Trung hạn kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi

Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, nhưng còn nhiều rủi ro trong nước và

Nhìn tổng quan, WB cho rằng, cho dù môi trường kinh tế toàn cầu còn chưa khởi sắc do nhu cầu nhập khẩu ở các nền kinh tế phát triển giảm, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định với sự hỗ trợ nhờ sức cầu trong nước cao và kết quả khả quan của ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu.

Về sản xuất, ngành nông nghiệp và khai khoáng có sự suy giảm, nhưng lại được bù đắp bằng tăng trưởng tuy chưa cao nhưng ổn định trong các ngành sản xuất chế tạo chế biến, xây dựng và dịch vụ.

Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao. Mặc dù giá các dịch vụ y tế và giáo dục tăng, lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung dự kiến cả năm vẫn thấp hơn so với mục tiêu 5% của Chính phủ. Tiêu dùng ở khu vực công và tư nhân cũng được đẩy mạnh, do tăng lương ở khu vực công làm tăng thu nhập thực và do duy trì được lòng tin của người tiêu dùng.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới phân tích, dự trữ ngoại hối được tích lũy nhưng chưa được trung hòa triệt để nên tổng phương tiện thanh toán đã tăng khá nhanh trong cả năm qua, với tốc độ khoảng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP theo giá danh nghĩa. Bên cạnh đó, sức cầu trong nước vẫn vững mạnh do chính sách tài khóa, tiền tệ và tín dụng mở rộng. Thặng dư tài khoản vãng lai tiếp tục được cải thiện chủ yếu do nhập khẩu đã chậm lại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được thu hút mạnh và do mức độ tiếp cận còn hạn chế của Việt Nam với các luồng vốn đầu tư gián tiếp nên phần nào hạn chế được tác động của những biến động tài chính toàn cầu gần đây. Nhờ tình hình kinh tế đối ngoại tiếp tục được cải thiện, tỷ giá danh nghĩa được giữ ở mức khá ổn định kể từ đầu năm cho dù đồng Việt Nam đã có nhiều biến động trong tháng 11 do đô la Mỹ đang mạnh lên ở mức kỷ lục. Dự trữ ngoại hối dần được nâng lên, tuy vẫn ở mức tương đối thấp - khoảng 2,6 tháng nhập khẩu vào cuối quý 2/2016.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn. Tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến xoay quanh 6%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam đạt được trong năm nay một phần là nhờ tín dụng tiếp tục tăng nhanh và chính sách tài khóa hỗ trợ. Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao, có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô. Những biện pháp này có thể kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng nếu kéo dài sẽ làm gia tăng những rủi ro tài khóa và tài chính. Do vậy, trong trung hạn phải tính đến một số rủi ro bất lợi, như chậm trễ trong triển khai chuyển đổi cơ cấu và cải cách tài khóa, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khả quan và viễn cảnh tăng lãi suất tại Mỹ. Các chuyên gia của WB cũng chỉ rõ những rủi ro nội tại của kinh tế Việt Nam là chậm trễ trong củng cố ngân sách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kỳ vọng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ xử lý được một số bất cập trong quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.

Báo cáo cũng cho biết, bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và đang tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên Chính phủ đã tiếp tục cam kết củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn. Năm nay, điểm nhấn của kinh tế Việt Nam tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù chiếm tới 20% GDP nhưng đóng góp của nông nghiệp cho tăng trưởng của nền kinh tế năm 2016 gần như bằng 0%. Chính vì thế, chuyên gia WB cho rằng, tích tụ ruộng đất, xây dựng hệ thống nông nghiệp thực phẩm sẽ góp phần giúp ngành này thay đổi, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Minh Anh