Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh 2018

Bài nghiên cứu "Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh 2018" do ThS. Phan Thị Thanh Huyền (Giảng viên Khoa Lý luận Chính trị - Luật, Trường Đại học Hồng Đức) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết đề cập đến các khía cạnh pháp lý của quy định về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018, bao gồm: khái niệm chung, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng và nghĩa vụ thông báo. Trên cơ sở phân tích các nội dung pháp lý này, tác giả chỉ ra những bất cập trong quy định của Luật Cạnh tranh 2018 về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định này.

Từ khóa: thỏa thuận, hạn chế cạnh tranh bị cấm, hoàn thiện Luật Cạnh tranh.

1. Đặt vấn đề

Trong xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, việc các rào cản thương mại dần bị loại bỏ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã dẫn đến sự xuất hiện các yếu tố cạnh tranh mới ngày càng gay gắt. Cạnh tranh gây áp lực không nhỏ lên sự phát triển của doanh nghiệp, làm suy giảm lợi nhuận và tăng chi phí kinh doanh. Vì vậy, một số doanh nghiệp tìm cách liên kết, thỏa thuận với nhau về các yếu tố như giá cả, sản lượng, thị trường, khách hàng… để gia tăng năng lực khống chế thị trường, giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Luật pháp các quốc gia gọi chúng là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Hậu quả của nó là sự bóp méo môi trường tự do cạnh tranh, thay đổi cán cân cung - cầu, phá vỡ sự điều tiết của nền kinh tế thị trường. Do đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh công bằng, vì lợi ích của người tiêu dùng và duy trì tính hiệu quả của việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực kinh tế.

2. Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Theo Từ điển Tiếng Việt, thỏa thuận là “đồng ý với nhau về điều nào đó có quan hệ đến các bên, sau khi đã bàn bạc”.

Dưới góc độ pháp lý, Luật Cạnh tranh 2004 không đưa ra định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, tại Nghị định số 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được điều chỉnh chi tiết theo một quan điểm chung, đó là sự “thống nhất cùng hành động” giữa các doanh nghiệp. Như vậy, thuật ngữ “thỏa thuận” trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh không chỉ mang nghĩa là sự đồng ý về mặt quan điểm, mà còn gắn liền với phương hướng hành động của các bên tham gia.

“Thỏa thuận” trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng không đồng nhất với hợp đồng. Khái niệm hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các thỏa thuận này có giá trị pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên và được pháp luật bảo hộ.

cạnh tranh
Luật Cạnh tranh 2018 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Luật Cạnh tranh năm 2018 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Khoản 4 Điều 3, theo đó: “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

Với định nghĩa này, thuật ngữ “thỏa thuận” được hiểu theo nghĩa rộng là sự thỏa thuận “dưới mọi hình thức”. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên với nhau, liên quan đến một hoặc một số yếu tố của thị trường, với mục đích hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, các bên cũng có thể gián tiếp đạt được sự thỏa thuận thông qua các nghị quyết, quyết định hay hành động chung của hiệp hội mà các bên là thành viên. Một hình thức khác của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là dạng các cam kết tuân thủ hay đáp ứng những yêu cầu do một hoặc một số bên đặt ra.

Hậu quả của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”. Đó là sự hạn chế hành động của các bên tham gia cam kết liên quan đến hành vi của họ trên thị trường liên quan đến các thông số cạnh tranh như giá cả, điều kiện, giảm giá, dịch vụ, quảng cáo,… Ngoài ra, đó còn là sự hạn chế quyền lựa chọn của các chủ thể tham gia thị trường khác, đặc biệt là người tiêu dùng.

3. Mục đích của việc cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Cạnh tranh là yếu tố trung tâm trong nền kinh tế thị trường. Tính hiệu quả của cạnh tranh chỉ có thể đạt được nếu doanh nghiệp, với tư cách là tác nhân thị trường, hành xử độc lập với đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp và khách hàng. Mặc dù doanh nghiệp được tự do áp dụng các chính sách kinh doanh để ứng phó với hành vi của đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp sử dụng (hoặc lạm dụng) quyền tự do hợp đồng của mình để loại bỏ khả năng tự do cạnh tranh với nhau, hoặc của doanh nghiệp khác, thì tính chất cạnh tranh của thị trường sẽ bị bóp méo và mất đi hiệu quả.   

Để đảm bảo tính độc lập trong việc áp dụng các chính sách kinh doanh, việc cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là nhằm mục đích ngăn chặn các doanh nghiệp lạm dụng quyền tự do hợp đồng để từ bỏ khả năng cạnh tranh tự do với nhau (tức là cạnh tranh độc lập) bằng cách tự nguyện hạn chế các nguồn lực cạnh tranh của họ về giá cả, điều kiện, dịch vụ, sự lựa chọn của người tiêu dùng hay quảng cáo… do đó loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh hiệu quả.

4. Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo Luật Cạnh tranh 2018

Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 đã nêu ra 10 trường hợp cụ thể để xác định một hành vi là hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, gồm:

- 1. Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

- 2. Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- 3. Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- 4. Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- 5. Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

- 6. Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

- 7. Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.

- 8. Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

- 9. Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

- 10. Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

Ngoài 10 trường hợp cụ thể trên, tại khoản 11 Điều này còn quy định thêm, những thỏa thuận khác mà gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh cũng được xem là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải bất kỳ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nào cũng được xem là hành vi vi phạm pháp luật, mà chỉ những hành vi thuộc trường hợp bị cấm tại Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018 mới bị coi là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh.

Căn cứ theo Điều 12 Luật Cạnh tranh năm 2018, có thể chia các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thành 3 nhóm sau:

Nhóm 1: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm mặc nhiên. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại Khoản 1, 2, 3 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 bị cấm khi các doanh nghiệp tham gia có cùng thị trường liên quan mà không cần đánh giá tác động hay khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Nhóm 2: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tuyệt đối. Các hành vi quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 11 Luật Cạnh tranh năm 2018 là những hành vi bị cấm tuyệt đối, không kể doanh nghiệp thực hiện hành vi có cùng thị trường liên quan hay không. Các thỏa thuận này luôn gây tác động xấu đến môi trường cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và bên thứ ba liên quan. Luật Cạnh tranh 2018 không tiếp cận kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như Luật cũ, mà kiểm soát hành vi trên cơ sở bản chất, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi.

Nhóm 3: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có điều kiện. Ngoài các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thuộc 2 nhóm trên, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh còn lại chỉ bị cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, lúc này pháp luật cạnh tranh mới cần phải can thiệp. Tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cách đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định cụ thể tại Điều 13 của Luật Cạnh tranh năm 2018 và được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh 2018 đưa ra quy định nghiêm cấm toàn diện và sâu rộng đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Phạm vi cấm của các quy định này không chỉ giới hạn ở những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vốn là đối thủ cạnh tranh ở cùng cấp độ của chuỗi sản xuất và phân phối (hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang, các-ten), mà còn bao gồm các thỏa thuận giữa các doanh nghiệp là các doanh nghiệp ở các cấp độ khác nhau của chuỗi sản xuất hoặc phân phối (hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc). So với Luật Cạnh tranh năm 2004, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong Luật Cạnh tranh năm 2018 được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn cũng như mở rộng phạm vi áp dụng.

Luật Cạnh tranh năm 2018 cũng bổ sung nội dung đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường của các hành vi thỏa thuận bị cấm trên cơ sở đánh giá tác động, để từ đó xác định hành vi có vi phạm hay không. Đồng thời, việc sửa đổi theo hướng cấm mặc nhiên đối với những hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng sẽ phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, cũng như giúp gỡ bỏ gánh nặng chứng minh đối với cơ quan cạnh tranh trong việc xác định thị trường liên quan, sức mạnh thị trường và tác động của hành vi, từ đó tiết kiệm chi phí, phân bổ hiệu quả nguồn lực thực thi pháp luật cạnh tranh.

5. Quy tắc xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018

Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm ở Điều 12 hiện nay được xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP. Theo đó, biện pháp căn bản là xử phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Nghị định cũng nêu biện pháp khắc phục hậu quả đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, đó là buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh. Với cách quy định này có thể hiểu Nghị định quy định theo hướng coi những nội dung trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là vô hiệu. Tuy nhiên, Luật không quy định rõ các điều khoản này là “vô hiệu”, nên có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau.

Rõ ràng, việc tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là để đem lại lợi ích cho các bên tham gia thỏa thuận. Nhưng mức độ tham gia của các doanh nghiệp vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và vai trò của các bên trong thỏa thuận, cũng như mức độ thụ hưởng lợi ích từ thỏa thuận này đối với từng thành viên trong nhiều trường hợp là không ngang bằng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên tâm thế bị động. Không hiếm những trường hợp doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh vì sợ trở thành nạn nhân của chính các thỏa thuận đó, sợ bị “tẩy chay”, hoặc bị phụ thuộc lợi ích vào các “ông lớn” trong ngành. Các tình huống này đã được dự liệu trong Điều 5 của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ làm căn cứ áp dụng mức xử phạt.

Ngoài cơ chế xử lý hành chính, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh còn có thể bị xử lý bằng con đường hình sự khi thỏa mãn cấu thành Tội vi phạm quy định về cạnh tranh theo Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015.

6. Miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

Mặc dù thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gây tác động phản cạnh tranh, trong nhiều trường hợp, vẫn có những thỏa thuận mà lợi ích do các thỏa thuận này đem lại có thể lớn hơn những bất lợi do hạn chế cạnh tranh gây ra xét trên bình diện thị trường. Đối với những thỏa thuận này, Luật Cạnh tranh 2018 đưa đến cho các chủ thể tham gia một cơ hội thoát khỏi chế tài xử phạt. Đó là các quy định về miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Để được hưởng miễn trừ, Luật Cạnh tranh 2018 quy định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải đáp ứng được một trong các điều kiện quy định tại Điều 14 và trong mọi trường hợp, doanh nghiệp phải chứng minh được thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Các quy định miễn trừ không áp dụng với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại khoản 4,5,6 Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018. Thời hạn miễn trừ được Luật Cạnh tranh 2018 xác định rõ là không quá 5 năm kể từ ngày ra quyết định được hưởng miễn trừ.

7. Một số bất cập trong các quy định của pháp luật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và kiến nghị

Thứ nhất, bất cập trong quy định về hưởng miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Việc Luật Cạnh tranh 2018 vẫn cho 3 loại thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều 12, gồm: thỏa thuận ấn định giá, thỏa thuận phân chia thị trường, thỏa thuận hạn chế sản lượng được hưởng miễn trừ là chưa thực sự hợp lý. Theo thông lệ quốc tế, các thỏa thuận này được xác định là luôn có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể và do đó phải bị cấm tuyệt đối mà không được hưởng miễn trừ. Các thỏa thuận này về cơ bản chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và luôn gây bất lợi cho người tiêu dùng, vì thế cần được xem xét theo hướng không cho hưởng miễn trừ.

Mặt khác, các quy định về miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế của các thỏa thuận này đối với thị trường và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể nào làm căn cứ đánh giá các lợi ích này được quy định trong Luật, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan có thẩm quyền thực thi.

Thứ hai, về vấn đề xử lý các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm. Như đã phân tích ở trên, Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định theo hướng coi những nội dung trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là vô hiệu, nhưng lại không quy định rõ tính chất “vô hiệu”, khiến việc dẫn chiếu sang Luật Dân sự để giải quyết hậu quả của việc loại bỏ các điều khoản này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này dẫn đến nguy cơ không bảo vệ được quyền lợi ích chính đáng của bên bị thiệt hại do các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gây ra. Thiết nghĩ, cần xác định rõ hậu quả vô hiệu của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và cơ chế xử lý các thỏa thuận này đối với các bên liên quan.

Thứ ba, hiện nay, quy định của Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về cạnh tranh đang dựa trên các dấu hiệu của các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được mô tả trong Luật Cạnh tranh 2004, do đó bộc lộ nhiều điểm bất cập. Cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 theo hướng tương thích với các quy định của Luật Cạnh tranh 2018 để đảm bảo tính thống nhất trong xử lý với loại hành vi này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Phê (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
  2. Chính phủ (2005). Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh 2004.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự 2015.
  4. Quốc hội (2018). Luật Cạnh tranh 2018.
  5. Chính phủ (2019). Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
  6. Chính phủ (2020). Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2018.

Regulations on prohibited competition restriction agreements under the 2018 Law on Competition

Master. Phan Thi Thanh Huyen

Lecturer, Faculty of Political Theory - Law, Hong Duc University

ABSTRACT:

This paper presents legal aspects of regulations on prohibited competition restriction agreements in according to the 2018 Law on Competition, including: general concepts, cases of contract liability exemption, and notification obligations. The paper also points out the shortcomings in the 2018 Law on Competition’s current regulations on prohibited competition restriction agreements. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve these regulations.

Keywords: agreement, prohibited competition restriction, perfecting the Law on Competition.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương