Giá vé xe buýt sẽ tăng từ đầu năm 2024

Dự kiến từ ngày 1/1/2024, giá vé xe buýt tại Hà Nội sẽ được điều chỉnh tăng.
giá vé xe buýt
Giá vé xe buýt theo tháng dự kiến sẽ tăng trung bình 40%

Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội vừa đề xuất UBND TP. Hà Nội điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2024.

Theo đó, giá vé lượt được đề xuất theo 5 cự ly gồm: dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng, từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Giá vé tháng tăng trung bình 40%. Cụ thể, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng. Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện 100.000 đồng), vé liên tuyến 280.000 đồng (hiện 200.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

giá vé xe buýt
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt

Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội, giá vé xe buýt hiện nay rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân, kể cả người lao động có thu nhập thấp. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, giá vé của các tuyến có cự ly từ 30km đến 60km bằng nhau là chưa phù hợp. Do vậy việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp trong giai đoạn này.

Việc tăng giá vé xe buýt còn tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt và tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố; tăng thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện đầu tư đổi mới phương tiện, chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành. Trong đó, có 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour.

Tổng số có 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện 132 tuyến buýt trợ giá. Trong đó, có 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số phương tiện xe buýt trợ giá là 2.034 xe với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

32 tuyến buýt trợ giá phục được 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 512/579 xã, phường, thị trấn (đạt 88,4%).

Ngọc Châm