Giá dầu thô giảm nhẹ sau khi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez được giải quyết

Giá dầu thô thế giới sáng nay 30/3 chịu áp lực giảm nhẹ sau khi sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez được giải quyết, giúp khơi thông trở lại một trong những tuyến vận chuyển dầu thô quan trong nhất toàn cầu.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong tháng 3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 8h15 sáng nay (ngày 30/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 0,2% xuống 64,83 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm nhẹ xuống 61,55 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 29/3, giá dầu thô Brent đã tăng 0,6%; trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 1%.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong đầu phiên giao dịch sau khi sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez (Ai Cập) được xử lý thành công, giúp hoạt động vận chuyển năng lượng được phục hồi. Sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez từ ngày 23/3 do siêu tàu container Ever Given mắc cạn trong lòng kênh đào đã khiến ít nhất 28 tàu chở dầu thô chứa khoảng 26 triệu thùng dầu và 24 tàu chở tổng cộng 1 triệu tấn sản phẩm lọc hoá dầu phải chờ ở khu vực này.

Bất chấp những thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh tại Châu Âu, giá dầu thô trong những phiên giao dịch cuối tuần trước đã tăng mạnh do thị trường lo ngại dòng chảy cung ứng năng lượng toàn cầu sẽ bị xáo trộn vì sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez.

Hiện thị trường tập trung theo dõi diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ về chính sách khai thác dầu thô vào ngày 1/4 tới đây. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Liên minh OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hãng tin Retuers dẫn nguồn tin cho biết Ả-rập Xê-út nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức sản lượng khai thác thấp như hiện nay cho đến tháng 5, thậm chí tháng 6/2021. Nga cũng được nhận định sẽ ủng hộ kế hoạch tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác. Hiện tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ đạt 8 triệu thùng/ngày.

Trong phiên họp gần nhất vào ngày 4/3 vừa qua, liên minh OPEC+ đã khiến thị trường bất ngờ khi tuyên bố kéo dài việc cắt giảm sản lượng đến tháng 4/2021. Trong năm 2020, để đối phó với việc nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh dưới các tác động của đại dịch Covid-19, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cảnh báo tình trạng tắc ngẽn tại kênh đào Suez có thể kéo dài trong thời gian nữa do số lượng tàu bị tắc nghẽn quá lớn. Trong tháng này, giá dầu thô Brent đã có lúc chạm 71 USD/thùng – cao hơn cả lúc trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.  

Giá dầu thô hiện cũng chịu sự kìm hãm bởi lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô tại Châu Âu ở mức yếu khi hàng loạt quốc gia tại đây tái áp đặt các biện pháp phong toả, ngăn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba.

Quang Đặng