Hoa Kỳ và EU tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam

Mặc dù nhập khẩu cà phê từ thế giới giảm nhưng cả Hoa Kỳ và EU đều tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Dự báo Việt Nam còn được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý II/2023 đạt 453,88 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 19,7% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với quý I/2023, so với quý II/2022 tăng 3,7% về lượng và tăng 15,7% về trị giá.

Xuất khẩu cà phê giảm về lượng, tăng về trị giá

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

cà phê
Trong quý II/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng, ngoại trừ châu Đại Dương.

Về cơ cấu chủng loại, so với quý I/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam quý II/2023 giảm lần lượt 8,0% và 24,3%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Excelsa tăng trưởng khả quan. So với quý II/2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Arabica giảm 39%.

Về khu vực xuất khẩu, so với quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong Quý II/2023 có xu hướng chuyển dịch sang các khu vực châu Đại Dương và châu Phi, trong bối cảnh xuất khẩu sang khu vực châu Âu, châu Á giảm. So với quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng, ngoại trừ châu Đại Dương.

Về cơ cấu thị trường, so với quý I/2023, trong Quý II/2023 ngành cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Algeria, Trung Quốc, ASEAN…, trong khi xuất khẩu sang Đức, Italia, Bỉ, Nga… giảm. So với quý II/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Đức, Nga, Bỉ…

chung loai ca phe

Thị hiếu tiêu dùng dịch chuyển sang cà phê Robusta

Những tháng đầu năm 2023, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm nhập khẩu cà phê do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh khi kinh tế vẫn đối mặt với khó khăn, lạm phát có xu hướng giảm song vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài.

Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Do đó, việc 2 thị trường này giảm nhập khẩu cà phê sẽ tác động tiêu cực lên ngành cà phê thế giới. Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào hai thị trường này thời gian qua vẫn tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân EU có sự dịch chuyển sang cà phê đặc sản Robusta. 

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, 4 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 6,38 tỷ EUR (tương đương 7,1 tỷ USD), giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi EU tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, tăng 34,1%, đạt 540 triệu USD (tương đương 601 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu cà phê của EU từ thế giới chiếm 8,46% trong 4 tháng đầu năm 2023.

Tương tự EU, theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ giảm 10,2% về lượng và giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 617,1 nghìn tấn, trị giá 3,46 tỷ USD. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ vẫn tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức tăng 41,3% về lượng và tăng 35% về trị giá, đạt 80,76 nghìn tấn, trị giá 182,62 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 5,28% trong 5 tháng đầu năm 2023.

thi phan ca phe

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo quý III/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, chênh lệch giá ngày càng lớn giữa cà phê Arabica và cà phê Robusta, giữa cà phê Robusta của Việt Nam với các nước sản xuất khác sẽ hỗ trợ xuất khẩu mặt hàng này trong niên vụ mới.

Việt Hằng