Giá dầu thô tiếp tục lao dốc sau thông tin Nga – Ukraine nối lại đàm phán hoà bình

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 29/3, giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm sau thông tin Nga và Ukraine nối lại đàm phán hoà bình. Trong khi đó, Thượng Hải – thành phố lớn nhất Trung Quốc đã chính thức phong toả từng phần nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 9h30 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 giảm 1,76% xuống mức 110,51 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng giảm 1,5% xuống còn 104,37 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh khoảng 7% sau khi Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc với 25 triệu dân, quyết định phong toả từng phần nhằm đối phó với làn sóng bùng phát dịch Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra. Toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất và hệ thống giao thông công cộng tại đây được yêu cầu ngưng hoạt động.

Giới đầu tư toàn cầu hiện lo ngại các biện pháp phong toả tại thành phố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Theo tính toán của bộ phân nghiên cứu thuộc tập đoàn tài chính ANZ (Australia), nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Thượng Hải chiếm 4% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc.

Đến phiên giao dịch sáng nay, thị trường dầu thô tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ thông tin Nga và Ukraine nối lại đàm phán hoà bình tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau hai tuần gián đoạn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hiện nhấn mạnh nước này có thể trở thành trung gian hoà giải cho xung đột quân sự Nga – Ukraine. Những tiến triển trong đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ mở ra khả năng phương Tây giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga và Nga vẫn có thể duy trì nguồn cung dầu thô ra thị trường quốc tế.

Ông Hiroyuki Kikukawa, trưởng ban phân tích của hãng chứng khoán Nissan Securities, nhận định nếu đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine đạt được những tiến triển quan trọng thì còn mở ra triển vọng giúp cuộc đàm phán thoả thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc phương Tây diễn ra thành công. Điều này sẽ giúp dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước phương Tây nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran.

Hiện thị trường đang tập trung quan sát diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 31/3 tới đây. Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì việc tăng sản lượng khai thác thêm ở mức 400.000 thùng/ngày/tháng như hiện nay bất chấp nhiều quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ liên tục gây sức ép, yêu cầu nâng thêm sản lượng để hạ nhiệt giá dầu thô. Hiện nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đã phục hồi gần như hoàn toàn về mức như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Minh Trang