Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 18/8 đến 24/8/2014

Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”; Quán triệt Chỉ thị 22 và Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo về kỳ thi tuyển Công chức năm 2013 tại Cục Quản l

Hội nghị Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau

Sáng ngày 19/8, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện "Thỏa thuận giữa các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau". Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo TW Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cùng các đại biểu là lãnh đạo các Tổng công ty, Tập đoàn trực thuộc Bộ Công Thương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, sau hai năm thực hiện Thỏa thuận giữa các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, các đơn vị cũng cần phải nhận định được những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau bàn các giải pháp hiệu quả hơn để thực hiện tốt Thỏa thuận này.

Theo báo cáo tại Hội nghị, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thỏa thuận đã được thực hiện và triển khai có hiệu quả tại nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên trực thuộc Bộ, đem lại một số kết quả bước đầu. Ngay sau Lễ ký kết, nhằm tích cực đôn đốc việc triển khai thực hiện Thỏa thuận, Bộ Công Thương đã có Công văn số 10395/BCT-TTTN ngày 30 tháng 10 năm 2012 gửi các Tập đoàn, Tổng công ty, DN trực thuộc Bộ về việc triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác chung và song phương giữa các đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục sản phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được gồm 208 sản phẩm, nhóm sản phẩm và danh sách 1.893 doanh nghiệp trong cả nước đang sản xuất được các sản phẩm trong Danh mục này.

Các Tập đoàn, Tổng công ty đã triển khai Thỏa thuận trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau thông qua nhiều hợp đồng ký kết mua bán hàng hóa như: thép xây dựng, thép chống lò, xăng dầu, khí hóa lỏng, than, săm lốp ô tô, phân bón, hóa chất, rượu bia, giấy in, quần áo bảo hộ, điện, v.v… Đến nay, có rất nhiều hợp đồng giá trị cao đã được ký kết giữa các Tập đoàn, Tổng công ty như: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ký các hợp đồng mua các sản phẩm dầu DO, dầu FO, hóa chất, đồng phục khối sản xuất, áo mưa quảng cáo, nhãn bia... của các Tập đoàn, Tổng công ty và đơn vị thành viên với giá trị lên tới gần 356 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam ký hợp đồng mua các sản phẩm dầu DO, FO đã sử dụng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có giá trị gần 14,8 tỷ đồng, v.v...

Bộ Công Thương quán triệt Chỉ thị 22 và Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 20/8/2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chủ trì Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 22/CT-TTg (Chỉ thị 22) và Chỉ thị số 23/CT-TTg (Chỉ thị 23) ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Theo đó, Chị thị 22 yêu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Chỉ thị 23 yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, tổ chức cần lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách Nhà nước (bao gồm: Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương và kế hoạch đầu tư vốn cân đối ngân sách địa phương); Kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; Kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ; Kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; Kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính quyền địa phương; Kế hoạch đầu tư vốn vay khác của ngân sách địa phương và Kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: 02 Chỉ thị (Chỉ thị 22 và 23) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/8/2014 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các đơn vị cần đánh giá nghiêm túc những kết quả đã làm được trong 5 năm qua, từ đó, Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp sát sao để thực hiện tốt bản kế hoạch trong 5 năm tới (2016-2020) của chính đơn vị mình.

Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị thuộc Bộ gửi các bản kế hoạch về Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương trước ngày 15/11/2014. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện kế hoạch và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2014.

Hà Lan ủng hộ Việt Nam trong tiến trình đàm phán EFTA

Ngày 19/8/2014, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã tiếp và làm việc với Đoàn Nghị viện Hà Lan do ông Raymond De Roon, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và Hợp tác phát triển của Nghị viện Hà Lan làm trưởng đoàn, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 8 năm 2014.

Tại buổi tiếp, ông Raymond De Roon đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước Hà Lan và Việt Nam đặc biệt trong ngành công nghiệp đóng tàu biển. Ông Raymond De Roon cũng bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EFTA). Theo ông Raymond De Roon, Hiệp định EFTA là vô cùng quan trọng đối với quan hệ EU - Việt Nam nói chung và quan hệ Hà Lan - Việt Nam nói riêng.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đồng tình với quan điểm của ông Raymond De Roon và cho biết, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực phối hợp với EU và các nước để thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu theo đúng lộ trình hai Bên đã đề ra. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Hà Lan ủng hộ Việt Nam trong tiến trình đàm phán Hiệp định EFTA.

Hai Bên đã thống nhất cùng nhau tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và hy vọng Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam với các nước trong khối EU trong đó có Hà Lan.

Bên cạnh vấn đề đàm phán Hiệp định EFTA, Thứ trưởng cũng chia sẻ với Đoàn đại biểu Nghị viện Hà Lan những thông tin về chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và mong muốn các nhà đầu tư Hà Lan sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Việt Nam.

Thông báo của Bộ Công Thương về Kỳ thi tuyển Công chức năm 2013 tại Cục Quản lý cạnh tranh

Vừa qua, một số phương tiện thông tin báo chí, truyền thông có đăng tải nội dung liên quan đến việc thi tuyển công chức năm 2013 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). Về vấn đề này, ngày 21 tháng 8 năm 2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương thông báo: Mặc dù không nhận được bất cứ Đơn phản ánh, khiếu nại liên quan đến nội dung này, cũng như chưa nhận được yêu cầu nào từ các Cơ quan chức năng, tuy nhiên, qua nội dung được đề cập trên báo chí, truyền thông, Bộ Công Thương đã chủ động cử Đoàn đến làm việc, kiểm tra nội dung trên tại Cục Quản lý cạnh tranh. Kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra cho biết, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng công chức năm 2013 của Cục Quản lý cạnh tranh được Bộ Công Thương phê duyệt là 9 chỉ tiêu.

Được sự đồng ý của Bộ Công Thương, theo phân cấp, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức Kỳ thi tuyển công chức năm 2013 đúng theo các quy định hiện hành, bảo đảm tính công bằng, công khai và minh bạch. Và ngày 18 tháng 11 năm 2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã có Văn bản số 886/QLCT-VP báo cáo Bộ Công Thương kết quả Kỳ thi tuyển công chức năm 2013. Theo Văn bản số 10984/BCT-TCCB ngày 28 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt công nhận 09 thí sinh đã trúng tuyển Kỳ thi tuyển công chức năm 2013 của Cục Quản lý cạnh tranh và giao Cục Quản lý cạnh tranh ra Quyết định tuyển dụng các công chức theo đúng quy định hiện hành.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương đề nghị các Cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông không đăng tải các nội dung chưa được kiểm chứng, chưa được các Cơ quan chức năng liên quan kết luận... để không ảnh hưởng đến uy tín của Ngành Công Thương, Bộ Công Thương, ảnh hưởng đến uy tín của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Công Thương đang hết sức cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao phó nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, phục vụ đời sống nhân dân được tốt hơn.

Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách"

Ngày 21/8, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách" - một trong những diễn đàn khoa học quy mô nhằm phân tích, kiến nghị các giải pháp về sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VEA - ông Trần Viết Ngãi cũng đã nhấn mạnh những nguy cơ, thách thức này. Theo đó, ông Ngãi cũng kiến nghị các nhóm giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, theo quan điểm của ông Ngãi, cần cấp bách đưa ra được những giải pháp có tính tổng thể, lâu dài, đi cùng những chế tài xử phạt đủ mạnh và quyết liệt để cộng đồng xã hội và nhất là các doanh nghiệp sử dụng điện lớn phải triệt để thực hiện.

Các đại biểu là lãnh đạo đến từ EVN, PVN, TKV cũng đã bày tỏ sự đồng tình đối với các quan điểm này. Từ những phân tích về thực trạng khai thác, sản xuất các nguồn năng lượng của mình (điện, than, dầu, khí...), lãnh đạo 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất nước đã thể hiện quyết tâm trong việc đồng hành cùng các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, một số nhóm giải pháp cụ thể được các tập đoàn đề xuất như: Vấn đề vốn cho đầu tư công nghệ khai thác/sản xuất sao cho tiết kiệm năng lượng nhất; vấn đề hành lang pháp lý và các giải pháp hỗ trợ đồng bộ cho doanh nghiệp áp dụng, v.v...

Đặc biệt, đối với nguồn năng lượng điện - một trong những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết mọi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc EVN nêu quan điểm: Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả cần trở thành ý thức và hành động nhất quán của toàn xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở các chương trình tuyên truyền, vận động. Theo đó, EVN đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như người dân trong việc tuyên truyền tìm kiếm giải pháp sử dụng năng lượng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn làm việc với BSR và DQS

Ngày 20/8, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Xuân Sơn và đoàn công tác đã có buổi làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).

Tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn đề nghị lãnh đạo BSR và các ban chuyên môn của Tập đoàn báo cáo, thảo luận 3 nhóm vấn đề chính: tái cấu trúc BSR, tình hình sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, giải pháp phát triển Nhà máy Ethanol Dung Quất.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang nhận định, công tác tái cấu trúc của BSR đang được triển khai theo đúng lộ trình. Về nâng cấp mở rộng nhà máy, quan điểm của BSR vẫn ưu tiên số một là "tự lực tự cường". Một khi quá trình đàm phán với đối tác ngoại kéo dài, BSR sẽ tự đứng ra triển khai nâng cấp mở rộng nhà máy.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn chúc mừng BSR đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất sớm hơn kế hoạch, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn đề nghị: BSR cần phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong quá trình vận hành nhà máy; nâng cao năng lực cạnh tranh của NMLD Dung Quất so với các nhà máy trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch HĐTV lưu ý BSR phải quản trị thật tốt NMLD Dung Quất, áp dụng cơ chế quản trị hiện đại nhất, chuẩn bị ngay kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015. Quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Xuân Sơn là BSR cần chia nhỏ các phần việc nghiên cứu giảm chi phí sản xuất cho các bộ phận liên quan.