Đưa quy hoạch trở thành công cụ quản lý ngành

Quy hoạch là cơ sở để ngành Công Thương xây dựng các đề án phát triển các ngành công nghiệp, như nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến; phát triển công nghiệp hỗ trợ…
quy hoạch

Máy khấu than và giàn chống tự hành Vinaalta được áp dụng tại lò chợ của Công ty CP Than Vàng Danh. (Ảnh: Vinacomin)

Quy hoạch ngành

Công tác tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật thể chế hóa chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa của các Bộ quản lý ngành Công Thương đã tạo nền tảng vững chắc cho khơi thông nguồn lực của các thành phần kinh tế vào sản xuất công nghiệp.

Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg ngày 04/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo các vùng lãnh thổ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, đã thay đổi căn bản công tác quản lý nhà nước về công nghiệp theo hướng chuyển mạnh sang chức năng thúc đẩy, phục vụ phát triển là chính, hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính vào sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, giảm dần các đầu mối quản lý ngành.

 Đồng thời đưa quy hoạch thực sự trở thành một trong những công cụ quản lý ngành công nghiệp. Quy hoạch cũng là cơ sở để ngành Công Thương xây dựng các đề án phát triển các ngành công nghiệp, như nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến; phát triển công nghiệp hỗ trợ, triển khai có hiệu quả các đề án phát triển ngành phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công…

Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg giúp Nhà nước cùng các thành phần kinh tế tập trung nguồn vốn vào các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu như: thủy điện, chế biến nông, lâm, thủy sản, may mặc, da - giày, điện tử - tin học, một số sản phẩm cơ khí, dược phẩm và tiêu dùng...

Xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng: dầu khí, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng... với bước đi hợp lý, phù hợp điều kiện vốn, công nghệ, thị trường, phát huy được hiệu quả.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, tự động hóa. Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất phần mềm tin học. Phát triển có hiệu quả các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng một số khu công nghệ cao và khu kinh tế mở. Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp với ngành, nghề đa dạng, thu hút nhiều lao động góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cân đối động

Phát triển công nghiệp được định hướng trên cơ sở hình thành cân đối động, đảm bảo sự ưu tiên phát triển các ngành, vùng phù hợp với nguồn lực và lợi thế trong từng thời kỳ và phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; gắn chặt với phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.

Đến nay nhìn lại, có nhiều chỉ tiêu thuộc “tầm nhìn 2020” của Quyết định 73/2006/QĐ-TTg đã thực hiện đạt và vượt. Điển hình là chỉ tiêu: “Tỷ lệ hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 70 - 75%”, thực tế năm 2016 đã vượt với 80,3% hàng công nghiệp chế biến trên tổng kim ngạch xuất khẩu, đến năm 2020 tỷ lệ này lên đến 85,2%; chỉ tiêu “Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt 87 - 88% vào năm 2020”, thực tế đến năm 2010, tỷ lệ này đã đạt 90,02%.

Đặc biệt, dù chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009, thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp; sau đó là sự tăng giá của hầu hết các loại nguyên vật liệu của ngành công nghiệp mà nước ta phải nhập khẩu khối lượng tương đối lớn như sắt thép, hóa chất cơ bản, bông sợi và phụ liệu dệt may... làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp chế biến, nhưng nhiều chỉ tiêu cơ bản đã bám sát theo Quyết định số 73/2006/QĐ-TTg, như “tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt 43 - 44% năm 2010”, thực tế đạt 41,66%; “duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp ở mức trên 10,2%/năm giai đoạn 2006 - 2010”, thực tế đạt 8,02%.

Đaò Mạnh Đức