Dệt may Thành Công (TCM) chi gần 500 tỷ đồng M&A doanh nghiệp dệt may

Dệt may Thành Công (mã cổ phiếu TCM) vừa quyết định chi gần 500 tỷ đồng để mua lại một dự án dệt may trong bối cảnh kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh.
Dệt may Thành Công
Lãi ròng 2 tháng đầu năm nay của Dệt may Thành Công ước tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) đã thông qua việc mua lại dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá 468 tỷ đồng.

Theo đó, Dệt may Thành Công sẽ mua lại toàn bộ tài sản và quyền triển khai dự án đầu tư, bao gồm công trình xây dựng gắn liền với đất, thiết bị máy móc, hàng tồn kho, tiếp nhận khách hàng và tiếp tục khai thác thị phần của bên chuyển nhượng.

Dệt may SY Vina được thành lập vào tháng 4/1997, thuộc sở hữu 100% của E-land Asia. Đáng chú ý, E-land cũng chính là cổ đông lớn nhất hiện nay của Dệt may Thành Công, nắm giữ 43,5 triệu cổ phiếu TCM, tương đương 47% vốn điều lệ.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 2 tháng đầu năm 2024, Dệt may Thành Công ước đạt 25,19 triệu USD doanh thu và 1,65 triệu USD lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 19% mục tiêu doanh thu và 25% mục tiêu lợi nhuận năm nay.

Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu ước tính cho đơn hàng quý 1/2024 của công ty đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 2/2024.

Với tình hình đơn hàng hiện tại, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công tự tin khẳng định có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm nay. Trong năm nay, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 12% và 21% so với mức nền thấp của năm 2023.

Doanh nghiệp dệt may này cũng đang hướng đến việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính bền vững, giá trị cao nhằm mở rộng quy mô khách hàng và thị trường để gia tăng doanh thu xuất khẩu.

Về vấn đề căng thẳng tại Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng vọt, đe doạ chuỗi cung ứng toàn cầu, ban lãnh đạo Dệt may Thành Công khẳng định tình hình xuất nhập khẩu của công ty vẫn đang diễn ra bình thường và không gặp rào cản hay khó khăn nào về ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Biển Đỏ.

Giá cổ phiếu TCM Dệt may Thành Công
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "VinaCapital: Đơn hàng cho dệt may năm nay tích cực hơn nhưng sẽ bị chia nhỏ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện Dệt may Thành Công xuất khẩu chủ yếu theo điều kiện FOB và nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa theo điều kiện CIF vậy nên tình hình khủng hoảng Biển Đỏ trong thời gian qua ít ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng của công ty.

Trong một diễn biến liên quan, Dệt may Thành Công dự kiến sẽ trình cổ đông xem xét và thông qua phương án thưởng cổ phiếu cho cổ đông theo tỷ lệ 100:10, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu TCM sẽ được nhận 10 cổ phiếu.

Theo đó, Dệt may Thành Công dự kiến sẽ phát hành hơn 9,25 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên gần 1.020 tỷ đồng. Nếu kế hoạch trên được thông qua, đây sẽ là năm thứ 6 liên tiếp, doanh nghiệp dệt may này thưởng cổ phiếu cho cổ đông.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 21/3, thị giá cổ phiếu TCM đạt 46.150 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang