Dự báo kinh tế thế giới năm 2020 và giải pháp giúp Việt Nam vượt khó

ThS. PHẠM THỊ THU HÀ (Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Năm 2019, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đối mặt với nguy cơ rủi ro tăng cao khiến cho triển vọng năm 2020 càng thêm bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài ảnh hưởng này.

Bài viết dự báo biến động nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2020, đồng thời đưa ra giải pháp giúp nước ta vượt khó để đạt được các mục tiêu đề ra.

Từ khóa: Kinh tế thế giới, GDP, CPI,Covid-19.

1. Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2020

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cuối năm 2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra lạc quan khi dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm 2020, song cảnh báo này có khả năng giảm tốc và chưa chắc đã phục hồi trở lại. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay chính là tình hình dịch bệnh Covid 19 đang lan rộng trên toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc dự báo, dịch Covid-19 khiến kinh tế nước này giảm 0,3 điểm % - xuống còn 5,8% năm 2020. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính, dịch bệnh Covid-19 có thể làm Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm % tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2020, thậm chí sẽ chỉ còn tăng trưởng 5,9 - 4,9% GDP. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch và vận tải (hàng không và công ty lữ hành), nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”.

Trước bối cảnh đó, theo một số nghiên cứu của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS…, dịch bệnh Covid -19 có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3 - 0,7 điểm % năm 2020, dẫn đến toàn bộ các nền kinh tế khác cũng chịu ảnh hưởng theo. Ví dụ, nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD thì Hàn Quốc thiệt hại đến 500 triệu USD, thiệt hại của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể lên đến khoảng 6,7 tỷ USD, nếu tính đến cả ảnh hưởng gián tiếp có thể lên đến khoảng 65 tỷ USD.

Mỹ chịu tác động bởi sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc (Apple phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc cho các sản phẩm như điện thoại thông minh); Đài Loan (Trung Quốc) là nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử cho Trung Quốc và hoạt động thương mại với đại lục chiếm đến 36% tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan. Con số này với Hàn Quốc là 28%, của Nhật Bản là 22%, của Đức là 6%,... Chưa kể đến ngành du lịch, hàng không của các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá dầu thế giới cũng chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua do nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu bởi Covid-19.

Thách thức lớn thứ hai chính là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung. Dù hai quốc gia này đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng các mức thuế quan đã được áp dụng từ trước đó vẫn có hiệu lực và chưa thể hóa giải những tác động của các biện pháp này trong "một sớm một chiều".

Ba là thời hạn Anh chính thức kích hoạt Brexit, rời khởi EU sắp đến. Điều này mở ra một thời kỳ bất định cho nền kinh tế Anh đối với các mối quan hệ với châu Âu trong tương lai. Một sự bất định về mặt tài chính, chính trị và thương mại. Bất ổn Brexit sẽ làm xáo trộn dòng vốn đầu tư, thương mại và lan ra thế giới. Hàng hóa ở khu vực châu Âu sẽ tăng giá do bị áp thuế quan, các doanh nghiệp hai bên không còn lợi thế đầu tư sang nhau mà phải mất phí và thời gian làm thủ tục, đi lại, và du lịch cũng sẽ bị tác động tiêu cực. Anh là nước bị tác động nhiều nhất vì phải hứng chịu sự giảm sút đầu tư nước ngoài (FDI), do đó dẫn đến việc giảm tổng đầu tư, giảm tăng trưởng GDP và công việc làm. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài lớn đã chờ quá lâu, nên đã tự khởi động rời khỏi nước Anh. Đối với họ, việc Anh có đạt được thỏa thuận Brexit hay không không còn quan trọng nữa. Đây là một tổn thất lớn cho nền kinh tế Anh xét về dài hạn.

Bốn là sự nổi lên của các ông lớn công nghệ với lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng sẽ tái định hình công việc của thế giới trong năm 2020. Đấu trường trực tuyến có thể xem như một mặt trận khác trong các cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào, sau khi ông đe dọa đánh thuế đối với hàng hóa của Pháp, vì Paris ban hành thuế kỹ thuật số đối với các tập đoàn công nghệ lớn đến từ Mỹ (như Amazon, Facebook và Google). Châu Âu đang đe dọa sẽ có một đòn đáp trả chung trong vấn đề này.

Năm là việc Fed giữ nguyên lãi suất trong năm bầu cử... khiến USD liên tục lên giá; Mỹ và EU có thể mở rộng chính sách tài khóa và lãi suất đáo hạn dài kỳ là rủi ro đối với nền kinh tế thế giới năm 2020.

Sáu là xung đột tại Iran và dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến giá dầu thế giới. Giá dầu trên thị trường thế giới ngày 27/01 vừa qua đã xuống đến mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Từ khi có chính thức công bố dịch virus corona có thể lây từ người sang người, ngày 22/01/2020, giá dầu trung bình giảm từ 65 USD/baril xuống còn 59 USD, tức mất gần 10%, chỉ trong vòng 8 ngày.

Dự báo năm 2020 sẽ có một số rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, như: Sự kiện bầu cử ở Mỹ, liên quan đến sự phân hóa giàu nghèo, việc đảng Dân chủ đưa ra chính sách tăng thuế đối với những người giàu; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết và sự không rõ ràng trong các chính sách khiến giới đầu tư và người tiêu dùng quan ngại. Sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… sẽ gây bất ổn kinh tế, thương mại toàn cầu. OECD dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm tới, xuống 2,9% - mức thấp nhất kể từ đợt suy thoái toàn cầu năm 2009.

2. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 và phân tích ảnh hưởng các yếu tố đến chỉ tiêu kinh tế Việt Nam đặt ra

- Mục tiêu đặt ra năm 2020 của Việt Nam

Năm 2020 được gói gọn mục tiêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2020. Cụ thể như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Chỉ tiêu kinh tế năm 2020

Chỉ tiêu

2020

Tăng trưởng GDP

6,8%

CPI bình quân

Dưới 4%

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

7%

Tỷ lệ nhập siêu/ tổng kim ngạch xuất khẩu (%)

Dưới 3%

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (%GDP)

33-34%

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị (%)

Dưới 4%

                                                          Nguồn: Nghị quyết số 85/2019/QH14

Mục tiêu trên của Việt Nam được đánh giá có thể đạt được, tuy nhiên cần sự nỗ lực rất lớn trước tình hình dịch bệnh và nền kinh tế thế giới giảm sút như hiện nay.

+ Về tăng trưởng GDP được đánh giá mức 6,8%, thấp hơn 2019, là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù, năm 2019 GDP tăng 7,02%, vượt xa dự báo của các tổ chức quốc tế, như ADB tính toán 6,9%, World Bank 6,8%,... Tuy nhiên, kết quả tích cực này không đồng nghĩa với sự cam kết chắc chắn cho năm sau, bởi những thách thức xuất hiện đang ngày một rõ hơn. Đầu tiên là sự chậm lại với ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Là nhóm ngành then chốt quyết định đà tăng trưởng những năm gần đây của nền kinh tế, nhưng càng về cuối năm, tốc độ gia tăng của lĩnh vực này càng có dấu hiệu suy giảm, kéo theo sự chậm lại của khu vực công nghiệp và xây dựng (như Samsung, Fomusa, Nghi Sơn). (Hình 1)

Tính đến ảnh hưởng của dịch Covid 19, ngày 12/2/2020, khi công bố báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, đã giảm mức dự báo GDP xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II, so với mục tiêu đặt ra trước đó cho cả năm là 6.8%. Con số này còn phụ thuộc vào việc bệnh dịch sẽ được kiểm soát hoàn toàn như thế nào ở Việt Nam, các nước cung cấp đầu vào sản xuất cho nước ta. Trên thế giới, mức độ chịu ảnh hưởng của GDP là khác nhau.

+ Về xuất nhập khẩu sẽ chậm lại, do ảnh hưởng tiêu cực đến từ dịch bệnh và diễn biến của thương mại thế giới và sẽ khởi sắc sau khi hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực. Điều này là tất yếu khi những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều đang chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh, là: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 97,85 tỷ USD - tăng 4,4% (tương ứng tăng 4,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3 năm 2020 có mức thặng dư là 882 triệu USD, đưa mức thặng dư cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 3 năm 2020 lên 2,74 tỷ USD. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống (dệt may, giày dép, thủy sản) trong việc mở rộng thị trường sang EU, trong bối cảnh giá hàng hóa dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong năm 2020.

+ Về CPI bình quân năm 2020 được KBSV dự đoán 3,7%, tăng so với năm 2019. Nguyên do xác định bởi giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch bệnh, đặc biệt là giá thịt lợn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 1,4% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 9 năm qua, chủ yếu do ảnh hưởng từ giá thịt lợn do thiếu hụt nguồn cung. Trong 3 tháng cuối năm 2019, giá thịt lợn trên thị trường đã tăng xấp xỉ 50%, với mức tăng tháng 10 là 7,85%, tháng 11 tăng 18,51% và tháng 12 tăng 19,7%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Biến động này tiếp tục ảnh hưởng trong quý I/2020. 

Đối với nhóm giao thông sẽ không có gì đáng ngại do (i) Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) ở mức tương đối tốt, ước tính khoảng 2,500 tỷ đồng giúp Chính phủ có dư địa để điều tiết giá xăng dầu trong nước; ii) Giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2020 theo dự báo tháng 12 của EIA vào khoảng $61/thùng, thấp hơn mức trung bình $64/thùng của năm 2019. (Hình 2)

Có thể thấy năm 2020, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn như:

Thứ nhất, sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng.

Thứ hai, nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Thứ tư, cải cách thể chế còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn thị trường.

Thứ năm, khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài vẫn còn mỏng.

Đây là những vấn đề Chính phủ cần phải đối mặt và xử lý để đạt được kết quả nền kinh tế năm 2020 như mong muốn.

Việt Nam đã duy trì được đà tăng trưởng cao và nền tảng vĩ mô ổn định trong năm 2019, tuy nhiên, còn nhiều rủi ro, thách thức, điểm nghẽn cần quan tâm khắc phục. Cần đưa ra những giải pháp căn cơ và có tầm nhìn mới có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 mà Quốc hội đề ra, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021 - 2030 phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2019), Báo cáo tình hình kinh tế năm 2019 trình Quốc hội.
  2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2019), Nghị quyết số 85/2019/QH14.
  3. Khối phân tích KBSV (2020), Triển vọng khối kinh tế 2020.
  4. IMF (2019), Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2020.
  5. VERP (2020), Báo cáo kinh tế Việt Nam quý IV/2019.

The global economic outlook in 2020 and solutions for Vietnam to overcome difficulties

Master. Pham Thi Thu Ha

Faculty of Finance - Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Even before the Covid-19 pandemic, most of the major economies in the world experienced increasing risks in 2019, making the outlook for 2020 unstable. Vietnam has also faced higher risks amid widespread of Covid-19 outbreak. This paper is to presents some forecasts about the global economy and Vietnam’s economy in 2020 and provide some solutions to help Vietnam overcome difficulties to achieve the country’s set goals.

Keywords: Global economy, GDP, CPI, the Covid-19 pandemic.