Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng án treo theo pháp luật Việt Nam

THS. VÕ ANH PHÚC (Khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Trong công tác duy trì trật tự xã hội, việc đấu tranh chống tội phạm là một hoạt động quan trọng hàng đầu và pháp luật hình sự là một công cụ để trấn áp tội phạm, đồng thời giáo dục người phạm tội. Ngay từ những ngày đầu mới hình thành pháp luật hình sự tại Việt Nam thì chế định án treo đã được ghi nhận và thực tiễn áp dụng đã đem lại những kết quả tích cực - tạo điều kiện cho những người trót lầm lỡ mà phạm tội, có bản chất tốt, phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt…, đồng thời phân loại tội phạm đem lại điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh. Tuy nhiên, cũng do những khó khăn của từng thời kỳ mà Việt Nam chưa có một Bộ luật Hình sự hoàn chỉnh. Bài viết nghiên cứu các chế định án treo, cũng như các chế định pháp luật hình sự khác của Việt Nam được quy định ở nhiều văn bản khác nhau qua các giai đoạn khác nhau. Vì vậy, việc hoàn thiện án treo rất cần thiết, góp phần vào việc đảm bảo thi hành và áp dụng án treo một cách dễ dàng, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Từ khóa: án treo, pháp luật, Bộ luật Hình sự, pháp luật hình sự, hoàn thiện pháp luật.

1. Khái quát về án treo

1.1. Khái niệm

Án treo là chế định hình sự ra đời từ rất sớm, trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài của khoa học hình sự Việt Nam, từ Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946 tới nay, tuy có nhiều cách hiểu khác nhau. Đôi lúc “án treo” còn được hiểu là “tạm đình chỉ việc thi hành án” hoặc là một biện pháp “hoãn hình phạt tù có điều kiện” hay “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng án treo chưa bao giờ được coi là hình phạt trong hệ thống hình phạt ở Việt Nam.

Chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước, sự khoan hồng và tính ưu việt với mục đích giáo dục người phạm tội. Chế định án treo cho đến nay đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự bình yên cho xã hội.

Án treo là một biện pháp giúp cảnh tỉnh, nhắc nhở người phạm tội và cảnh giác đối với những người xung quanh, lấy bài học đó để cố gắng kiềm chế những bản năng xấu trong con người họ khi có điều kiện phạm tội. Bên cạnh đó, án treo có tác dụng giáo dục, răn đe những người xung quanh nơi người được hưởng án treo làm việc hoặc cư trú; đem lại những hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa và chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự ổn định của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành:

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.

1.2. Những đặc điểm cơ bản của án treo

Thứ nhất: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, không phải là hình phạt tù, đây là điểm cần phân biệt. Pháp luật Hình sự Việt Nam quy định 07 hình phạt chính trong đó có hình phạt tù và án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù trong các trại giam khi người phạm tội có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.

Thứ hai: Người được hưởng án treo sẽ phải chịu một thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm, thời gian thử thách bằng hoặc lớn hơn mức phạt tù. Trong thời gian thử thách phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan tổ chức được Tòa án giao trách nhiệm giám sát, giáo dục.

Thứ ba: Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù bị xóa bỏ, người được hưởng án treo buộc phải chấp hành hình phạt tù trong bản án mà Hội đồng xét xử đã cho hưởng án treo trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án về tội phạm mới theo quy định tại Điều 56 BLHS 2015.

Tóm lại, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Việc cho bị cáo được hưởng án treo thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, có mục đích khuyến khích người bị kết án tự lao động cải tạo dưới sự giám sát của xã hội, sự giúp đỡ khuyến khích của cộng đồng, người thân, tạo cho họ có cơ hội trở thành người có ích mà không nhất thiết bắt buộc cách ly họ ra khỏi xã hội.

2. Thực trạng trong việc áp dụng án treo

Từ sự khoan hồng của pháp luật Hình sự Việt Nam cho thấy sự thay đổi và cải thiện rõ rệt của những người từng phạm tội. Việc áp dụng án treo đối với những người phạm tội ít nghiêm trọng là một cơ hội rất lớn để họ làm lại cuộc đời, không phải tách biệt, cách li họ với cuộc sống xã hội. Từ đó, họ sẽ thay đổi cách sống và cách suy nghĩ của mình, trở thành một con người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên có những trường hợp việc hiểu và vận dụng một cách chưa chuẩn xác những quy định về chế định án treo, chính từ đó đã có rất nhiều sai sót trong quá trình vận dụng việc áp dụng chế định án treo này.

2.1. Bản án về án treo

Vụ án 1:

Bản án số 09/2018/HS-PT ngày 25/01/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 129/2017/TLPT-HS ngày 21 tháng 12 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Thành Hiền do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HS-ST ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Tòa án Nhân dân thị xã Sông Cầu.

Nội dung bản án như sau: Khoảng 02 giờ ngày 01/07/2017, Nguyễn Thành Hiền đến thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; vào nhà ông Võ Xuân Long dắt trộm xe mô tô biển số 78AC-002.08, nhãn hiệu SYM, trị giá 6.500.000đ của chị Võ Như Ngọc đem đến thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình cất giấu. Ngày 08/07/2017 Võ Ngọc Trâm mượn đi thì bị công an phát hiện, tạm giữ.

Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Tòa án Nhân dân thị xã Sông Cầu, đã tuyên Nguyễn Thành Hiền phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm p, h khoản 1,2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; phạt: Nguyễn Thành Hiền - 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thành Hiền vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên; bị cáo rất hối hận nên đã nhiều lần gặp bị hại xin lỗi và đã được tha thứ. Đồng thời, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; tài sản mà bị cáo chiếm đoạt có trị giá 6.500.000đ đã kịp thời thu hồi trả lại cho người bị hại là thuộc trường hợp gây thiệt hại không lớn; sau khi phạm tội thành khẩn khai báo.

Tại cấp phúc thẩm, người bị hại tiếp tục làm đơn xin bãi nại cho bị cáo; mặt khác bị cáo còn cung cấp tài liệu chứng minh có bà nội Đào Thị Liên là người có công lớn với cách mạng được tặng Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày; có anh ruột Nguyễn Tấn Hùng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn Hải quân 101 đóng tại Trường Sa về địa phương vào ngày 28/01/2013 thì hôm sau ngày 29/01/2013 bị tai nạn giao thông chết. Bị cáo nhất thời phạm tội, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án; đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Không chấp nhận kháng cáo - Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo - Sửa bản án sơ thẩm về hình phạt. Tuyên bố: bị cáo Nguyễn Thành Hiền, phạm tội “Trộm cắp tài sản”, áp dụng điểm e khoản 1, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999; điểm h, i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 65 BLHS năm 2015. Phạt bị cáo 06 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 01 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Từ đó cho thấy, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã không đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, chính xác, không cân đối giữa tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm của người phạm tội. Chưa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, trong vụ án này áp dụng Điều 65 BLHS 2015 cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ tính răn đe và giáo dục.

Vụ án 2:

Vụ án Nguyễn Ngọc Huy cùng đồng bọn xét xử về tội Tổ chức đánh bạc, theo bản án số 19/2016/HSST ngày 18/08/2016 của Tòa án huyện Vĩnh Hưng, với tổng số tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc 110.800.000đ.

Trong vụ án này, các bị cáo Lê Văn Ngọ, Trần Bá Chinh, Trần Hoàng Dũng là các bị cáo đều có vai trò tích cực, số tiền đánh bạc nhiều. Riêng bị cáo Trần Bá Chinh có một tiền sự về hành vi gây thương tích bị xử lý hành chính tháng 08/2015, nhưng cấp sơ thẩm nhận xét đến thời điểm xét xử bị cáo được xóa tiền sự để cho Ngọ và Chinh, Dũng được hưởng án treo là chưa nghiêm, không đúng quy định của pháp luật.

Khi xét về điều kiện nhân thân người phạm tội để xem xét cho hưởng án treo, thực tiễn áp dụng ở huyện Vĩnh Hưng cho thấy nhìn chung khi quyết định cho hưởng án treo Tòa án đã áp dụng đúng quy định về điều kiện nhân thân cũng như hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Đại đa số người phạm tội được xét cho hưởng án treo đều là những người chưa có tiền án, tiền sự, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, có nhân thân tương đối tốt. Tuy nhiên, có trường hợp bị cáo có nhân thân xấu, có tiền sự nhưng Tòa án vẫn cho hưởng án treo.

2.2. Các nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trong việc áp dụng án treo

Những hạn chế như đã nêu trên trong quá trình vận dụng chế định án treo phần nào đã làm giảm đi ý nghĩa và hiệu quả thực sự của chế định này làm cho chế định án treo chưa phát huy được tác dụng là nhằm giáo dục người phạm tội ngoài xã hội, nhưng vẫn bảo đảm sự răn đe của pháp luật đối với họ.

Những tồn tại nêu trên trước hết phải nói thuộc về trách nhiệm của những người làm công tác pháp luật, cụ thể nhất ở đây phải nói tới đội ngũ các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố, xét xử người phạm tội, vấn đề trách nhiệm ở đây phải hiểu gồm 2 vấn đề như sau:

Trước tiên, do năng lực trình độ nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, từ đó dẫn đến việc điều tra, xác minh, thu thập các tinh tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và điều tra, xác minh về quá trình nhân thân của người bị kết án mang tính chất phiến diện. Không đầy đủ và thiếu khách quan… từ đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định của Hội đồng xét xử.

Thứ hai, khi xét xử, Hội đồng xét xử đã không đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, chính xác, không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mà còn có thể mang tính chất cá nhân hoặc vì một lý do nào đó đã cho người bị kết án được hưởng chế định án treo hoặc không cho họ được hưởng chế định án treo theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cá nhân có liên quan. Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan được giao theo dõi, quản lý, giám sát giáo dục người bị kết án, chưa có sự phân công phân định rõ ràng gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục người được hưởng án treo tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc chính quyền địa phương.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng án treo

3.1. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng

Khi nói về trách nhiệm, cần phải phân định được trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, của những người có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục cụ thể như trong giai đoạn tiến hành tố tụng đầu tiên, đó là:

Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử

Đối với các Điều tra viên: Là người xem xét đánh giá về vấn đề nhân thân của bị cáo sau này có đủ điều kiện để cho hưởng chế định án treo, ảnh hưởng quan trọng trong quá trình thu thập chứng cứ ban đầu của vụ án hình sự. Điều tra viên là người am hiểu về mặt pháp luật, nắm rõ nghiệp vụ, quá trình điều tra phải chú ý thu thập một cách toàn diện đầy đủ nhất 4 vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đó là: có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi; do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích động cơ phạm tội;... Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý vấn đề về các tình tiết tăng nặng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can hoặc về nhân thân cũng như các trách nhiệm pháp lý khác phải hết sức quan tâm và thu thập một cách đầy đủ nhất, chống phiến diện, qua loa.

Đối với các Kiểm sát viên: Phải làm thật tốt công tác kiểm sát điều tra vụ án, phải đi sâu và bám sát tiến độ điều tra, hướng cho Điều tra viên thu thập một cách đầy đủ nhất những thông tin về vụ án, về những vấn đề như đã nêu trên đối với các Điều tra viên, Kiểm sát viên chỉ chấp nhận lập cáo trạng truy tố ra Tòa trên cơ sở hồ sơ đã hoàn tất cả về mặt chứng cứ, về các trách nhiệm pháp lý đã được làm rõ, về vấn đề nhân thân đã được làm sáng tỏ thì sau này trên cơ sở hồ sơ như vậy Kiểm sát viên mới có một đề nghị chính xác để Hội đồng xét xử xem xét đưa ra một phán quyết hoàn toàn chính xác và đúng pháp luật, như vậy bản án treo mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân là những người nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra phán quyết, quyết định cho một người bị phạt tù được hưởng án treo và tuyên bố các vấn đề khác ảnh hưởng đến nghĩa vụ và quyền lợi của người bị kết án. Do vậy, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải là những người hiểu biết sâu sắc và đầy đủ các chế định án treo về bản chất và ý nghĩa của án treo cũng những vấn đề liên quan. Vậy nên, để nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cho đội ngũ Thẩm phán, cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Thứ nhất, việc tuyển chọn Thẩm phán, bầu cử Hội thẩm các Tòa án nhân dân phải đảm bảo người được tuyển chọn là Thẩm phán, người được bầu làm Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cần tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, kịp thời bổ sung những kiến thức mới, chuyên đề nghiên cứu về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự nói chung và về án treo nói riêng cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.

Thứ ba, tổ chức tốt việc đánh giá, sử dụng đội ngũ Thẩm phán dựa vào mức độ, chất lượng và khối lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời tổ chức tốt việc quản lý cán bộ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ các cơ quan tư pháp, hàng năm nhận xét đánh giá về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của cán bộ có chức danh tư pháp để xem xét việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phân công nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm, xử lý kịp thời những cán bộ yếu kém, vi phạm pháp luật.

Trong giai đoạn thi hành án

Đối với Tòa án: Phải kịp thời ra các quyết định nhanh, gọn, đúng thời gian quy định như: Quyết định thi hành bản án phạt tù cho hưởng án treo, Quyết định giao người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo cho đơn vị quân đội hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú, bản án, sổ theo dõi người bị kết án treo, đồng thời phải cử cán bộ trực tiếp gửi đến đơn vị quân đội hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát người bị kết án đầy đủ các văn bản về việc thi hành án để các cơ quan này nắm được, cần chấm dứt việc gửi các văn bản này qua đường bưu điện.

Đối với Viện kiểm sát: Viện Kiểm sát là cơ quan có trách nhiệm kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do đó, hoạt động của Viện Kiểm sát phải đảm bảo là công cụ hữu hiệu để pháp luật trong hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.

Tình trạng Tòa án giao cho chính quyền địa phương thông qua đường bưu điện, không có bảo đảm hoặc giao thiếu các thủ tục như có trường hợp chỉ giao Quyết định thi hành án mà không giao bản án, hoặc giao bản án nhưng lại không giao Quyết định giao người bị kết án cho các cấp chính quyền… Đối với các cấp chính quyền địa phương hiện nay chưa thực sự quan tâm đến công tác này, vì vậy đòi hỏi các kiểm sát viên phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp chính quyền địa phương hơn nữa. Viện Kiểm sát nên tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm chung trên toàn địa bàn về công tác quản lý, giáo dục người bị kết án tù cho hưởng án treo nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.

Không dừng lại ở đó, Viện Kiểm sát cần phải đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, nhằm cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi cá nhân trước yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác đào tạo, sắp xếp cán bộ, kiểm sát viên mang tính ổn định để có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới hiện nay.

3.2. Tăng cường công tác hướng dẫn và giải thích pháp luật; công tác kiểm tra giám sát của cấp trên và của Hội đồng nhân dân các cấp

Trong thời gian vừa qua Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018, trong đó quy định rất chi tiết về chế định án treo. Tuy nhiên theo như đánh giá của nhóm tác giả, Nghị quyết này chưa được phía cơ quan điều tra thực sự quan tâm chính, vì vậy đã ảnh hưởng tới chất lượng điều tra vụ án, nhất là việc điều tra, xác minh về quá trình nhân thân chưa thực sự sâu sắc như tinh thần của Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao đã ban hành.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những cơ quan cấp trên trực tiếp của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân cấp dưới để lắng nghe dư luận xã hội phản ánh xung quanh vấn đề Tòa án quyết định cho hưởng án treo như thế nào. Ngoài ra, cần kiểm tra thường xuyên việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực cho người bị kết án hưởng án treo, việc quản lý, giáo dục người bị kết án được hưởng chế định án treo tại các cấp chính quyền xã, phường, thị trấn.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị cấp dưới trong việc hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật về chế định án treo một cách đồng bộ và thống nhất, cần thiết phải có những buổi tập huấn riêng về Điều 65 BLHSHH, về Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.05.2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3.3. Tăng cường các biện pháp giám sát đối với người được hưởng án treo

Một trong những nguyên nhân khiến việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo còn nhiều hạn chế, thực hiện chưa tốt là do thái độ bất hợp tác của người được hưởng án treo. Một số người được hưởng án treo cố tình trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ của mình, một số ít vẫn có hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội mới trong thời gian thử thách. Nguyên nhân do một số người được hưởng án treo không hề biết những nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thời gian thử thách. Để khắc phục hiện tượng này đồng thời chống tình trạng tái phạm cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người được hưởng án treo.

Khi Tòa án quyết định cho người phạm tội hưởng án treo cần giải thích rõ cho người phạm tội hiểu được thời gian thử thách là gì, nghĩa vụ và quyền lợi của họ trong thời gian thử thách và đặc biệt lưu ý họ về hậu quả nếu phạm tội trong thời gian thử thách.

Khi người được hưởng án treo được giao cho đơn vị quân đội hoặc Ủy ban nhân dân giám sát, giáo dục thì người trực tiếp giám sát, giáo dục cần tuyên truyền, phổ biến cho người phạm tội rõ về những nghĩa vụ và quyền của họ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Ủy ban nhân dân xã, đơn vị quân đội thực hiện việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo cũng cần đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của họ trong thời gian thử thách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm
  2. Quốc hội (1985). Bộ luật Hình sự năm
  3. Quốc hội (1999). Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
  4. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  5. Quốc hội (2015). Bộ luật Tố tụng hình sự năm
  6. Tòa án Nhân dân tối cáo (2018). Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 hướng dẫn áp dụng điều 65 của Bộ luật Hình sự về Án treo.
  7. Tòa án Nhân dân tối cáo (2007). Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/7/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
  8. Tòa án Nhân dân tối cáo (2013). Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng thi hành Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo.
  9. Tòa án Nhân dân tối cáo (2018). Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng thi hành Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo
  10. Vũ Quang Hào (2018). Áp dụng án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  11. Phạm Thanh Phương (2014). Án treo và thực tiễn áp dụng tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Solutions to improve the efficiency of suspended sentences under Vietnam’s laws

Master. Vo Anh Phuc

Faculty of Administration and International Economics, Lac Hong University

ABSTRACT:

In the work of maintaining social order, the fight against crime is one of the most important activities, and the criminal law is a tool for preventing crime and educating offenders. Since the early days of making the criminal law in Vietnam, the suspended sentences have been recognized and applied in practice. These suspended sentences have created conditions for those who commit less serious crimes but have good nature and personalities. These suspended sentences also classify criminals to creat favorable conditions for the fight against crime. However, due to the difficulties of each period, Vietnam had not a completed Penal Code. This study analyzes the suspended sentence institutions, as well as other criminal legal institutions of Vietnam through different periods.

Keywords: suspended sentence, legal.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]