“Binh chủng” tuyên truyền trong Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Hoạt động tuyên truyền thổi bùng lên khát vọng cháy bỏng của doanh nghiệp Việt Nam làm ra những sản phẩm làm nên giá trị thương hiệu Việt, chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Nhận thức đúng hơn về hàng Việt

Đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động được Bộ Công Thương xác định là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được ban hành hàng năm.

tu hao hang viet nam
Đạp xe diễu hành - một hình thức cổ động trực quan trong Chương trình Tự hào hàng Việt Nam

 

10 năm qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông tích cực cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành như các báo, tạp chí, truyền hình tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động. Vì vậy số lượng tin, bài được duy trì đều đặn, thông tin truyền tải ngày càng chuyên sâu và có tính định hướng cao. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tổ chức tốt nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về địa bàn thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời có sự kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.

Với lợi thế mạng lưới thông tin, tuyên truyền rộng rãi, các thông tin liên quan đến việc thực hiện Cuộc vận động do Bộ cung cấp đã giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình rộng rãi trên cả nước (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa); phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng thương hiệu; cam kết bảo vệ người tiêu dùng; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng thế mạnh của Việt Nam. Công tác tuyên truyền cũng góp phần quan trọng giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có thể thấy, công tác thông tin, tuyên truyền đã giúp Cuộc vận động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động không nhỏ làm thay đổi hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong nước và cả trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện hàng năm, Bộ Công Thương tuyên truyền trong tập thể cán bộ, công chức, công nhân viên, lao động trong Bộ và trong sinh viên, học viên của các trường trực thuộc Bộ đẩy mạnh phong trào hưởng ứng Cuộc vận động. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền còn được thông qua các tổ chức chính trị-xã hội như Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, và thông qua các hoạt động tôn vinh các sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt tiêu biểu gắn với Cuộc vận động.

Đặc biệt, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức thường niên là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái để trong đó, các doanh nghiệp kết nối và chia sẻ nhằm phát triển sản phẩm, phát triển thị trường.

Từ Chương trình, có nhiều triệu người Việt Nam tiếp cận được với thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nhiều triệu bao nhiêu thuê bao di động tải nhạc chờ bài hát “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hàng trăm ngàn lượt thanh niên tình nguyện tham gia hoạt động diễu hành cổ vũ hàng Việt  tại các tỉnh, thành phố; tạo ra hàng triệu lượt tương tác trên trang Website, trang Fanpage, kênh Youtube, trò chơi trực tuyến của Chương trình nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết về các doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu Việt Nam.

Khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt

Một trong những đối tượng của tuyên truyền là hướng tới doanh nghiệp Việt trong nhận thức tầm quan trọng của thị trường nội địa; trong nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh; trong liên kết, sử dụng chuỗi giá trị từ trong nước.

Điển hình là việc tuyên truyền, phổ biến danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Năm 2010, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 21/CT-BCT về việc thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu và Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28 tháng 5 năm 2010 ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Từ đó đến nay, Danh mục này hàng năm liên tục được cập nhật, bổ xung, tổng hợp, đăng tải trên Website của Bộ để phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng.

Máy biến áp 220 kV của Công ty Thiết bị điện Đông Anh được dùng để cung cấp cho ngành điện

 

Cho đến nay, công tác sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được đã góp phần thay đổi nhận thức của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được trong đầu tư cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các đơn vị sử dụng vốn nhà nước.  Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp đã quan tâm và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm ưu tiên sử dụng dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời, nhiều đơn vị đã đưa nội dung sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được vào công tác xây dựng kế hoạch hàng năm để sử dụng các sản phẩm trong nội bộ của Tập đoàn, Tổng công ty và sản phẩm của các doanh nghiệp khác trong nước.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư và phát triển sản phẩm để cung cấp trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia đấu thầu các dự án... đã đăng ký vào Danh mục do Bộ Công Thương ban hành, như sản phẩm Máy biến áp 220KV của Công ty Thiết bị điện Đông Anh đã cung cấp cho ngành điện, để triển khai Tổng sơ đồ VII, hệ thống SCADA của Công ty ATS, Hệ thống SCADA quan trắc khí mê tan tự động tập trung của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, ..... Điều này tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm trong Danh mục có cở sở thuận lợi hơn khi tham gia đấu thầu bán các sản phẩm của mình trong các dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và xã hội.

Những hoạt động tuyên truyền nói trên, không chỉ góp phần quan trọng giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, mà còn thổi bùng lên khát vọng cháy bỏng của doanh nghiệp Việt Nam làm ra những sản phẩm làm nên giá trị thương hiệu Việt, chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Hoàng Trung