“Tinh thần hợp tác phải trở thành ý chí, nguyện vọng của doanh nghiệp”

Theo Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn, để các đơn vị dùng hàng của nhau phát huy hiệu quả thì điều đầu tiên, phải thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ khó khăn. Thứ hai, phải có tinh thần hợp t

Thực hiện chủ trương của Bộ Công Thương về triển khai hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác cụ thể với các doanh nghiệp như EVN, TKV, Petrolimex, Vinatex, Vinachem… Nội dung hợp tác bao trùm các lĩnh vực về trao đổi thông tin, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, khoa học công nghệ, đào tạo, dịch vụ xây lắp, bảo hiểm, tài chính và ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau.

PVN đã tích cực hợp tác và chia sẻ cùng EVN trong đầu tư các dự án điện với mục tiêu chung là đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia. EVN đã hỗ trợ hiệu quả cho PVN trong triển khai đầu tư các nhà máy nhiệt điện, hệ thống hạ tầng dùng chung, đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia và quá trình vận hành, bảo dưỡng các nhà máy điện do PVN là chủ đầu tư. Cụ thể là, PVN đã đưa vào vận hành thành công các nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2; các nhà máy thủy điện Hủa Na, Đắkdring, Bắc Kạn, điện gió Phú Quý.

PVN và Vinatex ký thỏa thuận hợp tác

PVN cũng đã hoàn thành đầu tư hệ thống hạ tầng các nhà máy điện Thái Bình, Long Phú và Vũng Áng. Hiện 2 bên đang tích cực hợp tác để đảm bảo đưa vào vận hành thương mại và hòa lưới điện quốc gia hoàn chỉnh dự án Nhà máy điện Vũng Áng 1 trong năm nay và tích cực triển khai hạ tầng các nhà máy điện Sông Hậu, Quảng Trạch.

Bên cạnh đó, PVN có sự hợp tác hiệu quả với TKV trong việc đảm bảo nguồn than cho 2 nhà máy nhiệt than Vũng Áng 1 và Thái Bình 2; hai bên đang cùng nhau xem xét kế hoạch về nguồn nhập khẩu than cung cấp cho 3 nhà máy điện là Long Phú 1, Sông Hậu, Quảng Trạch. Đối với Petrolimex, PVN hợp tác trong việc đảm bảo cung cầu và điều tiết các sản phẩm xăng dầu quốc gia…

Tại Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”, Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc hợp tác giữa các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước qua 2 năm đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các sản phẩm của nhau bao giờ cũng được ưu tiên sử dụng và trong quá trình đó, nếu có những vướng mắc, khó khăn các đơn vị kịp thời bàn bạc, thống nhất để xử lý cùng với các biện pháp chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của Bộ.

Đây là giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp của Bộ Công Thương, giúp nhau qua được thời kỳ suy giảm kinh tế, cũng như góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Ông Sơn lấy thí dụ: Tập đoàn Dầu khí có một số sản phẩm cơ bản phục vụ cho các tập đoàn khác như khí cho nhà máy điện, hay điện để bán cho EVN, và cung cấp cho nền kinh tế và sản phẩm khác nữa là xăng dầu.

Việc tiêu thụ các sản phẩm này khi thừa, khi thiếu, khi giá thị trường lên xuống… rõ ràng cần các doanh nghiệp phối hợp với nhau để hành động một cách nhịp nhàng, “ăn rơ” với nhau trong việc cung cấp sản phẩm để đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong cung ứng, sản phẩm không bị ứ đọng và không thiếu. Đặc biệt, tránh được tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Ông Sơn cho rằng, hai năm qua các doanh nghiệp phối hợp với nhau khá đồng bộ.

Theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn, để các đơn vị dùng hàng của nhau phát huy hiệu quả thì điều đầu tiên, phải thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ khó khăn. Thứ hai, phải có tinh thần hợp tác và tinh thần hợp tác này phải trở thành ý chí và nguyện vọng của doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là các đơn vị thuộc sở hữu của Nhà nước thì cần phải có sự phối hợp sử dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như chất lượng dịch vụ sản phẩm và đấy cũng là nâng cao chất lượng cho nền kinh tế.

Một điểm nữa là cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo ra ý thức cho người Việt Nam sử dụng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Có như vậy mới tăng trưởng được sản xuất, doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ và nền kinh tế tăng trưởng tốt…

Nếu nói theo hoạt động của các doanh nghiệp thì nên vận động, nhưng nếu đứng ở góc độ sở hữu thì không phải là vận động mà các DNNN, tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm và nghĩa vụ làm việc này. Đó mới là điều đúng đắn. Hàng Việt Nam sản xuất được mà các doanh nghiệp cứ nhập khẩu về là không được, chứ không phải chỉ vận động. Nếu trong quá trình kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương mà thấy các doanh nghiệp không thực hiện đúng chính sách này thì cần phải sử dụng biện pháp về mặt hành chính.

Tuy nhiên, nguyên tắc là phải đảm bảo tính thị trường về giá cả, chất lượng cũng như chủng loại hàng hoá. Các đơn vị cũng phải đáp ứng được cái tiêu chí này khi cung ứng sản phẩm cho nhau. Nếu hàng nội tương đương về chất lượng, giá cả và hình thức thì đương nhiên các tập đoàn, tổng công ty phải sử dụng hàng Việt Nam. Còn nếu nó có sự chênh lệch chất lượng thì các tập đoàn cần ngồi với nhau bàn cách để hỗ trợ, tháo gỡ, giảm giá thành cũng như chi phí sản xuất để sản phẩm của Việt Nam nâng cao chất lượng, đủ sức cạnh tranh và thay thế được hàng ngoại nhập.


Chẳng hạn một số sản phẩm phục vụ hoạt động trong ngành dầu khí phải chịu môi trường nước mặn, gió biển thì cần các nghiên cứu rất chi tiết về mặt kỹ thuật. Nếu bình thường người ta không thể phát hiện ra. Trên đất liền có thể lắp ráp bình thường, nhưng đưa xuống biển nếu không chú ý đến tiêu chuẩn thì sẽ không đảm bảo. Vì vậy, chính sự hợp tác giữa các đơn vị mới tạo điều kiện cho nhau sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của nhau, với các đơn hàng lâu dài hơn.

Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn


 

Lê Hằng