Đồng bào Công giáo trong dòng chảy phát triển kinh tế

Có thể nói, các chương trình phát triển kinh tế và các phong trào thi đua yêu nước đều có sự chung tay đóng góp của đồng bào giáo dân. Nói một cách hình ảnh, đồng bào giáo dân ở 27 giáo phận trên cả nước là một nhánh quan trọng, hòa chung vào dòng chảy phát triển kinh tế xanh và bền vững nước ta.

cong giao

“Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”

Ở nước ta, người Công giáo chiếm 7% dân số cả nước. Từ khá lâu, một cách rất tự nhiên, các làng công giáo, xứ đạo đã có sự hội nhập tạo ra văn hóa tôn giáo Việt Nam với văn hóa công giáo phương Tây, tạo ra một dạng văn hóa Công giáo Việt Nam với những sắc thái riêng mang đậm tính dân tộc. Người Công giáo tích cực tham gia gìn giữ phong hóa trong làng xã, góp phần vào việc xây dựng tình nghĩa lương - giáo. Những quy ước đó giúp mỗi người dân tự kiểm soát được hành động của chính mình, đồng thời đề cao lối sống trách nhiệm với gia đình, xóm giềng, đoàn kết cộng đồng làng xã.

Trong lịch sử hiện đại, người Công giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, thể hiện qua 2 cuộc kháng chiến cứu quốc. Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đã tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Tiêu biểu như linh mục Phạm Bá Trực, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, linh mục Hồ Ngọc Cẩn, Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thanh Trinh…

Trong chống Mỹ cứu nước, hơn 5 vạn thanh niên Công giáo lên đường bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ và biết bao tấm gương hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều bà mẹ Công giáo được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Đó mãi mãi là những nét son trong lịch sử cứu nước vẻ vang của người Công giáo trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng bào Công giáo tiếp tục là một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân. Trong Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam khẳng định: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính: Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc; Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”

Thư chung năm 1980 cùng các thư chung tiếp theo của Hội đồng Giám mục Việt Nam xác định đường hướng “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”, đã khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, làm giàu cho quê hương đất nước phát triển mạnh mẽ của đồng bào Công giáo. Các phong trào “Sống tốt đời đẹp đạo”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói giảm nghèo” ở các giáo phận trên cả nước; “Thành phố 5 không, 3 có, 4 an” ở Đà Nẵng; “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, sống tốt đời, đẹp đạo” ở Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình; “Xây dựng xứ, họ đạo gương mẫu” ở Thái Bình; “Tiếng kẻng học bài” cho học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Nam Định, Thanh Hóa; “ "Mỗi người Công giáo Thủ đô là một công dân tốt” ở Hà Nội… được đồng bào Công giáo tích cực tham gia.

nông thôn mới
Nông thôn mới ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Hòa chung vào các phong trào

Các phong trào trên đã tập hợp đông đảo người Công giáo trong 27 giáo phận trên cả nước hướng tới những việc làm cụ thể và thiết thực. Đặc biệt, đồng bào Công giáo rất tích cực tham gia các phong trào do nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức, như Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông, khuyến ngư…

Nhiều năm lăn lộn với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia cầm, trăn trở lớn nhất của bà con giáo dân xã Phú Hòa, huyện Phú Vang, Đà Nẵng là làm sao vừa phát triển sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Vì thế, khi có chương trình khuyến nông giúp nông dân áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì bà con giáo dân ở đây đã chủ động tham gia. Mô hình nuôi gà thả vườn áp dụng an toàn sinh học, tuy vốn đầu tư chuồng trại không cao nhưng đàn gà lại có sức đề kháng tốt. Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình nhân giống gà địa phương quy mô nông hộ, chăn nuôi gà địa phương thả đồi, vườn theo hướng an toàn sinh học, xã Hòa Phú đã thành lập tổ hợp tác (THT ) chăn nuôi gà an toàn sinh học.

2 THT ra đời đã tạo cơ sở hỗ trợ các hộ chăn nuôi là thành viên THT trong khâu cung cấp con giống gà địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Bên cạnh đó, bà con giáo dân Hòa Phú cũng là một trong những xã được đánh giá cao về tính hiệu quả trong thực hiện “Mô hình nuôi heo đen sinh sản” do Hội nông dân huyện Hòa Vang phối hợp với chương trình khuyến nông tổ chức. Đây cũng là 1 trong những xã điểm trong triển khai thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới” của Đà Nẵng.

Theo đánh giá của huyện Hòa Vang, hiệu quả chăn nuôi không chỉ giúp cho đồng bào xứ đạo nâng cao đời sống, mà còn tạo điều kiện cơ sở vật chất rất quan trọng để bà con giáo dân nhiệt tình tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định công nhận 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có xã Hòa Phú. Như vậy tính đến thời điểm đó, cả 11 xã của huyện Hòa Vang đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được sự tham gia ủng hộ của tất cả 27 giáo phận trên cả nước. Trong Chương trình này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến của cá nhân tín hữu, giáo xứ, họ đạo. Trong 5 năm gần đây, với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, lời Huấn từ của Đức giáo Hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cộng đoàn giáo dân tỉnh Nghệ An đã hiến gần 90.000 m2 đất trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của Nghệ An. Cũng trong thời gian này, đời sống của bà con giáo dân tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển, số hộ khá giàu đạt 54.5%, số hộ nghèo giảm xuống 9,8%, đặc biệt đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình giáo dân sản xuất kinh doanh giỏi, cho thu nhập từ 200 triệu đến 10 tỷ đồng/năm.

Một điển hình khác ở tỉnh Đồng Nai, với hơn 1,1 triệu đồng bào Công giáo sống trên địa bàn tỉnh đều thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Trong giai đoạn 2015-2020, bà con đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo," nổi bật là các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Công giáo đã hiến đất, tự nguyện bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; ủng hộ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, xây dựng các công trình phúc lợi; lắp đèn thắp sáng đường làng ngõ hẻm… với số tiền hơn 114 tỷ đồng. Những việc làm này góp phần làm cho diện mạo nông thôn, đô thị các xứ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Nói đến điển hình cá nhân, phải kể đến giáo dân Trần Văn Kiều, ở xứ đạo Kiên Lao (huyện Xuân Trường), người được xem là có nhiều tâm huyết, sáng tạo, đóng góp thiết thực trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ở tỉnh Nam Định. Ông Kiều cùng với các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo ra các thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Không dừng lại ở đó, ông Kiều còn đầu tư hàng tỷ đồng để biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một khu xử lý, đốt rác thải nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên.

Việc làm tốt đẹp của giáo dân Trần Văn Kiều đã cộng hưởng mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới với sự phát động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định. Những năm qua, các chức sắc và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới cho thấy sự đoàn kết và đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Từ việc góp, hiến đất, ủng hộ tiền mặt, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng cấp các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo.

Có thể nói, các chương trình phát triển kinh tế và các phong trào thi đua yêu nước như “Cả nước chung tay vì người nghèo”; “ Chương trình xây dựng nông thôn mới”; “Chương trình khuyến nông, khuyến ngư”; “Chương trình cánh đồng mẫu lớn”; “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”… đều có sự chung tay đóng góp của đồng bào giáo dân. Nói một cách hình ảnh, đồng bào giáo dân ở 27 giáo phận trên cả nước là một nhánh quan trọng, hòa chung vào dòng chảy phát triển kinh tế xanh và bền vững nước ta.

Nhóm phóng viên