Giá cà phê hôm nay 12/8: Điều gì khiến giá trong nước và thế giới đồng loạt giảm 3 ngày liên tiếp?

Giá cà phê ngày hôm nay tại thị trường trong nước lẫn thị trường thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh nguồn cung cà phê Robusta vụ mới từ Brazil tăng lên.

Giá cà phê hôm nay ngày 12/8/2023 tại thị trường trong nước

Giá cà phê hôm nay Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá cà phê hôm nay ngày 12/8/2023 tại khu vực Tây Nguyên.

Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm 200 - 300 đồng/kg, dao động trong khoảng 66.600 – 67.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng giảm 300 đồng/kg, xuống mức 66.600 đồng/kg – thấp nhất khu vực. Trong khi đó, giá cà phê tại Gia Lai giảm 300 đồng/kg, xuống mức 66.700 đồng/kg và Đắk Lắk giảm 200 đồng/kg, xuống mức 67.300 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông giảm 200 đồng/kg, xuống mức 67.500 đồng/kg – cao nhất trong các địa phương khảo sát.

Giá cà phê tại Tây Nguyên Tạp chí Công Thương
Xu hướng giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên từ tháng 6/2023 đến nay (đơn vị tính: đồng/kg)

Theo dõi giá cà phê được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá cà phê hôm nay ngày 12/8/2023 tại thị trường thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần, giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều.

Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2023 tăng 6 USD/tấn ở mức 2.682 USD/tấn. Tuy nhiên, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2023 giảm 17 USD/tấn, ở mức 2.517 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia ngành hàng cà phê, sở dĩ giá cà phê Robusta giao tháng 9/2023 tăng trong khi giao tháng 11/2023 giảm là do giới đầu cơ đang sử dụng giá cà phê giao tháng 9/2023 để làm giá cơ sở trong bối cảnh tồn kho cà phê Robusta về dưới mức 50.000 tấn.

Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 giảm 2,1 cent/lb, ở mức 157,8 cent/lb, giao tháng 12/2023 giảm 1,95 cent/lb, ở mức 157,7 cent/lb.

Nhìn tổng thể, giá cà phê tiếp tục xu hướng giảm chủ yếu do áp lực bán hàng vụ mới từ Brazil. Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất Brazil và cả thế giới, vừa cho biết các thành viên của họ tính đến nay đã thu hoạch hơn 70% diện tích trồng cà phê và thời tiết vẫn thuận lợi hỗ trợ tốt trong việc phơi sấy hạt cà phê đạt chất lượng cao hơn.

Xem thêm: "Giá tiêu hôm nay 11/8: Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc tăng gần 8 lần trong 7 tháng đầu năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong khi đó, hãng tư vấn thị trường Safras & Mercados (Brazil) cho biết, nông dân Brazil đã bán được 41% sản lượng niên vụ 2023/2024 vào đầu tháng 8, thấp hơn một chút so với mức 45% của cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức trung bình lịch sử của mùa vụ là 46%. Trong đó, doanh số bán cà phê Arabica đạt khoảng 39% sản lượng dự kiến, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các mùa vụ là 45%; sản lượng giao dịch cà phê Robusta ước đạt 46%.

Safras& Mercados ước tính sản lượng cà phê của Brazil niên vụ 2023/24 là 66,7 triệu bao (60 kg/bao). Tính đến ngày 8/8, nông dân nước này đã thu hoạch được 86% diện tích gieo trồng; trong đó 80% diện tích cà phê Arabica và 96% diện tích cà phê Robusta đã được thu hoạch.

So với tuần trước, tổng diện tích cà phê thu hoạch của Brazil tăng 6 điểm phần trăm, nhưng vẫn thấp hơn mức 89% của năm ngoái vào cùng thời điểm và thấp hơn mức 90% của trung bình trong 5 năm cho giai đoạn này.

Lâm Đồng đẩy mạnh tái canh cà phê Robusta

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về phát triển cây cà phê. Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh ở vào khoảng 176 nghìn ha, trong đó cà phê Robusta chiếm trên 160.000 ha (khoảng 93%), cà phê Arabica trên 12.000 ha (chiếm 7%). Trong đó, diện tích cà phê giai đoạn kinh doanh ở vào khoảng 162.000 ha, năng suất 3,3 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng trên 500.000 tấn.

Sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo thống kê, năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng đạt trên 90.000 tấn với giá trị đạt trên 175 triệu USD.

Xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng thực hiện nhiều giải pháp trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng. Đặc biệt là phát triển ngành hàng cà phê Robusta một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh thực hiện kế hoạch phát triển ổn định, giữ diện tích cà phê đạt 170.000 ha vào năm 2025, trong đó diện tích cà phê Robusta 150.000 ha với năng suất 3,5 tấn/ha và tổng sản lượng ở vào khoảng 550.000 tấn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, năm 2023, địa phương đưa ra kế hoạch thực hiện tái canh, ghép cải tạo với diện tích ước khoảng trên 7.000 ha, dự kiến đạt 7.500 ha vào năm 2024, 8.000 ha vào năm 2025.

Theo đánh giá, công tác tái canh, ghép cải tạo giống cà phê Robusta đã góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 2,9 tấn nhân/ha năm 2015 tăng lên 3,3 tấn nhân/ha năm 2021. Sản lượng vì thế cũng được tăng từ 400.000 tấn năm 2015 lên 560 .000 tấn vào năm 2021.

Cùng với việc đảm bảo về nguồn giống cà phê Robusta chất lượng cao, tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức xây dựng mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt triển khai 5 vùng sản xuất cà phê Robusta công nghệ cao với quy mô gần 2 nghìn ha. Trong đó bao gồm, 470 ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370 ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900 ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm.

Tường Vy