Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại: Cần một giải pháp đồng bộ

LTS: Tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đang diễn biến hết sức phức tạp trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ngày 15/5/2009, Thủ tướng Chí

PV: Xin ông cho biết, diễn biến của tình hình và những việc làm cụ thể của ngành Công Thương trong việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng,  yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại?

Ông Hoàng Minh Tuấn: Từ tháng 10/2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, làm cho sản xuất, kinh doanh trong nước giảm sút. Lợi dụng chính sách kích cầu của Chính phủ, các loại hàng hoá giá rẻ, kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP… đã thâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau, tập trung nhiều nhất là các mặt hàng điện tử gia dụng, điện thoại di động, lương thực thực phẩm đã chế biến, hoá mỹ phẩm, sắt xây dựng, kính xây dựng, giấy viết… gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2009 tại văn bản số 3129/VPCP-KNTN ngày 15 tháng 5 năm 2009, Ban Chỉ đạo 127/TW đã và đang triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Tập trung xây dựng Chương trình hành động quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó có các đề án triển khai cụ thể về rà soát chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách có liên quan đến công tác này; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát; xây dựng đề án cụ thể về tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng và trang thiết bị... cho các lực lượng chức năng.

- Hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, thay thế những quy định tại Quyết định số 96/TTg ngày 18 tháng 02 năm 1995.

- Yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Đối với Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Trước mắt, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống hàng giả, hàng kém chất lượng buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc niêm yết giá,  để phục vụ các giải pháp kích cầu của Chính phủ theo Kế hoạch số 34/KH-QLTT ngày 28/4/2009 của Ban Chỉ đạo 127/TW;

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống nhập lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng trọng điểm, như: pháo nổ, vũ khí, động vật quý hiếm, kính xây dựng, rượu ngoại, bia, đường kính, giấy, đồ điện tử, điện thoại di động, xe đạp điện, tiền giả; chống xuất lậu than, các loại quặng, gỗ quý hiếm trên các tuyến biên giới, đất liền và các địa bàn trọng điểm.

- Làm tốt công tác dự báo, chủ động nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả hàng hoá, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu: gạo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, sắt thép, xi măng, than, đường, giấy, muối... phát hiện những vấn đề bức xúc, để kịp thời có giải pháp đối phó, xử lý.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các phương án chống buôn lậu đối với mặt hàng thuốc lá, gia súc-gia cầm, gỗ, xăng dầu, sắt thép; kiểm tra kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và hàng công nghiệp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, giống cây trồng vật nuôi theo các Phương án số 14, 15, 16, 17, 52, 53, 54 của Ban Chỉ đạo 127/TW.

Các cơ quan quản lý nhà nước khác, như các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông-Vận tải, Thông tin-Truyền thông... tuỳ theo chức năng của mình, cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể trong việc phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại.

PV: Các tuyến biên giới bao giờ cũng là những điểm nóng của hàng nhập lậu, hàng giả. Các cơ quan chức năng của ngành Công Thương đã có những giải pháp gì để đối phó với tình hình trên?

Ông Hoàng Minh Tuấn: Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 127-TW, Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát trên các mặt: chống buôn bán hàng lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Kịp thời xử lý các vi phạm trong buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả và kinh doanh trái phép. Trên các tuyến biên giới, lực lượng Quản lý thị trường với vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và địa phương đã thường xuyên phát huy vai trò chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng: Hải quan, Biên phòng… kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới, ngăn chặn sự xâm nhập của hàng lậu, hàng giả. Đặc biệt trong năm 2009, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Chống nhập lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng trọng điểm, như đã nói ở trên; chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, gas, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp và những loại hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khoẻ con người, môi sinh môi trường.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới trên biển, trên đất liền, nơi buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp như ở biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ, các khu kinh tế cửa khẩu, trên tuyến hàng không - bưu điện, việc vận chuyển hàng hoá bằng container.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, để đối phó với những thủ đoạn tinh vi trong buôn lậu và gian lận thương mại, lực lượng Quản lí thị trường đã có những đổi mới gì  về tổ chức, lực lượng và giải pháp thực hiện?

Ông Hoàng Minh Tuấn: Các hoạt động về hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khó lường. Trước tình hình đó, lực lượng Quản lý thị trường đã có những đổi mới trong tổ chức, lực lượng và phương thức tiến hành để có thể đối phó với tình hình hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Cụ thể:

- Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông qua việc không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ, kết hợp với việc đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành. Gấp rút cụ thể hoá các quy định của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của lực lượng Quản lý thị trường, nhằm quản lý chặt chẽ công chức được tuyển vào ngành, tuyển lựa cán bộ, công chức có năng lực, trình độ phẩm chất, đạo đức vào các khâu trọng yếu trong hoạt động kiểm tra, vào các cương vị lãnh đạo.

- Giải quyết những khó khăn, vướng mắc về kinh phí, phương tiện, điều kiện làm việc cho lực lượng Quản lý thị trường, tiến tới xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, tổ chức chặt chẽ, từng bước trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, xử lý trong điều kiện hội nhập. Hiện Cục Quản lý thị trường đang xây dựng Đề án nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát thị trường.

- Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng Quản lý thị trường cũng như trong các chương trình chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.

PV: Xin cảm ơn ông.