tạo các tour du lịch từ đó không gặp nhiều khó khăn. Để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các cơ sở sản xuất tại làng nghề thường xuyên cách tân mẫu mã sản phẩm, phát triển chất lượng sản phẩm, tích cực trong hoạt động quảng bá, tham dự các triển lãm trưng bày trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm chất lượng của làng nghề, cho bạn bè mọi miền biết đến tinh hoa làng nghề. Đặc biệt tại mỗi cơ sở sản xuất đều có riêng một gian trưng bày sản phẩm, có cả sản phẩm lưu niệm và các sản phẩm tiêu dùng.

Hình ảnh mặt hàng thủ công mây tre đan được khách hàng đón nhận

Nổi tiếng khắp cả nước với các làng nghề đặc trưng như: làng nghề sơn khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, làng nghề nặn tò he độc nhất vô nhị Xuân La, làng nghề mây tre đan guột tế thôn Nhị Khê và hàng chục làng nghề lớn nhỏ khác... Phú Xuyên đang tích cực mở rộng mô hình “ du lịch làng nghề” với mong muốn vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm làng nghề, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân.

Du khách khi đến với làng nghề ở Phú Xuyên có thể kết hợp tham quan phong cảnh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ đồng thời thăm quan làng nghề truyền thống. Đến với làng nghề du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử phát triển làng nghề, những yếu tố đặc biệt góp phần tạo nên dấu ấn mà không nơi nào khác có được, du khách được tận mắt nhìn những sản phẩm chất lượng cao được làm từ những nghệ nhân bậc nhất làm ra. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất đã biết cách phát triển du lịch, có khu riêng tạo cơ hội để chính du khách trực tiếp tham gia vào sản xuất tiêu biểu tại các làng nghề mây tre đan guột tế thôn Nhị Khê , thôn Kim Long Trung, nặn tò he ở Xuân La hay thêu tay làng Đại Đồng,…

Nghệ nhân nặn tò he Lê Văn Nhượng trong niềm vui kể về làng nghề

Hiện mỗi làng nghề đã và đang áp dụng những tiến bộ khoa học- kĩ thuật nhằm tạo ra bước tiến trong sản xuất, cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị yếu của khách hàng, giảm giá thành sản phẩm với mong muốn sản phẩm của làng nghề sẽ nhanh chóng được bạn bè quốc tế đón nhận, ủng hộ. Quan trọng hơn cả là áp dụng công nghệ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tạo cảm giác thoải mái cho du khách tham quan.

Khách tham quan đến với làng nghề được đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu của những con người nơi đây, những con người dân dã, hiền hậu và vô cùng mến khách. Người dân và chính quyền huyện Phú Xuyên luôn học hỏi, vận dụng những hướng đi, cách thức sáng tạo ở các làng nghề truyền thống trên thế giới với mục tiêu nhân văn là gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống mà ông cha ta đã để lại từ hàng trăm năm nay.

Thu Hường