Khai thác khoáng sản đừng quên bảo vệ môi trường

Sáng 16/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 tiếp tục làm việc tại hội trường về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng tình trạng thất thoát tài nguyên và nạn tham nhũng trong ngành khai khoáng vẫn chưa giảm bớt. Bên cạnh đó vẫn xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản ồ ạt ở một số địa phương.

Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này phải khắc phục công tác quản lý từ khâu quy hoạch, thăm dò cho đến khai thác, chế biến, quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả nhưng cũng phải gắn với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên hành lang kỳ họp, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Tổng thư ký Hội vi sinh vật học Việt Nam.

- Thưa Giáo sư, hiện tại dường như việc khai thác khoáng sản chưa song hành với việc bảo vệ môi trường sinh thái?

GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Thế thì phải nói là mình giàu hay nghèo khoáng sản. Mình giàu những khoáng sản mà thế giới không thiếu. Ngay cả boxit mình tưởng người ta thiếu nhưng người ta không thiếu.

Theo các nhà chuyên môn, khai thác dầu mỏ cùng lắm là 30 năm nữa nếu không phát hiện được thêm những mỏ dầu mới, còn than đá thì một đến hai năm nữa là phải nhập thêm từ nước ngoài về để dùng.

Khoáng sản nó nằm ở dưới đất, ví dụ như khai thác than thì phải đào, bóc một khối lượng lớn đất bề mặt lên nhưng đào xong đất đấy thì đổ đi đâu?

Khai thác khoáng sản quý như vàng thì phải dùng cyanua. Đây là một chất rất độc, nếu nó lẫn vào nguồn nước thì gây ô nhiễm cả vùng. Một số nhà khoa học đề xuất ý kiến nếu phát hiện thấy nguồn nước bị nhiễm độc cyanua thì trung hòa nó đi nhưng để thực hiện được việc này là không phải dễ.

Ta có nguồn sa khoáng titan rất lớn ở dọc miền Trung, nhưng trong đó hàm lượng titan chỉ có một tí thôi. Nếu tinh chế được titan thì có lợi gấp trăm lần, nhưng nếu chỉ dừng lại ở sa khoáng titan không thôi thì lại rất rẻ. Nếu khai thác không hợp lý thì nó sẽ làm biến đổi hệ sinh thái, rất nguy hiểm.

Đấy là còn chưa nói đến khía cạnh xã hội, tại một số mỏ đào vàng ở những nơi "rừng thiêng nước độc" thì ông chủ bước đầu cho người làm công tiền để sử dụng chất gây nghiện, qua đó ràng buộc họ. Mà đã nghiện rồi thì nhất nhất phải theo ông chủ. Một khi không còn tiền nữa thì rất dễ trở thành tội phạm...

Với tình hình thực tế đó, Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này nên đi theo hướng sửa để quản lý tốt. Quy định thế nào để đảm bảo lợi ích vùng tại chỗ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại nơi có khoáng sản, có tài nguyên được đưa vào khai thác làm sao khấm khá hơn, đời sống được nâng lên cả về kinh tế, cả về văn hóa lẫn tinh thần.

Vấn đề ở đây là trách nhiệm địa phương. Tôi thấy nói nhiều đến trách nhiệm của lãnh đạo địa phương nhưng chưa thấy ai bị kỷ luật. Nếu làm nghiêm việc này thì vấn đề nó khác hẳn. Phải giao trách nhiệm cho từng cá nhân, nếu anh không làm tròn trách nhiệm thì phải bị kỷ luật.

- Thưa Giáo sư, vậy thì phải từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho khi xin cấp phép khai thác khoáng sản?

GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Quyền lợi cá nhân ở đây nó rõ quá. Xin-cho, nghĩa là có người có lợi. Anh xin thì anh phải hối lộ. Anh cho là anh nhận hối lộ. Cái hưởng lợi này dễ dẫn đến tham nhũng cần phải được ngăn chặn./.

Xin cám ơn giáo sư./.