"Du ngoạn" trong hệ tiêu hoá

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một thiết bị nội soi đặc biệt để tính toán ba loại khí khác nhau được giải phóng ra trong quá trình tiêu hoá.

"Đọc vị" hệ tiêu hóa

Họ đã mô tả chức năng của thiết bị nhỏ như viên thuốc con nhộng trong một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature Electrics.

Theo các nhà nghiên cứu người Úc - tác giả của nghiên cứu, phát minh này sẽ mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới để nghiên cứu về những gì xảy ra trong hệ thống tiêu hoá của chúng ta, ví dụ như khi tiêu hoá thức ăn hay sử dụng thuốc men. Trong tương lai, thiết bị này có thể giúp phân tích các bệnh về đường tiêu hoá.

Thông thường, các nhà nghiên cứu phải nội soi ruột già hoặc cả đường tiêu hóa hay xét nghiệm phân nếu muốn nghiên cứu.

Tuy nhiên, luôn tồn tại một vấn đề: Cả hai phương pháp trên đều có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả. Đó là theo quan điểm của giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi sinh (Microbiome Center), trường Đại học Chicago, Mỹ trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài NPR của Mỹ (National Public Radio)

Chứng kiến quá trình lên men

Sự ra đời của thiết bị bằng viên thuốc này đã giúp chúng ta theo dõi được quá trình tiêu hoá và trực tiếp thu thập thông tin mà không làm ảnh hưởng tới kết quả như hai cách kể trên. Thiết bị này phát hiện và đo đạc ba loại khí sinh ra trong quá trình tiêu hoá: O2, H2 và CO2. Dữ liệu thu thập được sẽ được chuyển qua Bluetooth đến điện thoại hoặc máy tính.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phát minh của họ trên bảy tình nguyện viên với chế độ ăn có lượng chất xơ khác nhau. Kết quả cho thấy lượng O2 được giải phóng ra đều không đồng nhất trong suốt quá trình tiêu hoá từ dạ dày đến ruột già, và thời gian khí O2 được giải phóng ra trong cả quá trình cũng khác nhau theo các khẩu phần ăn.

Sau quá trình thử nghiệm, các tình nguyện viên đều không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc tống thiết bị ra ngoài.

Kết quả tích cực của cuộc thử nghiệm này chắc chắn sẽ thúc đẩy việc thương mại hoá thiết bị này. Dự kiến mỗi thiết bị sẽ có giá khoảng 50 USD.

Minh Đức (Theo www.quebecscience.qc.ca)