Tuyên Quang: Nhân rộng sản xuất chè theo quy trình VietGap, gia tăng sức cạnh tranh

Theo các hộ trồng chè tại huyện Sơn Dương, từ khi bước vào sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất, giá trị chè búp tươi đã tăng lên đáng kể, tăng gần gấp đôi so với trước đây (sản xuất đại trà). K

Đây là kết quả từ Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn bắt đầu triển khai từ năm 2013 do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, phối hợp với Ban điều phối, thực hiện mô hình sản xuất, chế biến chè phù hợp với Quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGap), giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chè của địa phương. Dự án triển khai tại 3 địa phương là xã Tân Thành (Hàm Yên), Mỹ Bằng (Yên Sơn) và Trung Yên (Sơn Dương). Theo đó, các đơn vị thực hiện đã lựa chọn các hộ dân để tham gia dự án từ đây thành lập các tổ hợp tác sản xuất, tổ chức cho các hộ tham gia mô hình đi học tập kinh nghiệm sản xuất chè tại vùng chè VietGAP tại tỉnh Thái Nguyên; đồng thời giúp đỡ người dân xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Ngoài ra, các đơn vị thực hiện còn cử cán bộ xuống tận hộ gia đình để tư vấn trực tiếp, hướng dẫn các hộ cách bón phân, chăm sóc thực hiện đúng quy trình; lập hồ sơ ghi chép nhật ký sản xuất. Trong quá trình sản xuất, cán bộ sẽ lấy mẫu chè của các hộ dân tham gia mô hình để kiểm tra và phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất, nước và đặc biệt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi bảo đảm đủ các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ nâng cấp xây dựng nhà xưởng, đăng ký mã số, mã vạch đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Mục tiêu của Tuyên Quang là từ nay đến năm 2020, Tỉnh sẽ tiếp tục liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn với người dân để tập trung chế biến sản xuất chè theo tiêu chuẩn, từ đó mở rộng quy mô vùng chè theo quy trình VietGAP tại các huyện có thế mạnh về cây chè như: Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương. Trước mắt Tỉnh sẽ tích cực tuyên truyền, giúp người làm chè  địa phương thấy được lợi ích của quy trình sản xuất chè VietGAP cùng học tập và nhân rộng, nâng cao chất lượng chè một cách đồng bộ.