Giải pháp phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Bài nghiên cứu "Giải pháp phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" do PGS. TS. Lê Long Hậu (Đại học Cần Thơ), PGS. TS. Lê Tấn Nghiêm (Đại học Cần Thơ, Việt Nam), ThS. Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (Đại học Nam Cần Thơ), ThS. Phạm Xuân Quỳnh (Đại học An Giang) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu sử dụng thông tin thứ cấp và kỹ thuật phân tích SWOT để đánh giá hiện trạng cơ bản về hoạt động cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dựa trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, nghiên cứu đã đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tại khu vực ĐBSCL.  

Từ khóa: công ty tài chính, tín dụng tiêu dùng, SWOT, Đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Tín dụng tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Tại khu vực ĐBSCL, nhu cầu tín dụng tiêu dùng ngày càng gia tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Nắm bắt xu thế này, các công ty tài chính liên tục triển khai nhiều chương trình kích cầu tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hấp dẫn, điều kiện vay vốn phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Không chỉ quảng bá mạnh mẽ, các công ty tài chính còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp (như các công ty bán thiết bị vật tư, siêu thị điện máy...) để bán sản phẩm tín dụng tiêu dùng với thời gian giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, cam kết về thời gian xét duyệt đã tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận được vốn vay.

tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của công ty tài chính cũng gây ra nhiều bức xúc trong dư luận khi dùng những hành vi đòi nợ mang tính xã hội đen đối với khách hàng chưa trả được nợ theo đúng hợp đồng, công ty tài chính không kiểm soát được mục đích sử dụng khoản vay… Nghiên cứu này tập trung phân tích thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức của hoạt động cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính tại khu vực ĐBSCL. Kết quả phân tích sẽ được sử dụng làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính. Cũng như kỳ vọng các cơ quan, ban, ngành có liên quan sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty tài chính hoạt động trên địa bàn nhằm đóng góp tích cực và đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung của khu vực ĐBSCL.

2. Phương pháp tiếp cận và dữ liệu nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, kỹ thuật phân tích SWOT (Điểm mạnh; Điểm yếu; Cơ hội; Thách thức) được sử dụng để đánh giá hiện trạng hoạt động cung cấp các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tại khu vực ĐBSCL.

Nghiên cứu sử dụng thông tin và dữ liệu thứ cấp từ các nguồn chính thống được công bố công khai bởi các tổ chức có liên quan.

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả phân tích SWOT hoạt động cho vay các sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tại ĐBSCL được thể hiện tóm tắt như sau:

Thuận lợi (S)

S1: Nguồn vốn công ty tài chính ngày càng ổn định.

S2: Dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

S3: Khách hàng dễ dàng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng.

S4: Sự hỗ trợ pháp lý từ ngân hàng nhà nước.

Khó khăn (W)

W1: Chung hành lang pháp lý với các NHTM.

W2: Áp lực cạnh tranh lớn trong và ngoài ngành.

W3: Rủi ro tín dụng cao hơn so với NHTM.

W4: Sự thay đổi thu nhập, hành vi khách hàng sau đại dịch Covid-19.

Cơ hội (O)

O1: Tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất tốt.

O2: Nhu cầu vay vốn tiêu dùng ngày càng cao.

O3: Nhà nước ngày càng quan tâm đến hành lang pháp lý để đẩy lùi “tín dụng đen”.

Thách thức (T)

T1: Nợ xấu.

T2: Lãi suất cho vay cao.

T3: Sự nhầm lẫn về mặt truyền thông giữa công ty tài chính chính thức và không chính thức

Nhìn chung, kết quả tổng hợp trên đã chỉ ra những điểm thuận lợi, cơ hội của các công ty tài chính, cũng như những khó khăn, thách thức mà các công ty tài chính còn phải đối mặt. Có thể thấy, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng phát triển, nhu cầu vay vốn tín dụng tiêu dùng của người dân là rất lớn, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch. Cho vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức, trong đó có công ty tài chính đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, khó khăn tồn đọng của các công ty tài chính không thể không nhắc tới là vấn đề nợ xấu, tỷ lệ thu hồi nợ chưa cao, rủi ro tín dụng lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty tài chính. Trên cơ sở đánh giá trên, 6 nhóm giải pháp nhằm hướng các công ty tài chính khu vực ĐBSCL giảm bớt khó khăn và tận dụng các cơ hội để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng có thể được đề xuất như sau:

(1) Kết hợp các yếu tố S1+S2+S3+O1+O2, nhóm giải pháp về hoàn thiện, cải tiến và đa dạng sản phẩm cho vay tiêu dùng được đề xuất theo sau:

Hoàn thiện danh mục sản phẩm cho vay tiêu dùng

Một danh mục sản phẩm dịch vụ phong phú, đa dạng là một danh mục sản phẩm mà ở đó thỏa mãn tối đa mọi nhu cầu của khách hàng. Thực tế cho thấy, danh mục sản xuất về cho vay tiêu dùng chưa đa dạng và phong phú. Chủ yếu là cho vay mua xe trả góp, mua hàng gia dụng, cho vay tiền mặt. Khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống dân cư càng được cải thiện và nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng. Do đó, công việc nên bắt đầu ngay,

Đó là xây dựng một danh mục sản phẩm đa dạng và phong phú. Hơn nữa, việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm về cho vay tiêu dùng sẽ giúp các công ty tài chính tăng thêm thu nhập từ nguồn thu phí dịch vụ thông qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho vay tiêu dùng như dịch vụ thanh toán qua thẻ tín dụng.

Cải tiến sản phẩm

Với sự cạnh tranh gay gắt từ khối ngân hàng, các công ty Fintech khởi nghiệp, các chuỗi cầm đồ nên thị phần tín dụng sẽ bị chia sẻ, đòi hỏi các công ty tài chính phải phát triển đa dạng các sản phẩm cho vay phong phú về phương thức, kỳ hạn, lãi suất,... có tính chuyên biệt cao phù hợp với nhu cầu khách hàng và cải tiến các sản phẩm hiện có.

Sản phẩm cho vay mua xe, mua sắm các mặt hàng tiêu dùng là những loại sản phẩm sẽ còn tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, các công ty tài chính nên nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm cho vay với nhiều ưu đãi và tiện ích trong việc tiếp cận vốn, thời gian trả nợ và đặc biệt là lãi suất tương đối phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, khi vay trả góp xe máy nếu thực hiện trả nợ gốc và lãi đúng hạn sẽ được tặng 1 đến 2 tháng thanh toán cuối cùng; khi vay trả góp hàng điện tử, điện máy với kỳ hạn và giá trị nhất định sẽ có quà tặng bằng hiện vật hoặc phiếu quà tặng về ưu đãi lãi suất, về giá trị khoản vay,... cho những lần vay tiếp theo; đối với những khách hàng vừa sử dụng sản phẩm vay tiêu dùng vừa sử dụng thẻ tín dụng của công ty trong một khoảng thời gian nhất định, với một doanh số nhất định thì mức phí trọn gói của các dịch vụ sẽ được chiết khấu trên cơ sở mức phí của các dịch vụ bán lẻ cộng lại hay lãi suất cho vay tiêu dùng ở một số sản phẩm áp dụng với khách hàng đó sẽ thấp hơn mức thực tế mà công ty đã ấn định; đưa ra những chính sách ưu đãi để khuyến khích khách hàng cung cấp càng nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp,...

Đa dạng hóa sản phẩm theo mục đích vay vốn

Hiện nay, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thường tập trung vào đáp ứng nhu cầu vay tiền mặt, mua sắm hàng hóa tiêu dùng (xe máy, hàng điện tử, hàng gia dụng,...) của khách hàng. Nhưng còn rất nhiều nhu cầu thiết thực khác mà các công ty tài chính chưa khai thác đến như là cho vay để chữa bệnh, cưới hỏi, chăm sóc sắc đẹp,... Các công ty tài chính có thể liên hệ đến các bệnh viện, các công ty tổ chức tiệc cưới, thẩm mỹ viện, trung tâm nha khoa... để có thể giới thiệu về sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, có thể hợp tác với các công ty như sản xuất xe ô tô, xe máy, các công ty du lịch để có thể giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng nhiều hơn nữa. Chú ý hơn đến các sản phẩm cho vay hỗ trợ du học, giải quyết việc làm, công ty tài chính có thể phối hợp với các công ty du học, công ty xuất khẩu lao động để các công ty này giới thiệu cho những đối tượng ký hợp đồng du học, ký hợp đồng xuất khẩu lao động đến vay vốn.

(2) Kết hợp các yếu tố W2+O2, nghiên cứu đề xuất giải pháp liên quan đến chiến lược Marketing của CTTC, cụ thể:

Tăng cường hoạt động Marketing quảng bá hình ảnh thương hiệu

Một điểm quan trọng để xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu tốt đó là nâng cao chất lượng dịch vụ đặc biệt là phong cách giao tiếp với khách hàng. Các công ty tài chính cần lấy trọng tâm kinh doanh hướng tới khách hàng, việc hoàn thiện chính sách giao tiếp với khách hàng sẽ giúp một phần trong việc tăng sự hài lòng và thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Việc giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách hàng, góp phần nâng cao hình ảnh về các công ty tài chính trong lòng khách hàng, đây là phương thức quảng cáo hữu hiệu nhất và ít tốn chi phí nhất. Ngoài ra, các công ty tài chính nên tích cực tham gia các hoạt động quảng bá thương hiệu thông qua các hình thức gửi thư ngỏ, email tiếp thị sản phẩm, chương trình khuyến mãi, ủng hộ các quỹ từ thiện, các hoạt động tình nghĩa tại địa phương, tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao để từ đó quảng bá hình ảnh của mình đến với đông đảo người dân.

Thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm

Đối tượng cho vay tiêu dùng là rất rộng, bao gồm tất cả các cá nhân, hộ gia đình mong muốn sử dụng dịch vụ của các công ty tài chính để trang trải các khoản chi tiêu. Hành vi tiêu dùng của họ có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, nghiên cứu thị trường là cần thiết. Đây là cơ sở để các công ty tài chính tiến hành phân đoạn thị trường, xác định thị trường mục tiêu nhằm chủ động đón đầu những cơ hội, phòng ngừa những thách thức, từ đó khai thác thị trường một cách tốt nhất. Các công ty tài chính cần phải thành lập một bộ phận chuyên trách trong lĩnh vực Marketing với những nhân viên có kiến thức, kỹ năng về thị trường và tập trung đúng chuyên môn để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị và xây dựng các chiến lược cơ bản nhằm nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm cho vay tiêu dùng.

(3) Kết hợp các yếu tố W3+W4+T1, nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng khâu thẩm định khách hàng và năng lực của cán bộ công ty tài chính được đề xuất, cụ thể:

Nâng cao chất lượng thẩm định khách hàng

Tình trạng khó thu hồi nợ là thách thức của các công ty tài chính. Một trong những giải pháp để hạn chế nợ xấu là nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định:

Một là, nâng cao chất lượng thu thập thông tin. Để nâng cao chất lượng thông tin thì cần:

- Thu thập thông tin từ chính khách hàng cung cấp thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp khách hàng để tìm hiểu mục đích vay, xem xét, đánh giá về tình trạng của khách hàng như: về nhân thân, tình trạng hôn nhân, khả năng tài chính. Một yêu cầu quan trọng khác trong việc thu thập thông tin là phải phân biệt được các thông tin trọng yếu và không trọng yếu, đánh giá được mức độ tin cậy của thông tin, từ đó mới có hướng thu thập những thông tin thực sự cần thiết.

- Thu thập thông tin từ bên ngoài như: cơ quan, tổ chức nơi khách hàng làm việc, bạn bè người thân, hàng xóm,... Đây là một kênh thu thập thông tin rất hiệu quả mà trên giấy tờ và thông tin khách hàng cung cấp không thể nào có được, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro cho các công ty tài chính.

Hai là, nâng cao chất lượng xử lý thông tin. Từ những thông tin thu thập được, cần phải xử lý theo nhiều cách thức để đưa ra kết luận hợp lý, đúng đắn. Thông tin thu thập được có rất nhiều, song cần phải sàng lọc được những thông tin quan trọng và tin cậy.

Nâng cao năng lực toàn diện nguồn nhân lực

Chất lượng của khoản vay được phản ánh nhiều qua trình độ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của nhân viên. Do đó, biện pháp tăng cường quản lý và đào tạo thường xuyên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là biện pháp lâu dài và quan trọng đối với các công ty tài chính. Nên thống kê và cập nhật các lỗi vi phạm trong quy trình cho vay để nhân viên có thể tiếp cận, giảm thiểu rủi ro trong quá trình đánh giá phân tích hồ sơ vay vốn. Thường xuyên huấn luyện đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên nhằm nâng cao năng lực cũng như kinh nghiệm trong việc đánh giá, phân tích khách hàng, đề xuất cho vay phù hợp với nhu cầu, đảm bảo khả năng chi trả nợ vay. Khuyến khích nhân viên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xử lý các tình huống rủi ro phát sinh trong hồ sơ vay vốn cũng như cập nhật các quy định, chính sách của công ty và ngân hàng nhà nước (NHNN).

(4) Kết hợp các yếu tố W2+T3, nghiên cứu đề xuất giải pháp nhằm giúp công ty tài chính giảm áp lực cạnh tranh và hạn chế nhầm lẫn từ phía công chúng đối với công ty tài chính phi chính thức.

Xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương

Trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, mối quan hệ hợp tác là yếu tố không thể thiếu, đặc biệt là hoạt động cho vay tiêu dùng tại địa bàn nông thôn. Các công ty tài chính nên củng cố và xây dựng mối quan hệ bền chặt với các cấp chính quyền địa phương. Tranh thủ sự đồng thuận và ủng hộ để chính quyền địa phương trở thành cầu nối giữa khách hàng và công ty, cũng như thực hiện vai trò là một kênh giám sát.

(5) Kết hợp các yếu tố S1+S2+S3+T2, giải pháp được đề xuất nhằm giúp công ty tài chính tận dụng lợi thế nguồn vốn, khách hàng để có thể đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tiêu dùng đến người dân trước rào cản lãi suất cho vay còn cao.

Nâng cao năng lực phục vụ khách hàng của đội ngũ nhân viên

Các công ty tài chính cần nâng cao năng lực phục vụ khách hàng cho đội ngũ nhân viên. Để làm được điều này, các công ty tài chính cần chú trọng thực hiện các giải pháp: tổ chức huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên, xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử và các quy trình nghiệp vụ cho bộ phận phục vụ khách hàng, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc:

- Trong giao tiếp với khách hàng:

+ Về thái độ ứng xử: nói năng nhẹ nhàng, lịch sự; thái độ thân thiện, quan tâm, không nóng nảy với khách hàng.

+ Về trang phục tác phong: nhân viên phải mặc đồng phục theo quy định hoặc trang phục công sở lịch sự trang nhã, đeo bảng tên, đầu tóc gọn gàng. Phong cách làm việc, đi đứng nhẹ nhàng và nhanh nhẹn, phục vụ nhanh chóng.

- Thái độ phục vụ khách hàng: phải có thái độ phục vụ khách hàng tận tình, sẵn sàng trả lời những thắc mắc về dịch vụ mà khách hàng cần. Cung cấp những thông tin về sản phẩm một cách chính xác, rõ ràng và dễ hiểu.

- Kỹ năng tư vấn dịch vụ: tư vấn các sản phẩm dịch vụ công ty tài chính hiện có, tăng cường tư vấn sản phẩm dịch vụ, tiện ích mới đem lại nhiều giá trị cho khách hàng.

- Khả năng xử lý nghiệp vụ: nắm vững quy trình, quy định, tiến độ xử lý hồ sơ khách hàng, tránh làm mất thời gian của khách hàng.

(6) Kết hợp các yếu tố S4+O3, tận dụng môi trường hoạt động ngày một an toàn, lành mạnh dưới hành lang pháp lý từ Ngân hàng Nhà nước, giải pháp được đề xuất để hoạt động của công ty tài chính hướng tới xu thế chung của chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay

Sự quan tâm hỗ trợ từ NHNN về hành lang pháp lý, đẩy lùi “tín dụng đen” sẽ tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các công ty tài chính hoạt động. Do đó, tận dụng lợi thế này, bên cạnh việc phát triển, đang dạng hóa các sản phẩm cho vay tiêu dùng truyền thống, các công ty tài chính nên quan tâm ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng có thể giúp công ty tài chính giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Về phía khách hàng, điều này sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng một cách nhanh nhất có thể.

5. Kết luận

Kết quả phân tích đã chỉ ra các thuận lợi của các công ty tài chính như: Nguồn vốn công ty tài chính ngày càng ổn định, khu vực hoạt động dễ dàng tiếp cận với khách hàng, khách hàng dễ dàng tiếp cận các khoản vay tiêu dùng và sự hỗ trợ pháp lý từ NHNN. Các khó khăn cũng được đề cập bao gồm: chung hành lang pháp lý với các NHTM, cạnh tranh giữa các công ty tài chính và NHTM, rủi ro tín dụng cao hơn so với NHTM và sự thay đổi thu nhập, hành vi khách hàng sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ ra được những cơ hội cho hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính: tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất tốt, nhu cầu vay vốn tiêu dùng ngày càng cao, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh. Cũng như các thách thức mà công ty tài chính phải đối mặt: nợ xấu, lãi suất cho vay cao và sự nhầm lẫn về mặt truyền thông giữa công ty tài chính chính thức và không chính thức. Từ những phân tích này sẽ làm tiền đề xây dựng giải pháp phát triển sản phẩm tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tại khu vực ĐBSCL.

Lời cảm ơn:

Nghiên cứu này là sản phẩm của đề tài cấp Bộ mã số B2021-TCT-07. Nhóm nghiên cứu xin chân thành cảm ơn nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2018). Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018.
  2. Cục Phát triển doanh nghiệp. (2017). Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Truy cập tại: http://business.gov.vn/Portals/0/2018/ST%20DNNVV%202017_final1.pdf.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011). Công văn số 4695/BKHĐT-PTDN về việc Xây dựng Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015.

SOLUTIONS FOR FINANCIAL SERVICES COMPANIES OPERATING IN THE MEKONG DELTA TO DEVELOP THEIR CONSUMER CREDIT PRODUCTS

Assoc.Prof.Ph.D Le Long Hau1

Assoc.Prof.Ph.D Le Tan Nghiem1

Master. Nguyen Hoang Thanh Truc1

Master. Pham Xuan Quynh2

1University of Economics, Can Tho University

2Faculty of Economics – Business Administration, An Giang University

Abstract:

This study uses the secondary information and the SWOT analysis to assess the basic operation of financial services companies that provide consumer credit in the Mekong Delta. By analyzing the strengths, weaknesses, opportunities and challenges facing these companies, the study proposes six groups of solutions to help financial services companies operating in the Mekong Delta to develop their consumer credit products.

Keywords: financial companies, consumer credit, SWOT, the Mekong Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương