Bàn về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính

Bài báo "Bàn về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính" do tác giả Văn Phạm Kim Xuyến (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hệ thống Trường Mầm non Việt Nhật Quảng Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích và đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Từ đó, tác giả đưa ra một vài giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Từ khóa: người tiêu dùng dịch vụ tài chính, bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp, thủ tục rút gọn.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) dịch vụ tài chính đang ngày càng nhận được sự quan tâm ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của công nghệ và đặc biệt là với những biến động lớn mang tính chất toàn cầu về kinh tế - xã hội và trực tiếp là tác động của đại dịch Covid-19 đã đặt ra những yêu cầu mới đối với BVNTD dịch vụ tài chính. BVNTD dịch vụ tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định tài chính, tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế [1] Một thủ tục giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính tinh gọn, thuận tiện, dễ dàng cho việc bảo vệ quyền, lợi ích các bên trong quan hệ giao dịch tài chính là yêu cầu cần thiết và là xu hướng tất yếu trong quan hệ cung cấp dịch vụ này bởi sự bất cân xứng thông tin [2] và vấn đề rủi ro, hạn chế trong tiếp cận các thông tin, dễ dàng bị lợi dụng, lừa đảo trong môi trường tài chính số ngày càng phức tạp, đa dạng [3].

Với thế yếu của người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong quan hệ dịch vụ tài chính phổ biến như hiện nay, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra một quan điểm tiếp cận mang tính toàn diện về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính trên 4 khía cạnh, gồm: (i) Giảm thiểu bất cân xứng thông tin; (ii) Tránh gian lận tài chính; (iii) Cơ chế hỗ trợ nhanh chóng với chi phí phải chăng; (iv) Bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Để bảo vệ người tiêu dùng tài chính, dịch vụ tài chính cung cấp tới người dùng cần hội tụ đủ 4 yếu tố, đó là: (i) Tính minh bạch: Bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng và có thể so sánh được về giá cả, điều khoản, điều kiện, rủi ro vốn có của sản phẩm và dịch vụ tài chính; (ii) Lựa chọn: Bằng cách tuân thủ các thông lệ công bằng, không ép buộc, hợp lý trong việc kinh doanh, quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính và thu tiền thanh toán; (iii) Giải quyết: Bằng cách cung cấp các cơ chế nhanh chóng và không tốn kém để giải quyết khiếu nại, tranh chấp; (iv) Quyền riêng tư: Bằng cách đảm bảo kiểm soát việc thu thập và truy cập tới thông tin tài chính cá nhân [4]. Như vậy, theo quan điểm này đã hướng đến mục tiêu bảo đảm cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính thuận tiện tiếp cận được cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hạn chế các tốn kém. Vì vậy, trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện luật nội dung về dịch vụ tài chính cung cấp cho khách hàng trong các lĩnh vực chuyên ngành, cần hoàn thiện cơ chế thủ tục hình thức trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực này.

Trong thực tế những năm trở lại đây, số lượng các vụ án tranh chấp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính không ngừng gia tăng, trong khi các quy định pháp luật đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính đang còn thiếu, thủ tục giải quyết phức tạp. Khung pháp lý duy nhất để bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Tuy nhiên, Luật này chỉ quy định về việc bảo về người tiêu dùng nói chung, không có quy định riêng để bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định pháp lý liên quan đến việc minh bạch và công bố thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng khiến người tiêu dùng gặp phải nhiều rủi ro bị lạm dụng và lừa đảo trong các hợp đồng dịch vụ tài chính bằng cách không công bố hoặc mô tả không minh bạch về phí, hoa hồng hay các loại hình phạt; không công bố các xung đột lợi ích (quyền lợi của người tiêu dùng và hoa hồng của người bán dịch vụ); sai sót trong hoạt động bán hàng do nhân viên thiếu thận trọng, thiếu năng lực hoặc không được đào tạo; lạm dụng thu nợ, tịch thu hay xử lý tài sản bảo đảm; quảng cáo gây hiểu lầm… Ngoài việc cần bổ sung các quy định nhằm tăng cường minh bạch và công bố thông tin đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, một giải pháp quan trọng khác là cần nâng cao hiểu biết tài chính của người tiêu dùng.           

Theo quan điểm của tác giả, việc nghiên cứu và ban hành cơ chế giải quyết khiếu nại và tranh chấp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ tài chính cần có cơ chế đặc thù trong luật chuyên ngành về giải quyết khiếu nại, thủ tục rút gọn cần được xây dựng và ưu tiên trong cơ chế giải quyết tranh chấp này.

2. Cơ sở lý luận về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính

  • Thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn đã được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới về giải quyết các tranh chấp trong dân sự theo nghĩa rộng và đã được thể chế hóa, quy định của luật hiện hành Việt Nam. Thủ tục rút gọn được áp dụng để xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Trình tự rút gọn trong tố tụng dân sự của Việt Nam (được định danh là “thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật tố tụng dân sự”), đồng thời quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng được xây dựng theo định hướng này, cụ thể: “Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.” [5]

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện đang sửa đổi cụm từ “thủ tục đơn giản” thành “thủ tục rút gọn”. Việc sửa đổi này nhằm thống nhất việc sử dụng cụm từ “thủ tục rút gọn” với quy định về giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Việc quy định thống nhất sẽ tạo căn cứ pháp lý để áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

  • Người tiêu dùng dịch vụ tài chính

Người tiêu dùng dịch vụ tài chính là các cá nhân, tổ chức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính. Quy mô người tiêu dùng dịch vụ tài chính ngày càng gia tăng, do sự bao phủ của các dịch vụ tài chính gia tăng khi áp dụng các chương trình thúc đẩy tài chính toàn diện và ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính. Sản phẩm, dịch vụ tài chính tương đối phức tạp, nhiều quy trình và nghiệp vụ đặc thù, do đó tồn tại sự mất cân đối thông tin giữa bên cung cấp và người tiêu dùng. Khi sử dụng các dịch vụ tài chính, người tiêu dùng thường phải đối diện với những thách thức từ sự phức tạp của các sản phẩm và dịch vụ tài chính, chi phí tiếp cận, không quen thuộc với các hợp đồng pháp lý, tính mới của các loại dịch vụ tài chính công nghệ, dẫn đến có nguy cơ vi phạm pháp luật, bị mất thông tin cá nhân… Điều này đã đặt người tiêu dùng dịch vụ tài chính vào vị thế bất lợi và cần có cơ chế bảo vệ.

3. Thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính và thủ tục rút gọn trong giải quyết chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính

Trong năm 2020, các phản ánh, khiếu nại được gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương thuộc lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng chiếm 12,5%, chỉ xếp sau các khiếu nại trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển (chiếm 49,1%). Như vậy, các lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 như hàng không, du lịch, tài chính, bảo hiểm đã phát sinh nhiều tranh chấp hơn các ngành khác. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng, vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng (liên quan đến tín dụng tiêu dùng).[6]

Theo BKAV[7], thiệt hại do tội phạm mạng gây ra tại Việt Nam là 8.700 tỷ đồng, đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn, trong đó là những thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các hình thức phổ biến gồm truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của cá nhân để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực thanh toán điện tử và thẻ ngân hàng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành từ năm 2010, đã lâu và   Luật không có tham chiếu riêng dành cho người tiêu dùng tài chính. Các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính hiện được quy định rải rác trong các luật chuyên ngành, như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán. Điều này dẫn đến các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính thiếu tính hệ thống, đồng bộ và thiếu các nguyên tắc cốt lõi.

Hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa cao. Sau 13 năm được ban hành, nhiều quy định trong Luật đã không còn phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là các quy định liên quan tới giao dịch điện tử, dịch vụ tài chính số. Xu hướng tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính đã thay đổi mạnh mẽ, từ các giao dịch trực tiếp sang trực tuyến, không sử dụng tiền mặt. Lỗ hổng pháp lý này đã làm cho nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa có chế tài xử lý. Đồng thời, cần mở rộng quan niệm về người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: những đối tượng sử dụng dịch vụ, sản phẩm tài chính như tiền gửi, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính, mua bảo hiểm,…

Về cơ quan quản lý, Việt Nam chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách chịu trách nhiệm riêng bảo vệ người tiêu dùng tài chính, mà có 5 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Cả 5 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các cơ quan này đều chưa có các bộ phận chuyên trách, cũng như chưa có các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính, chưa có cơ chế phối hợp để xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Như vậy, bộ máy quản lý, giám sát thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính đang được xây dựng theo mô hình quản lý chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý tài chính. Nhược điểm của mô hình quản lý chia sẻ này là chồng chéo trong các nhiệm vụ pháp lý của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính khác nhau, dẫn đến việc giám sát không nhất quán và không hiệu quả, do đó đòi hỏi cần được giảm thiểu, hoặc phải có sự phối hợp đồng bộ hơn, hoặc cần có một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Về cơ chế khiếu nại, tranh chấp dành cho người tiêu dùng tài chính hiện còn chưa thuận tiện, chưa hoàn chỉnh, các biện pháp giám sát còn bị động. Đồng thời, quy trình giải quyết khiếu nại của các định chế tài chính và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có chức năng giám sát, thực thi trong một số lĩnh vực tài chính như tư vấn tài chính, chứng khoán, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng,… vẫn đang còn bị bỏ ngỏ.

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khi sử dụng dịch vụ tài chính còn cao. Tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; bất bình đẳng về giới; chênh lệch giàu nghèo và khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền, đã làm cho những đối tượng này dễ bị vi phạm quyền lợi khi sử dụng các dịch vụ tài chính. Mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân còn hạn chế, do đó chưa thể tự bảo vệ quyền lợi và sử dụng các dịch vụ tài chính hiệu quả. Thực tế hiện nay, hiệu quả từ cơ chế giải quyết khiếu nại còn chưa rõ ràng và người tiêu dùng tài chính cũng hiếm khi lựa chọn việc khiếu nại đến các cơ quan này, vì thiếu một quy trình chuẩn, hợp lý trong việc tiếp nhận, giải quyết và phản hồi khiếu nại. Hiện nay, tác giả mới tiếp cận được công bố báo cáo thường niên của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về kết quả giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, chưa có báo cáo, đánh giá của các cơ quan còn lại.

Trong quá trình cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 (tháng 11/2022), vấn đề thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có 2 nhóm ý kiến khác nhau, cụ thể: thứ nhất, đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật; thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.[8]

Theo ý kiến của tác giả, trong thời kỳ hội nhập, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đã làm cho dịch vụ tài chính hoạt động đa dạng, sản phẩm phong phú, dẫn đến trong thực tế xảy ra rất thường xuyên những vụ việc tranh chấp bảo vệ quyền lời người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi, nếu chúng ta không quy định rõ ràng về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì khi xảy ra tranh chấp, việc khiếu kiện đến Tòa án giải quyết theo thủ tục thông thường với những vụ việc giá trị không cao, không lớn, sẽ gây ra khó khăn cho cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng và cả Tòa án. Đồng thời, cũng cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao thủ tục rút gọn đã được quy định trong pháp luật, thực tiễn có vấn đề có thể giải quyết bằng thủ tục rút gọn nhưng lại không được áp dụng. Điều này đòi hỏi cần cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đảm bảo tính khả thi, hạn chế các trường hợp bỏ sót các tình tiết quan trọng trong giải quyết vụ án.

Trong thực tiễn hiện nay, các vấn đề về tranh chấp của người tiêu dùng dịch vụ tài chính diễn ra thường xuyên, nhưng các vụ án giá trị nhỏ, trong khi Luật quy định một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đó là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là nếu giao dịch có giá trị 101 triệu đồng sẽ không được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, tính chất của vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào tình tiết của vụ án, chứng cứ của vụ án có đầy đủ, rõ ràng hay không. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp, giá trị tranh chấp chỉ vài triệu đồng, nhưng tình tiết của vụ án hết sức phức tạp, chứng cứ không đầy rõ ràng, đầy đủ, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận bằng miệng và cho đến nay không thừa nhận các nghĩa vụ đã cam kết, cho nên không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp.

4. Giải pháp hoàn thiện thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính

Trước những rủi ro và khả năng bị xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính, cùng với sự chưa hoàn chỉnh của khung pháp lý về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng dịch vụ tài chính nói riêng, việc hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Ngoài ra, do thủ tục phức tạp, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên việc hoàn thiện pháp luật về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính cần có sự tham vấn của nhiều cơ quan, tổ chức. Chính vì lẽ đó, tác giả đề xuất một số gợi ý hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện cơ chế giải quyết các tranh chấp, thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh công tác xử lý tranh chấp trong lĩnh vực tiêu dùng dịch vụ tài chính, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện của người tiêu dùng sản phẩm tài chính, tăng cường giải quyết các tranh chấp có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện của người tiêu dùng sản phẩm tài chính theo trình tự: (i) Định chế tài chính có cơ chế về quy trình, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các khiếu kiện của khách hàng; (ii) Nếu định chế tài chính và người tiêu dùng không giải quyết tranh chấp thì họ có thể chuyển sang Tòa án để giải quyết; (iii) Phát huy vai trò và hiệu quả của hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế như Thanh tra tài chính hoặc Dịch vụ hòa giải để hỗ trợ các bên trong giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Cần tăng cường tính nghiêm khắc của các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những quy định về bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính gây ra.

Thứ hai, cần rà soát các điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang quy định chung chung về việc này, do đó các nhà làm luật cần nghiên cứu thêm về quy định điều kiện cụ thể được áp dụng thủ tục rút gọn. Đồng thời, căn cứ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn để giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn phải được quy định dẫn chiếu để áp dụng sang Bộ luật Tố tụng dân sự mới có cơ sở để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát sinh những tình huống mới, không còn đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, thì cần quy định quay lại thủ tục thông thường và việc này phải được luật quy định.

Thứ ba, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát. Đối với vấn đề này, các cơ quan nhà nước cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng đối với Chính phủ và coi đó là nhiệm vụ cốt lõi dưới vai trò quản lý nhà nước trong việc duy trì ổn định tài chính. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể cân nhắc: (i) Xây dựng một cơ chế quản lý, giám sát cụ thể nhằm xử lý kịp thời hiệu quả vấn đề tiêu dùng tài chính; (ii) Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trung gian trong việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng tài chính; (iii) Đảm bảo việc quản lý đồng đều đối các phân khúc trong tiêu dùng tài chính cũng như đối với các vùng, miền, địa phương sử dụng sản phẩm dịch, dịch vụ tài chính.

Thứ tư, cần tăng cường phổ biến, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết và thủ tục giải quyết tranh chấp cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính.

Các cơ quan quản lý nhà nước không thể bảo vệ một người dân một cách tuyệt đối trước các rủi ro từ thị trường tài chính. Việc tự bảo vệ và nâng cao kiến thức khi có tranh chấp xảy ra là cần thiết và góp phần không nhỏ trong việc hạn chế rủi ro. Chính vì vậy, trong thời điểm phát triển công nghệ như hiện nay, việc xây dựng một chương trình, chiến lược tổng thể, dài hạn về giáo dục và tăng cường hiểu biết tài chính rất cần thiết. Đa dạng hóa hình thức và các kênh giáo dục tuyên truyền, phổ biến để nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng tài chính, cách thức giải quyết các tranh chấp theo thủ tục rút gọn, đưa ra được quyết định tài chính đúng đắn, phù hợp với nhu cầu, khả năng và tối đa hóa lợi ích. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý, giám sát tài chính trong giáo dục và nâng cao hiểu biết tài chính cho người tiêu dùng tài chính.

Thứ năm, cần thành lập cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Tài chính là một lĩnh vực đặc thù liên quan đến sự lưu thông tiền tệ quốc gia. Khi lĩnh vực này có những diễn biến không tốt, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, nhu cầu cần có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực này là thực sự cần thiết. Để thực sự có quyền năng thực thi việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cơ quan này cần phải có thẩm quyền nhất định, hoạt động khách quan và độc lập, có đủ quyền lực, nguồn lực và năng lực trong việc giám sát và chịu trách nhiệm đề xuất các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh đó, cơ quan này nên có quyền hợp tác với các cơ quan giám sát dịch vụ tài chính quốc tế để thường xuyên nắm bắt và cập nhật được những vấn đề mới của thị trường tài chính, từ đó đi đầu trong việc điều chỉnh các quy định ở trong nước cho phù hợp, hoặc giúp điều tiết các giao dịch tài chính mang tính quốc tế, hoặc xuyên biên giới một cách thuận lợi. Cơ quan chuyên trách này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống các quy định và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính phù hợp.

5. Kết luận

   Thông qua thực trạng pháp luật về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính ở Việt Nam hiện nay cho thấy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân người tiêu dùng, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với sự ổn định và phát triển của thị trường tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nền tảng pháp lý đối với lĩnh vực này còn hạn chế, chưa có luật riêng biệt, cũng như chưa có một cơ quan quản lý chuyên trách chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Qua đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính, nhằm hướng tới một tương lai người tiêu dùng tài chính được bảo vệ an toàn, các thủ tục khi có tranh chấp xảy ra được giải quyết phù hợp, nhanh gọn và triệt để, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường tài chính Việt Nam.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]  World Bank (2017). Good Practices for Financial Consumer Protection: 2017 Edition. Avaiable at:https://openknowledge.worldbank.org/entities/publication/ff9c9482-5ffe-5c98-b6f3-5b97eeab5ed1

[2] Akerlof, G.A. (1978). The market for “lemons”: Quality uncertainty and the market mechanism. In Uncertainty in economics (pp. 235-251). USA: Academic Press.

[3] OECD (2018). G20/OECD Policy Guidance on Financial Consumer Protection Approaches in the Digital Age. Financial Consumer Protection 17. Approaches in the Digital Ages. Paris: OECD.

[4] Worldbank (2017b). Global Financial Inclusion and Consumer Protection (FICP) Survey. Washington DC: WB.

[5]  Điều 41, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

[6]  Dương Bá Hải và nhóm nghiên cứu (2022). Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM220015.

[7] Bkav (trước đây là Bách Khoa Antivirus) là một phần mềm diệt virus được phát triển bởi công ty cổ phần Bkav. Truy cập tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Bkav

[8] Lan Hương (2023). Áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng”, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Truy cập tại: https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=73138&CategoryId=0.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
  2. Quốc hội (2022). Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
  3. World Bank (2017). Good practices for financial consumer protection. USA: 2017 Edition.
  4. Công ty Cổ phần Bkav. Bkav (trước đây là Bách Khoa Antivirus) là một phần mềm diệt virus. Truy cập tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Bkav.
  5. Dương Bá Hải và nhóm nghiên cứu (2022). Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM220015.
  6. Hoàng Thị Thu Hiền - Nguyễn Thị Vân (2020). Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-tai-chinh-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap-32469.html.
  7. Lưu Minh Sang (2023). Khoảng trống trong “tâm khiên” bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/khoang-trong-trong-tam-khien-bao-ve-nguoi-tieu-dung-tai-chinh/.
  8. Lê Hồng Thái (2023). Sự cần thiết hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính ở Việt Nam và một số quan điểm kiến nghị. Truy cập tại: https://thitruongtaichinhtiente.vn/su-can-thiet-hoan-thien-phap-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tai-chinh-o-viet-nam-va-mot-so-quan-diem-kien-nghi-44228.html.
  9. Nguyễn Trọng Điệp (2015). Tố tụng rút gọn trong giải quyết tranh chấp tiêu dùng. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 31, số 2 (2015).
  10. Vũ Hoàng Anh (2021). Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Tạp chí Khoa học Kiểm sát, Số 1.

 

Discussion of simplified procedures in dispute settlement

to protect consumers who use financial services in Vietnam

Van Pham Kim Xuyen

Chairman, the Board of Directors of Viet Nhat Preschool  

Abstract:

This paper analyzes and evaluates current legal provisions on simplified procedures for resolving disputes over the rights of financial service consumers. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to develop and complete the simplified procedures for dispute settlement to better protect consumers who use financial services in Vietnam.

Keywords: financial services consumers, rights protection, dispute resolution, simplified procedures.