3 tỷ USD, 14 tỷ USD, 22 tỷ USD, 30 tỷ USD và chuyện sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị mới hình thành sau dịch Covid-19

Các gói hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là hết sức cần thiết. Nhưng có điều quan trọng không kém, ngay trong lúc này đã phải lên kế hoạch để sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị mới được hình thành sau đại dịch.
Đoàn kiểm tra yêu cầu đảm bảo khoảng cách an toàn trong sản xuất tại một nhà máy trong KCX Tân Thuận
Đoàn kiểm tra yêu cầu đảm bảo khoảng cách an toàn trong sản xuất tại một nhà máy trong KCX Tân Thuận

Chung sống hòa bình và an toàn

Cho đến giờ phút này có thể nói, Việt Nam đã chủ động khoanh vùng, đủ khả năng khống chế các khu vực, các ổ dịch tiềm tàng, không để Covid-19 làm “vỡ trận” hệ thống y tế nước ta.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên 200 nước, và thông tin mới nhất từ các nhà khoa học uy tín trên thế giới: Cho đến khi điều chế được vắc xin điều trị  virus SARS-CoV-2 (khoảng 18 tháng) chúng ta vẫn phải chung sống hòa bình và an toàn với đại dịch Covid-19.

“Chung sống hòa bình và an toàn” có nghĩa là có thể khởi động lại nền kinh tế, nhưng vẫn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý với từng nhóm nguy cơ cao - nguy cơ - nguy cơ thấp. Cũng tức là chắc chắn diễn ra diễn ra một cuộc suy thoái kinh tế, mức độ thế nào tùy thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia, và đối tác kinh tế của quốc gia đó.

Nói rõ hơn, Việt Nam có kiểm soát tốt dịch bệnh, song những đối tác nhập khẩu lớn của chúng ta là EU, Hoa Kỳ, hay Nhật Bản, Hàn Quốc nếu phải loay hoay với kiểm soát dịch bệnh thì chúng ta vẫn cứ chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Nhưng đó là chuyện của “ông trời” (khách quan). Còn việc của chúng ta lúc này là dốc toàn bộ nguồn vật lực, tài lực và nhân lực vào vực dậy nền kinh tế.

Những gói hỗ trợ thiết thực

Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ Công Thương, Ngân hàng, Tài chính, Giao thông - Vận tải… đã thực hiện một loạt giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn, giãn hoãn các khoản nộp thuế, giảm giá điện, xăng dầu…, với tổng giá trị 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD.

Gói hỗ trợ theo Nghị định số 41 cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp
Gói hỗ trợ theo Nghị định số 41 cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp

Một gói hỗ trợ khác theo Nghị định số 41 cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Đồng thời, Chính phủ đã công bố gói 62.000 tỷ đồng, tương đương gần 3 tỷ USD để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Theo kế hoạch, có thể đầu tuần tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về chính sách tổng thể hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Gói hỗ trợ có thể lên tới 22 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong lúc sản xuất công nghiệp hay xuất khẩu vẫn phải tùy thuộc vào việc các đối tác kinh tế lớn của nước ta có tiến bộ trong kiểm soát dịch bệnh, sớm mở cửa trở lại nền kinh tế thì thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trong tầm tay tự quyết của chúng ta. Nguồn lực có sẵn trong tay, có thể thực hiện được ngay mà không cần chờ đợi dịch bệnh được khống chế.

Hơn nữa, nguồn lực lại rất lớn, với 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, bao gồm số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020.

Khởi động những bước đi thích hợp

Các gói hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói trên là cần thiết. Nhưng có điều quan trong không kém, ngay trong lúc này đã phải lên kế hoạch để sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị mới được hình thành sau đại dịch.

 Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn điịnh
Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn định

Bộ Công Thương, với vai trò quản lý nhà nước cả về sản xuất và phân phối, cho rằng cần tiếp tục tập trung một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ tạo tâm lý ổn định, nhất là khai thác tốt cơ hội mới của thương mại điện tử; Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa;

 Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ và liên kết trong toàn chuỗi cung ứng.

- Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đông Á… vẫn là các thị trường tiềm năng để chúng ta khôi phục thúc đẩy phát triển đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.

Ví dụ như đối với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đang tiếp tục tập trung xử lý nhằm khơi thông tối đa các kênh giao thương qua tuyến biên giới giữa 2 nước. Hiện nay, trước việc Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại Trung Quốc qua các khu vực biên giới. Bộ Công Thương đang bám rất sát để tập trung xử lý.

- Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cũng có cơ hội để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước để tái cơ cấu trong thời gian tới đây. Do vậy cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh.

Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ..., tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Thực hiện tốt những nhóm nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, cũng là khởi động những bước đi thích hợp trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành sản xuất và phân phối, để sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị mới được hình thành sau đại dịch.

Vĩnh Bảo