Gần 5.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La có tổng vốn đầu tư khoảng 4.938 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Ngày 10/3, tại kỳ họp chuyên đề thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 299/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.

Sơn La
Kỳ họp chuyên đề thứ 18, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026 biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: TTXVN)

Dự án trọng điểm, đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc

Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được tỉnh Sơn La xác định là dự án trọng điểm, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 4.938 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 3.400 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.538 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện Dự án tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2028.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La theo quy hoạch. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng. Đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu đô thị, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu khi điều kiện về kết nối giao thông thuận lợi và các dự án khác được đầu tư trong khu vực này; kết nối các khu vực chính của tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là đường độc đạo.

Tạo điều kiện khai thác những tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch tại huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung; thu hút khai thác các quỹ đất chưa sử dụng; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội của nhân dân, là tuyến đường đảm bảo giao thông khi tuyến Quốc lộ 6 xảy ra ách tắc, cơ động đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực. Hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phạm vi đầu tư

Điểm đầu đối với dự án đầu tư xây dựng: Tại Km53+00 thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La (nối tiếp với Dự án tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km 19 - Km53, trên địa phận tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi).

Đối với dự án giải phóng mặt bằng: Tại Km50+900 (thuộc ranh giới hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La). Trên đoạn tuyến từ Km50+900 - Km53, tỉnh Hòa Bình thực hiện đầu tư xây dựng công trình, tỉnh Sơn La bố trí kinh phí và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho tỉnh Hòa Bình thi công xây dựng công trình.

Điểm cuối: Tại Km85+300, giao với Quốc lộ 43 (thuộc địa phận xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).

Chiều dài dự án: Dự án đầu tư xây dựng dài khoảng 32,3km; dự án giải phóng mặt bằng dài khoảng 34,4km.

cao tốc Sơn La
Phối cảnh đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe. (Ảnh: Báo Sơn La)

Quy mô đầu tư Dự án

Theo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, các yếu tố hình học của đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc theo TCVN 5729: 2012, cấp đường ô tô cao tốc 80 (với tốc độ thiết kế 80km/h), mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc 04 làn xe với Bnền = 22m.

Để việc đầu tư đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Dự án thực hiện theo giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô mặt cắt ngang giai đoạn phân kỳ quy mô 02 làn xe cơ giới với bề rộng nên đường Bnền = 12m, riêng đối với các đoạn đào sâu bề rộng nền đường thiết kế theo giai đoạn hoàn chỉnh với Bnền = 22m.

Công trình cầu: Xây dựng cầu vĩnh cửu (theo TCVN 11823: 201 3), tải trọng thiết kế HL-93. Giai đoạn phân kỳ xây dựng một đơn nguyên, mặt cầu dốc ngang một mái lệch về bên phải tim đường giai đoạn hoàn thiện, bề rộng cầu bằng bề rộng nền đường giai đoạn phân kỳ B=12m.

Nút giao, đường ngang, hầm chui dân sinh: Tại các nút giao với đường Quốc lộ và đường chính xây dựng nút giao khác mức đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác và phù hợp với nút giao kết nối liên thông giai đoạn hoàn chỉnh; các đường giao dân sinh được thiết kế trên nguyên tắc khác mức với đường cao tốc; xây dựng hầm chui dân sinh trên tuyến đàm bảo kết nối dân sinh hai bên tuyến đường.

Hệ thống an toàn giao thông, hệ thông chiếu sáng, các công trình gia cố, phòng hộ và các công trình khác trên tuyến được xây dựng đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và phù hợp với quy mô phân kỳ đầu tư của dự án.

Để đảm bảo thuận tiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, Dự án được phân chia thành các dự án thành phần độc lập.

Dự án 1: Dự án thành phân bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc địa phận huyện Vân Hà, chiều dài dự kiến khoảng 33,35 km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 456 tỷ đồng, thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.

Dự án 2: Dự án thành phân bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc địa phận huyện Mộc Châu chiều dài dự kiến khoảng 1,05 km; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 37 tỷ đồng, thời gian thực hiện: Năm 2024 - 2025.

Dự án 3: Dự án thành phần đầu tư xây dựng công trình giao thông, chiều dài dự kiến khoảng 32,2 km; tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.445  tỷ đồng, thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2028.

Thanh Hà