Backlog mảng xây lắp của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) có thể lên đến 5,9 tỷ USD trong 4 năm tới

Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS) hiện đang tham gia đấu thầu hợp đồng thứ 4 của dự án Lô B và một số hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi.
Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Biên lợi nhuận gộp mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 dự kiến sẽ ở mức cao.

Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HNX), công ty đã nhận được Thư thỏa thuận giới hạn (LLOA) của ba hợp đồng đầu tiên EPCI#1, 2, 3 của dự án phát triển mỏ Lô B. Tổng giá trị 3 hợp đồng này là 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, công ty đang tham gia đấu thầu hợp đồng thứ 4 của dự án Lô B với giá trị khoảng 400 triệu USD và hợp đồng cho thuê tàu FSO.

Ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí kỳ vọng dự án Lô B sẽ nhận được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào đầu quý 2/2024.

Đối với mảng điện gió ngoài khơi, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang tham gia đấu thầu một số hợp đồng xây lắp và kỳ vọng có thể giành được 1 - 2 hợp đồng trong thời gian tới. Giá trị ước tính của mỗi hợp đồng là 300 - 500 triệu USD.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hồi đầu tháng 2/2024, ban lãnh đạo Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí cho biết, trong năm 2023, công ty đã hoàn thành việc chế tạo 2 Trạm biến áp dự án điện gió ngoài khơi Hải Long 2 & 3 cho khách hàng tại Đài Loan (Trung Quốc) và dự kiến sẽ bàn giao sản phẩm trong quý 1/2024.

Đồng thời, công ty đã ký mới các hợp đồng và được trao thầu khoảng 1,5 tỷ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan và châu Âu, đảm bảo việc làm đến năm 2027.

Đến nay, Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đã có đủ kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị và hoàn toàn chủ động được việc khảo sát ngoài khơi; cung cấp hầu hết các dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi, trừ cánh và turbine.

Hiện Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang xây dựng đề xuất, kiến nghị Chính phủ cho phép công ty xây dựng Trung tâm năng lượng tái tạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm góp phần giúp Việt Nam chủ động được chuỗi cung ứng dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi trong thời gian tới.

Giá cổ phiếu PVS Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVS của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS): Các hợp đồng điện gió ký mới có giá trị đến 1,5 tỷ USD" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Vietcap, với việc trúng thầu loạt hợp đồng của dự án Lô B và dự kiến trúng thầu thêm các hợp đồng điện gió ngoài khơi mới, khối lượng đơn hàng chưa thực hiện (backlog) trong mảng xây lắp cơ khí & công trình biển (M&C) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2028 ước đạt 5,9 tỷ USD.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp cơ khí & công trình biển (M&C) của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí có thể đạt 3,5% trong năm 2024, so với mức 1,4% của năm 2023; và dự kiến đạt tới 4,7% trong giai đoạn 2025 - 2028.

Trong nhiều năm qua, mặc dù mảng M&C đóng góp hơn 50% tổng doanh thu hàng năm, biên lợi nhuận gộp của mảng này chỉ ở mức thấp 1,6%-2% do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh trong giá đấu thầu các dự án.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện sẽ thúc đẩy đáng kể kết quả kinh doanh của Dịch vụ Kỹ thuật trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 21/2, thị giá cổ phiếu PVS đạt 36.900 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang