Giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Bài viết 'Giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay" do Đặng Quang Mạnh (ThS. NCS. Khoa Luật - Học viện Khoa học xã hội) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết trình bài khái niệm pháp luật về y tế tư nhân, những vấn đề đặt ra trong quy định của pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay và những giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: y tế tư nhân, pháp luật, pháp luật về y tế tư nhân, hoàn thiện pháp luật.

1. Khái niệm pháp luật về y tế tư nhân

Y tế là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước.

Y tế dựa trên cơ sở chủ thể cung ứng dịch vụ được chia thành hai nhóm: Y tế công lập và Y tế tư nhân. Nếu Y tế công lập do nhà nước thành lập và vận hành thì Y tế tư nhân sẽ có cá nhân, tổ chức tư nhân thành lập và vận hành trên cơ sở pháp luật và chịu sự quản lý nhà nước.

Y tế tư nhân có đặc điểm sau:

Thứ nhất, y tế tư nhân có thể tồn hại dưới 3 mô hình: (1) các cơ sở dịch vụ không vì lợi nhuận, (2) các cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận dưới dạng doanh nghiệp nhỏ, (3) các cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận dưới dạng doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn. Mỗi mô hình có những đặc thù riêng và nhà nước có những chính sách phù hợp riêng.

Thứ hai, y tế tư nhân đóng vai trò chia sẻ trách nhiệm với y tế công giải quyết các gánh nặng y tế, kể cả ở tuyến y tế cơ sở.

Thứ ba, y tế tư nhân được thành lập bởi cá nhân, tổ chức tư nhân nhưng chịu sự quản lý chặt chẽ bởi nhà nước. Y tế tư nhân là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Từ những đặc điểm trên có thể thấy: Y tế tư nhân là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức tư nhân có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước.

Trên cơ sở các khái niệm liên quan có thể thấy: Pháp luật về y tế tư nhân là hệ thống các quy tắc xử sự chung trong lĩnh vực y tế tư nhân do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm đảm bảo trật tự trong thành lập và hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.

2. Những vấn đề đặt ra trong pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Hệ thống pháp luật hiện nay còn một số vấn đề còn hạn chế khi quy định về y tế tư nhân như sau:

Thứ nhất, các hạn chế trong quy định của pháp luật về y tế tư nhân nói chung.

­Hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển y tế tư nhân. Điều này là thiếu sót rất lớn cho sự phát triển của y tế tư nhân, cũng như hoạt động quản lý của Nhà nước đối với y tế tư nhân. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, vấn đề tập hợp hóa pháp luật về y tế tư nhân hiện nay chưa tốt. Bằng chứng là không có một văn bản pháp lý nào quy định chuyên biệt các vấn đề về y tế tư nhân. Các quy định pháp luật về y tế tư nhân hiện nay mang tính quy phạm mô phạm cao mà thiếu tính chi tiết.

Tên gọi của y tế tư nhân hiện nay trong văn bản pháp lý không được chính thức. Một số văn bản sử dụng tên gọi “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập” hay “y tế ngoài công lập”. Cách gọi này có phần thể hiện sự phân biệt đối xử trong - ngoài và người lập pháp đứng ở góc nhìn bên trong - công lập để nhìn ra bên ngoài - ngoài công lập.

Thứ hai, các hạn chế trong quy định của pháp luật về hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Pháp luật về hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân hiện nay còn có những hạn chế sau:

Đối với hình thức tổ chức, vì không có sự phân định giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong hai văn bản pháp lý khác nhau, nên pháp luật hiện hành không có sự phân định một cách chính thức các hình thức tổ chức của y tế tư nhân.

Hai hình thức cung ứng dịch vụ y tế tư nhân “xuyên biên giới” và “bác sĩ gia đình” hiện nay trong pháp luật vẫn còn mới chỉ được đề cập đến mà chưa làm rõ cách thức tổ chức và hoạt động thế nào, chịu các cơ chế giám sát ra sao và có những điểm khác nào về khả năng cung ứng dịch vụ y tế tư nhân so với các hình thức tổ chức còn lại.

Phạm vi hoạt động của y tế tư nhân cũng chưa được pháp luật hiện hành xác định và khoanh vùng cụ thể. Việc quy định thiếu cụ thể này sẽ gây ra thiếu sự công bằng trong cạnh tranh của y tế nhà nước và y tế tư nhân.

Thứ ba, các hạn chế trong quy định của pháp luật về các điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Vấn đề này còn một số hạn chế sau:

- Pháp luật hiện hành quy định giấy phép hành nghề của cá nhân hành nghề và giấy phép hoạt động của cơ sở hành nghề y tế tư nhân đều là giấy phép không có thời hạn.

- Việc quy định ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh bắt buộc là tiếng Việt hoàn toàn hợp lý, song lại không quy định về ngôn ngữ khám chữa bệnh là tiếng dân tộc thiểu số tại địa bàn có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là thiếu sót.

- Chưa có quy định về các cơ chế đặc thù đối với một số cơ sở y tế tư nhân thực hiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân tại các địa bàn đặc thù.

- Quy định về đánh giá năng lực hành nghề còn chưa rõ ràng. Việc đánh giá hành nghề là cấp thiết đối với lĩnh vực chuyên sâu và đòi hỏi sự phát triển liên tục của kỹ năng hành nghề như y tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có những quy định về vấn đề đánh giá này.

Thứ tư, các hạn chế trong quy định của pháp luật về quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Nội dung này vẫn còn một số hạn chế sau:

- Đối với chủ thể của quan hệ pháp luật. Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về người đại diện người bệnh.

- Đối với khách thể về y tế tư nhân. Vấn đề quan trọng nhất hiện này là xác định giá cung ứng dịch vụ y tế tư nhân vẫn chưa được làm rõ trong các quy định pháp lý.

- Đối với nội dung quan hệ pháp luật về y tế tư nhân. Pháp luật hiện hành có ghi nhận về quyền tiếp cận thông tin của người bệnh, song chỉ ở mức chung chung, mang tính chất quan điểm chứ chưa giải quyết được các nội hàm cụ thể như: phương thức tiếp cận và công khai thông tin; nội dung cung cấp thông tin; các chế tài cho việc cản trở quyền tiếp cận hoặc cung cấp thông tin sai sự thật.

Thứ năm, các hạn chế trong quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân. Vấn đề này còn một số hạn chế cơ bản sau:

- Đối với chủ thể quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân:

Chưa có chể chuyên thực hiện công tác quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Hiện nay pháp luật không tách bạch chủ thể quản lý nhà nước về y tế tư nhân với y tế nhà nước. Chính điều này đã gây ra những khó khăn trong nhận thức và tính chuyên nghiệp của các cán bộ, công chức trong quản lý y tế tư nhân. Chủ thể cấp giấy phép hành nghề được quy định trong luật hiện hành ngoài cơ quan chuyên quản về y tế là Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành còn có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Quy định này trao cho hai bộ không có chuyên môn ngành nghề về y tế có quyền cấp phép hành nghề là chưa đúng về nguyên tắc quản lý nhà nước. Chủ thể tham gia đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh còn chưa được quy định khoa học.

- Đối với phương pháp quản lý nhà nước về y tế tư nhân: Vấn đề về các phương pháp quản lý bằng kinh tế, tài chính chưa được cụ thể hóa trong luật. Còn tồn tại nhiều vướng mắc trong thực hiện quản lý nhà nước bằng phương pháp cưỡng chế hành chính. Phương pháp này có nhiều hạn chế xuất phát từ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói cung. Cụ thể:

(1). Còn bỏ ngỏ quy định về yếu tố lỗi và và mức độ của hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tư nhân.

(2). Quy định về tình tiết giảm nhẹ còn mang tính chung chung, thiếu khả năng định lượng.

(3). Quy định về thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi.

(4). Quy định về "giá thị trường" để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn chưa cụ thể, rõ ràng.

(5). Quy định niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa rõ ràng.

Đối với nội dung quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Pháp luật hiện nay chưa quy định về cơ chế đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.

Đối với pháp luật về thanh tra, kiểm tra hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Pháp luật hiện hành ghi nhận quyền thực hiện thanh tra hoạt động bảo hiểm y tế cho các cơ quan thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, nhưng không giao quyền này cho bảo hiểm xã hội các cấp.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mặc dù có quy định về quyền giải trình của đối tượng thanh tra - các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân, song chỉ mang tính chung chung, thiếu các quy định cụ thể để có thể thực hiện trên thực tế.

Thứ sáu, các hạn chế trong quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân còn những vấn đề hạn chế, vướng mắc sau: Việc xác định trách nhiệm pháp lý của người hành nghề cung ứng dịch vụ y tế nói chung và y tế tư nhân nói riêng theo pháp luật hiện nay được ghi nhận tại Điều 73, Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, pháp luật về giải quyết tranh chấp trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân chủ yếu chỉ thực hiện ở cơ quan hành chính nhà nước và tòa án. Các trách nhiệm dân sự được thực hiện chủ yếu từ thỏa thuận hoặc các phán quyết của tòa án. Pháp luật hiện nay cũng chưa quy định về bảo hiểm nghề nghiệp đối với chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.

3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở những phân tích hạn chế trên, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

3.1. Hoàn thiện quy phạm pháp luật về tên gọi của lĩnh vực y tế tư nhân và chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân

Tác giả đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật ở khía cạnh này như sau: Xác lập khái niệm “y tế tư nhân”. Tên gọi và khái niệm của nó được ghi nhận trong pháp luật chính là cấu thành đầu tiên của một địa vị pháp lý.

3.2. Hoàn thiện pháp luật về hình thức tổ chức và phạm vi cung ứng dịch vụ y tế tư nhân

- Xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân.

- Đối với hình thức tổ chức cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Cần quy định chi tiết các hình thức tổ chức mà các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có thể tổ chức. Theo đó, cần ghi nhận rõ hình thức tổ chức của y tế tư nhân bao gồm những loại nào, thay vì sử dụng chung danh mục các hình thức tổ chức với y tế công lập như hiện nay.

- Đối với phạm vi hoạt động. Thay vì không có quy định nào xác lập rõ phạm vi hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân ở Việt Nam, cần thiết phải ghi nhận điều này một cách cụ thể và riêng biệt trong luật.

3.3. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về các điều kiện cung ứng dịch vụ y tế tư nhân

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về điều kiện về giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề đối với cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Cần bổ sung thêm yêu cầu về ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số của nơi hành nghề có đồng bào thiểu số đó sinh sống.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh cũng cần có thời hạn thay vì không thời hạn như hiện nay. Quy định giấy phép có thời hạn cũng tác động lên tâm lý trách nhiệm của cơ sở y tế tư nhân.

Thứ ba, bổ sung thêm các quy định trong điều kiện đặc thù cho các cơ sở y tế tư nhân. Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã ghi nhận nội dung này với thời gian tối đa của giường lưu không quá 72 giờ. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất thêm cần làm rõ các điều kiện liên quan đến nội dung này như:

- Điều kiện cụ thể về nhân lực và vật lực của các phòng khám đa khoa tư nhân được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

- Xác định chi tiết phạm vi không gian lãnh thổ mà điều luật này có hiệu lực để tránh tranh cãi hoặc hiểu nhầm trong quá trình thực hiện.

- Xác định rõ các tình huống có thể áp dụng giường lưu tại các phòng khám đa khoa tư nhân.

- Cần quy định một số trường hợp như thiên tai, dịch bệnh, các tình huống bất khả kháng khác... với khoảng thời gian tối đa sử dụng giường lưu tại các phòng khám đa khoa tư nhân có thể kéo dài trên 72 giờ.

3.4. Hoàn thiện pháp luật về quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về chủ thể của quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Cần bổ sung và cụ thể các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người đại diện người bệnh.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về khách thể của quan hệ pháp luật trong y tế tư nhân. Pháp luật cần quy định chi tiết hơn vấn đề liên quan đến giá khám, chữa bệnh để đảm bảo lợi ích này là động lực hoạt động và phát triển của y tế tư nhân, song cũng không làm cản trở khả năng tiếp cận của người thụ hưởng.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về nội dung của quan hệ pháp luật trong y tế tư nhân. Cần ghi nhận cơ chế cụ thể thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền được tiếp cận thông tin.

3.5. Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật đối với chủ thể quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Đối với nội dung này, các vấn đề cần được ghi nhận trong pháp luật gồm:

- Đối với chủ thể cấp giấy phép hành nghề, cần quy định thống nhất việc cấp giấy phép hành nghề với cơ quan chủ quản chuyên môn về lĩnh vực y tế của trung ương và cấp tỉnh.

- Đối với chủ thể tham gia đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, cần ghi nhận sự tham gia của các trường đại học, học viện, cơ sở nghiên cứu y khoa vào hoạt động xây dựng bộ công cụ và tiến hành đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh cùng với Hội đồng Y khoa Quốc gia.

- Đối với cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Phải ghi nhận trong pháp luật những thiết chế quản lý nhà nước về y tế tư nhân chuyên biệt tại cấp trung ương và cấp tỉnh để thực hiện chuyên nghiệp hoạt động quản lý này một cách hiệu quả, có kỹ năng và nhân thức chuyên môn chuyên sâu.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật đối với phương pháp quản lý nhà nước về y tế tư nhân.

- Bổ sung thêm các quy định chi tiết về tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi khi vay vốn xây dựng cơ sở và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế tư nhân. Cần có chính sách tạo lập nguồn vốn vay ưu đãi cho các cơ sở y tế tư nhân có thể đầu tư máy móc, trang thiết bị. Sự ghi nhận này hướng tới làm rõ các nội dung cụ thể như: điều kiện tiếp cận; quy mô gói vay; lãi suất và các cam kết nghĩa vụ trả lãi khác của các cơ sở y tế tư nhân.

- Bổ sung thêm các đòn bẩy kinh tế khác như: ưu đãi thuế; đất đai... trong việc thành lập cơ sở y tế tư nhân tại khu vực nông thôn.

- Sớm chỉnh sửa hoàn thiện văn bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tư nhân, gồm một số giải pháp sau:

+ Cần bổ sung quy định đối với các khái niệm về yếu tố lỗi trong vi phạm hành chính về y tế (gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý), mức độ của hành vi (như ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…), để cơ quan chức năng có căn cứ xác định theo tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020.

+ Cần có văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn về tình tiết giảm nhẹ trong lĩnh vực y tế. Ví dụ như thế nào là ngăn chặn hậu quả trong lĩnh vực y tế? Hay phải quy định rõ các trường hợp là tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực y tế.

+ Cần có quy định theo hướng tăng  thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý từ 24 giờ lên 72 giờ để cơ quan, cá nhân thực thi pháp luật có đủ thời gian nghiên cứu lại, tính chất của hành vi, vụ việc; phạm vi thẩm quyền; hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tư nhân.

+ Cần ban hành quy định cụ thể về giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, từ đó làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền tịch thu và xử lý.

+ Cần quy định lại việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng "khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ có thể niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết trừ các trường hợp...", để tránh những hạn chế đã phân tích tại phần đánh giá thực trạng của vấn đề này.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về nội dung quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Cần bổ sung thêm 1 nội dung chưa được cả pháp luật hiện hành lẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra đối với y tế tư nhân.

- Quy định cho phép cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm giảm thiểu gánh nặng cho thanh tra chuyên ngành y tế và các cơ quan thanh tra khác.

­- Quy định cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ giải trình của các đối tượng thanh tra - chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.

3.6. Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân

Thứ nhất, sửa đổi Điều 73 Luật KBCB theo hướng thay cụm từ “vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc điều trị người bệnh” thành “vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh”.

Thứ hai, pháp luật cần bổ sung phương thức giải quyết tranh chấp trong cung ứng và thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân. Theo đó, pháp luật cần bổ sung thêm quy định về phương thức giải quyết tranh chấp thông qua vai trò của bên thứ ba là Hội đồng y khoa Quốc gia như nhiều nước đang áp dụng.

Thứ hai, cần quy định về bảo hiểm hành nghề. Cần thiết phải có bảo hiểm hành nghề cho người hành nghề nhằm giảm bớt rủi ro tài chính cho chính người hành nghề khi xảy ra nghĩa vụ đền bù khi xảy ra tranh chấp trong cung ứng và thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đinh Thị Thanh Thủy (2016). Quản lý Nhà nước về cấp CCHN đối với người hành nghề, giấy phép hoạt động đối với cơ sở y tế tư nhân. Tạp chí Luật học, số 11, tr.74-82.
  2. Hoàng Thị Vịnh (2014). Hợp đồng dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học. Học viên Khoa học Xã hội, tr. 80-87.
  3. Đặng Thị Lệ Xuân (2011). Xã hội hóa y tế ở Việt Nam: Lý luận - Thực tiễn và giải pháp. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

 

Solutions to strengthen Vietnam’s law on private healthcare

Ph.D student, Master. Dang Quang Manh

Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

Abstract:

This paper presents the concept of the law on private healthcare and the issues raised in the current regulations on private healthcare in Vietnam. The paper also proposes solutions to strengthen Vietnam’s law on private healthcare in the coming time.

Keywords: private healthcare, law, the law on private healthcare, perfecting the law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]