Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tham gia ngành thức ăn chăn nuôi

Cùng với sự lên ngôi của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây, sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi đang là ngành được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, tiến hành đầu tư.
Thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hiện có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD/năm và có tốc độ phát triển tương đối nhanh, đạt trung bình từ 13% - 15%/năm (theo Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam).
Theo số liệu thu thập của Tạp chí Công Thương, tổng lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2014 đạt 14,1 triệu tấn, đứng thứ 17 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khối ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc tại Việt Nam sẽ lên tới 25 - 26 triệu tấn/năm vào năm 2020 với quy mô thị trường vượt ngưỡng chục tỷ USD.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam giai đoạn 2005 - 2013(Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)
Mặc dù có tiềm năng phát triển tốt, lợi nhuận cao nhưng thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam từ trước đến nay đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến Thức ăn Chăn nuôi thành phẩm công nghiệp cho gia súc và gia cầm, trong đó 180 nhà máy thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam, 59 nhà máy thuộc về các doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, xét về cơ cấu sản lượng thì sản lượng từ các nhà máy thuộc khối liên doanh và 100% vốn nước ngoài chiếm đến 65% tổng sản lượng cả nước.

Đứng đầu thị trường thức ăn chăn nuôi hiện nay là Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn C.P, Thái Lan) với 19,42% tổng sản lượng sản xuất ra thị trường, tiếp sau là Công ty TNHH Cargill Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cargill, Hoa Kỳ) với 8,11%. Các vị trí còn lại thuộc về các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài của Pháp, Malaysia, Hàn Quốc… Như vậy, chỉ riêng hai doanh nghiệp đầu ngành là Công ty CP và Công ty Cargill đã chiếm gần 30% thị trường thức ăn chăn nuôi của cả nước. Hầu hết các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đều phát triển thêm hoạt động chăn nuôi, các doanh nghiếp sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài chỉ giữ lại khoảng 10% sản lượng sản xuất để phục vụ hoạt động chăn nuôi gia công; toàn bộ lượng sản phẩm còn lại được bán ra thị trường.

Trong số 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có thị phần lớn nhất thì chỉ có Tập đoàn DABACO Việt Nam và Tổng Công ty VINA là doanh nghiệp Việt Nam với thị phần khiêm tốn lần lượt là 3% và 2%.

Thị phần của các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Công ty CP hiện có 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc - gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với tổng công suất khoảng 3,8 triệu tấn/năm; Công ty Cargill cũng có 9 nhà máy sản xuất với tổng công suất đạt 1,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, năng lực sản xuất của Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam và Tổng Công ty Vina chỉ lần lượt đạt xấp xỉ 800.000 tấn/năm và 480.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện yếu cả về quy mô sản xuất, hệ thống phân phối cũng như năng lực điều hành quản lý kinh doanh.

Không chỉ vượt trội về thị phần, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia khi vào Việt Nam đều có chiến lược kinh doanh hết sức bài bản: đầu tiên là cung cấp thức ăn, con giống, sau đó là thiết lập các trang trại chăn nuôi, xây dựng nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối, tạo thành chuỗi khép kín 3F (Farm - Factory - Food). Các doanh nghiệp trong nước phần lớn chỉ tham gia được 1-2 khâu trong chuỗi này.

Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam hấp dẫn đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia như Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hoa Kỳ AFC (thuộc Tập đoàn Gold Coin, Hoa Kỳ) đưa nhà máy sản xuất thứ hai tại Hải Dương vào hoạt động (tháng 4/2014); Công ty TNHH De Heus Việt Nam khánh thành nhà máy thứ năm tại Vĩnh Phúc (tháng 3/2015). Công ty CP và Cargill cũng lên kế hoạch mở rộng các cửa hàng bán lẻ và đầu tư mới nhà máy tại Việt Nam.

Việc chiếm lĩnh thị phần lớn và hoạt động kinh doanh lấn lướt các doanh nghiệp Việt Nam khiến giá cả thức ăn chăn nuôi chịu tác động mạnh từ khối doanh nghiệp nước ngoài. Các sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam hiện cao hơn trung bình khoảng 20% so với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan.

Tuy nhiên, trong thời gian ngắn vừa qua, thị trường thức ăn chăn nuôi đã chứng kiến sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương và Tập đoàn Quang Minh.

Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát đã tuyên bố chính thức tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi với việc thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát có vốn điều lệ dự kiến 300 tỉ đồng và tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên. Theo kế hoạch, công suất nhà máy đầu tiên là 300.000 tấn/năm và sản phẩm của Hòa Phát sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 01/2016. Hòa Phát đặt thị phần mục tiêu sau 10 năm là 10% với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8.000 - 10.000 tỉ đồng.

Hòa Phát nhiều khả năng cũng sẽ đi theo mô hình của các doanh nghiệp nước ngoài như CP khi đầu tư theo dạng chuỗi, không chỉ giới hạn ở mảng thức ăn chăn nuôi mà sẽ tấn công mạnh sang cả lĩnh vực con giống, chế biến và phân phối (mô hình 3F). Sau đó, Hòa Phát tiếp tục thành lập công ty thứ hai, Công ty TNHH MTV Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai với 100% vốn của Tập đoàn Hòa Phát.

Đầu năm 2015, Tập đoàn Quang Minh đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đậu tương lên men - một loại thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hưng Yên. Đây là nhà máy sản xuất đậu tương lên men đầu tiên tại Việt Nam với quy mô đầu tư lớn cùng với hệ thống dây chuyển sản xuất tiên tiến. Với lợi thế là một trong những doanh nghiệp chủ đạo trong việc nhập khẩu đậu tương về Việt Nam, chủ động được khâu nguyên liệu, Tập đoàn Quang Minh đặt kỳ vọng đậu tương lên men sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường phụ gia thức ăn chăn nuôi trong nước.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương và Tập đoàn Masan lại đi theo con đường mua bán và sáp nhập (M&A) để thâm nhập thị trường thức ăn chăn nuôi. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương với xuất phát điểm là doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản đang tập trung phát triển thị trường ngách là thức ăn chăn nuôi thủy sản nhằm tận dụng triệt để thế mạnh của mình trong lĩnh vực thủy sản và tránh đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp lớn như CP, Cargil vốn chuyên về thức ăn gia súc, gia cầm.

Tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản kể từ năm 2007, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương đã kiên trì thu mua cổ phần các doanh nghiệp cùng ngành và nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương đang nắm 90,28% cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng. Công ty Việt Thắng hiện dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi cá tra tại Việt Nam với 14% thị phần. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương đang tiếp tục lên kế hoạch đầu tư mới vào Công ty Cổ phần Thức ăn thủy sản Hùng Vương Vĩnh Long và Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi Hùng Vương Cao Lãnh. Công ty Việt Thắng - đơn vị sản xuất thức ăn chủ lực của hệ thống Hùng Vương - có kế hoạch nâng công suất từ 480 nghìn tấn lên 800 nghìn tấn/năm trong năm nay.

Dự kiến với 4 công ty chuyên chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Vương sẽ đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm vào năm 2018 và doanh số có khả năng đạt từ 18.000 - 20.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Về phần Tập đoàn Masan, tập đoàn này đã có bước đi rất mạnh mẽ vào ngành thức ăn chăn nuôi khi công bố mua 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco) và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) vào tháng 4/2015 bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim (nay đổi tên thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science). Đây là hai doanh nghiệp hiện đứng thứ 3 và thứ 6 trong số 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Đáng lưu ý, trước đây, Tập đoàn Masan đã thành lập Masan Agri để mua 40% cổ phần của Proconco vào cuối năm 2012. Đến cuối năm 2014, Tập đoàn Masan tuyên bố đã thoái toàn bộ vốn khỏi Masan Agri và không còn lợi ích tại Proconco.

Thông qua việc chi phối sở hữu cổ phần tại Proconco và Anco, Tập đoàn Masan đã có thị phần cao thứ hai trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Việc kết hợp Proconco và Anco giúp Tập đoàn Masan trở thành đơn vị sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ hai ở Việt Nam, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường năm 2014 trên 1,7 triệu tấn. Công ty TNHH Masan Nutri-Science kỳ vọng sẽ phát triển mạng lưới phân phối lên 2.000 đại lý, 13 nhà máy và doanh thu cán mốc 1 tỷ USD vào cuối năm 2015 và đặt mục tiêu sẽ đạt được 50% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vào năm 2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong cuộc đua tham gia thị trường thức ăn chăn nuôi của khối doanh nghiệp Việt Nam thì Tập đoàn Masan có nhiều triển vọng vươn lên trở thành đối trọng với khối doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, ngoài thế mạnh về vốn và quy mô nhà máy, các doanh nghiệp FDI có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Do đó, cuộc cạnh tranh trên thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ ngày càng diễn ra gay gắt hơn.

Thanh Hà