Hướng phát triển cho các trường đại học ngoài công lập đào tạo theo định hướng ứng dụng

Đề tài Hướng phát triển cho các trường đại học ngoài công lập đào tạo theo định hướng ứng dụng do TS. Nguyễn Ngọc Minh (Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Thành Đông) thực hiện.

TÓM TẮT:

Đào tạo theo định hướng ứng dụng (ĐHUD) là một hướng đi đúng đắn của các trường đại học ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Theo định hướng này, song song với việc tích lũy kiến thức, sinh viên được tiếp cận, thực hành các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, với thái độ nghề nghiệp đúng đắn để có thể bắt tay vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở khái quát về đào tạo theo ĐHUD, phân tích sự cần thiết áp dụng hướng đào tạo này trong các trường đại học ngoài công lập, tác giả đề xuất một số giải pháp xây dựng, triển khai đào tạo theo ĐHUD ở các trường đại học ngoài công lập hiện nay.

Từ khóa: đại học ngoài công lập, đại học tư thục, đào tạo theo định hướng ứng dụng.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, hệ thống đại học ngoài công lập ở nước ta có sự phát triển mạnh mẽ. Quy mô, số lượng, mạng lưới của đại học ngoài công lập có sự gia tăng qua các năm, có sự phân bố mở rộng, không chỉ tập trung ở các thành phố, đô thị, mà còn ở nhiều tỉnh thành, vùng núi. Chất lượng giảng dạy, nghiên cứu từng bước được nâng lên, vai trò, vị trí của các trường đại học ngoài công lập dần được khẳng định. Tuy nhiên, nhiều trường đại học ngoài công lập chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, chưa xây dựng được chuẩn đầu vào, đầu ra, chưa xây dựng được nội dung, chương trình giảng dạy; vẫn còn tình trạng chạy theo hình thức, quảng bá thương hiệu nhà trường sai với thực tế, đánh lừa tâm lý người học. Trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của các trường đại học ngoài công lập, việc áp dụng chương trình đào tạo theo ĐHUD là việc làm cần thiết.

2. Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng

Chương trình đào tạo là khâu quan trọng nhất trong quy trình đào tạo ở mọi cấp học. Theo Gatawa B.S.M (1990) [5] và Wentling (1993) [7], chương trình đào tạo là bản kế hoạch tổng thể, hệ thống về toàn bộ các hoạt động đào tạo bao gồm: mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo, phương thức đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo, phương thức đánh giá kết quả đào tạo trong so sánh đối chiếu với chuẩn đầu ra.

Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng là chương trình đào tạo được xây dựng dựa vào cách tiếp cận năng lực (sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức - kỹ năng - thái độ), giúp sinh viên giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, trải nghiệm đúng chuyên ngành học, nâng cao năng lực nghề nghiệp của sinh viên, sẵn sàng tham gia vào các ngành nghề cụ thể ngay sau khi tốt nghiệp. Đây chính là thực hiện mục tiêu đào tạo “theo nhu cầu xã hội” [1]. Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, ngày 8/9/2015 của Chính phủ xác định: “Chương trình đào tạo ĐHUD là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người” [2].

Chương trình đào tạo theo ĐHUD có các đặc trưng sau:

Chương trình đào tạo mở và dựa vào năng lực. Chương trình đào tạo theo ĐHUD là chương trình mềm dẻo, linh hoạt, dễ tương thích với những thay đổi của thị trường lao động, kết nối chặt chẽ với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Chương trình này được thiết kế dựa trên hồ sơ năng lực, là tập hợp các năng lực thể hiện các phẩm chất cốt yếu mà nhà tuyển dụng mong muốn sinh viên tốt nghiệp được trang bị trong quá trình học tập. Hồ sơ năng lực là kết quả điều tra nhu cầu của thị trường lao động trước khi xây dựng chương trình đào tạo.

Xác định phẩm chất nghề nghiệp của người học một cách rõ ràng. Theo đó, chương trình đào tạo theo ĐHUD sẽ trang bị cho người học những phẩm chất nghề nghiệp cần thiết, bao gồm: ứng xử nghề nghiệp; thích nghi nghề nghiệp; công nghệ số; an toàn lao động; rèn luyện thân thể; đạo đức nghề nghiệp. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình còn cung cấp các phẩm chất nghề nghiệp tiên tiến cho người học, như: tính thích ứng và liên ngành; biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn và chuyển giao công nghệ; khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề; kỹ năng mềm; có khả tư duy và hành động, làm việc có tính tổ chức, tính sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm; có khả năng học tập suốt đời.

Có sự tham gia của chủ thể sử dụng lao động vào quá trình đào tạo. Nét đặc trưng cơ bản của chương trình đào tạo theo ĐHUD là phải có sự tham gia của các chủ thể sử dụng lao động, điển hình là cộng đồng doanh nghiệp thuộc các ngành nghề. Các doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình đào tạo thông qua các hoạt động như: tài trợ kinh phí các hoạt động đào tạo, tiếp nhận sinh viên tham quan thực tế, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp tại đơn vị, giảng dạy, tư vấn nghề nghiệp, tham gia đánh giá kết quả học tập của sinh viên... Sự phối hợp giữa chủ thể sử dụng lao động và trường đại học trong quá trình đạo tạo giúp người học tiếp cận thực tế công việc, nhận thức rõ các yêu cầu của đơn vị tuyển dụng để học tập, rèn luyện đáp ứng các yêu cầu đó.

Có phương pháp học tiên tiến giúp người học phát triển năng lực. Chương trình đào tạo theo ĐHUD sẽ cung cấp cho người học phương pháp học tiên tiến, giúp họ phát triển những năng lực cần thiết phục vụ cho nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Năng lực đó bao gồm các thành tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp. Các năng lực cốt lõi của một chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng bao gồm các năng lực chuyên môn và các năng lực “mềm”. Trong hồ sơ năng lực, từng năng lực lại được chia theo các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp với tình huống cụ thể ở mỗi cấp độ. Hoàn thành được một đơn vị học tập, dù lớn hay nhỏ, sinh viên đều phải đạt được năng lực để giải quyết một vấn đề trong nghề nghiệp tương lai.

Có sự kết hợp các phương pháp sư phạm. Trong đào tạo theo ĐHUD, vai trò của người thầy chuyển sang làm người hướng dẫn, giúp đỡ người học. Các nội dung học tập được thiết kế thành các mô đun với yêu cầu năng lực cụ thể mà sinh viên cần đạt được sau khi kết thúc một nội dung học tập. Để đạt được mục tiêu đề ra, sự kết hợp các phương pháp sư phạm trong đào tạo theo ĐHUD là rất cần thiết. Các phương pháp sư phạm phổ biến cho mô đun lý thuyết bao gồm: thuyết trình, thảo luận nhóm, seminar... Các phương pháp có thể dùng cho các mô đun thực hành gồm có: giải quyết vấn đề, thực hành theo công việc, viết báo cáo, làm bài tập lớn, thực hiện dự án, thực hành thí nghiệm... Giảng viên cần biết lựa chọn, phối hợp các phương pháp sư phạm sao cho phù hợp nhất và đạt hiệu quả cao nhất trong hình thành, rèn luyện và phát triển năng lực cho sinh viên.

3. Sự cần thiết xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng ở các trường đại học ngoài công lập

Thứ nhất, xuất phát từ ưu thế nổi trội của chương trình đào tạo theo ĐHUD so với chương trình đào tạo hiện có ở các trường đại học ngoài công lập. Hiện nay, chương trình đào tạo tại các trường đại học ngoài công lập được xây dựng theo Quy chế đào tạo trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Chương trình của các trường chủ yếu được xây dựng dựa vào cách tiếp cận nội dung và quá trình truyền thụ kiến thức, nặng về lý thuyết, ít thực tế. Việc giảng dạy của chương trình này hướng tới mục tiêu truyền thụ được nhiều kiến thức nhất, người học thụ động nghe theo người dạy. Việc đánh giá kết quả học tập gặp nhiều khó khăn vì các mức độ của kiến thức không được thể hiện rõ ràng. Chương trình chưa rèn luyện cho sinh viên cách làm việc và hoạt động nhóm... Thực tiễn này cho thấy, việc đổi mới chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ở các trường đại học ngoài công lập là rất cần thiết. Chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp đặt mục tiêu cung cấp các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, có sự liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực nghề nghiệp trong nền kinh tế. Chất lượng của chương trình đáp ứng các yêu cầu của ngành theo quy định của nền giáo dục đại học quốc gia và thực tiễn nghề nghiệp. Vì vậy, có thể khẳng định, đào tạo theo ĐHUD cung ứng nguồn lao động trực tiếp cho xã hội. Chuẩn đầu ra của mỗi mục tiêu đào tạo được xác định rõ ràng cụ thể, có thể đo lường và đánh giá được năng lực người học có được sau khi kết thúc khóa học. Những ưu thế này của chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đang tồn tại trong chương trình đào tạo của các trường đại học ngoài công lập hiện nay.

Thứ hai, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế, uy tín xã hội của các trường đại học ngoài công lập. Hệ thống đại học ngoài công lập ở nước ta đã trải qua gần 3 thập niên hình thành và phát triển. Hiện nay, cả nước có 61 trường đại học ngoài công lập chiếm trên 25% tổng số các trường đại học với số lượng sinh viên chiếm 16% tổng số sinh viên cả nước. Các trường đại học ngoài công lập đóng vai trò ngày càng lớn trên phương diện chia sẻ trách nhiệm với các trường đại học công lập trong việc cung cấp cơ hội học đại học cho giới trẻ và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các trường đại học ngoài công lập đang bộc lộ một số khiếm khuyết, như: chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, thu nhập dựa vào học phí, coi trọng lợi nhuận, chưa tập trung cho nghiên cứu khoa học... Có những trường không có chiến lược phát triển lâu dài, không kịp chuyển mình nên đã dần giảm sút về chất lượng đào tạo. Những hạn chế, bất cập này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản từ chương trình, nội dung, cách thức, phương pháp giảng dạy của nhiều trường chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và nhu cầu của thị trường lao động. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng, triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD là một hướng đi phù hợp, góp phần từng bước cải thiện chất lượng đào tạo cũng như nâng cao vị thế của các trường đại học ngoài công lập. Bởi, đào tạo theo ĐHUD, người học thực sự được đặt vào trung tâm của cả quá trình, quyết định trực tiếp đến sự phát triển của mỗi nhà trường. Chương trình không chỉ cải tiến nội dung chương trình đào tạo, mà còn cải tiến cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Sự thay đổi chính trong phương pháp đào tạo là chuyển từ phương pháp giáo viên là trung tâm sang phương pháp đào tạo lấy sinh viên làm trung tâm. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đào tạo theo nhu cầu của thế giới việc làm, đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, học qua trải nghiệm, học tập dựa trên năng lực, phối hợp nhiều phương pháp dạy và học tích cực. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế giáo dục đại học hiện đại, đúng theo chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, thực tiễn xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD ở các trường đại học đã chứng minh cho tính ưu việt của chương trình đào tạo này. Mô hình đào tạo theo ĐHUD được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2005, thí điểm lần đầu với 8 trường đại học dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan, gồm: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm Huế - Đại học Huế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Sau khi kết thúc thí điểm thành công, giai đoạn 2 của dự án từ năm 2012 - 2015 đã mở rộng đến toàn hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Bên cạnh 8 trường đại học tham gia từ giai đoạn 1, dự án đã triển khai rộng hơn với 50 chương trình giáo dục đại học theo ĐHUD [3].

Với chương trình đào tạo này, thời gian thực hành chiếm quá nửa thời gian học, thậm chí là chiếm 2/3 trên tổng toàn khóa học, thời lượng thực tế tại cơ sở được kéo dài. Sinh viên được tham gia vào hoạt động thực tập, thực hành ngay từ năm học đầu tiên. Quá trình học của sinh viên sẽ được trang bị những kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch và thực hiện các công việc cụ thể, cũng như tự thu thập và tự xử lý số liệu, viết báo cáo, trình bày... Đồng thời, thông qua những hoạt động trải nghiệm tại các doanh nghiệp, sinh viên có được những thử thách, hình dung khái quát về ngành nghề của mình trong tương lai. Qua đó, sinh viên có thể nắm bắt ngay công việc ngay sau khi kết thúc thời gian học tập tại trường và sẵn sàng tâm thế làm việc. Vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp, cũng như số lượng sinh viên không xin được việc làm giảm xuống đáng kể. Sau khi kết thúc 2 giai đoạn thực hiện trên 8 trường đại học theo chương trình ĐHUD nghề nghiệp, đã có trên 12.000 sinh viên tham gia học theo mô hình này từ năm 2007 đến năm 2016, thời gian tìm được việc làm đầu tiên sau khi ra trường của những sinh viên này được rút ngắn; số lượng sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp với tỷ lệ cao lên tới khoảng 80%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đào tạo theo ĐHUD là một trong những định hướng đổi mới quan trọng của giáo dục đại học Việt Nam [3].

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD ở một số trường đại học còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Quy trình xây dựng chương trình đào tạo chưa tiếp cận sâu, rộng với thị trường lao động để chuẩn hóa năng lực cho sinh viên. Quan hệ gắn kết với các đối tác tuyển dụng, sử dụng lao động chưa nhiều, chưa bền vững. Hệ thống lý thuyết nền tảng của một số chương trình đào tạo/ngành đào tạo chưa chắc chắn, đúng mực. Một số học phần thiếu nền tảng lý thuyết, lý luận. Phương pháp thiết kế chương trình, học phần, modul còn có phần rời rạc, chưa đồng bộ trong cùng một nhóm ngành dẫn đến chưa thuận tiện cho sự lựa chọn của người học. Chưa thực hiện được đầy đủ vai trò, chức năng và yêu cầu của người dạy theo phương pháp ĐHUD [4]. Nhận thức rõ những ưu điểm và hạn chế này là cơ sở để các trường đại học ngoài công lập có phương hướng, giải pháp xây dựng xựng, triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD một cách hiệu quả.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Một là, nâng cao nhận thức của các lực lượng giáo dục trong trường đại học ngoài công lập về chương trình đào tạo theo ĐHUD. Để phát triển hoạt động đào tạo của các trường theo ĐHUD, cần sự quan tâm rất lớn của Hội đồng Quản trị và Ban giám hiệu các trường, cùng với sự đồng thuận, quyết tâm cao của tất cả giảng viên, cán bộ, nhân viên. Các trường chủ động cử lãnh đạo và giảng viên tham gia các Hội thảo và các lớp tập huấn chương trình đào tạo theo ĐHUD. Triển khai các lớp tập huấn cho giảng viên, cán bộ, nhân viên toàn trường; làm thí điểm và kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm. Hướng dẫn sinh viên phương pháp học tập phù hợp; tổ chức các hội nghị học tốt để các bạn sinh viên chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong học tập. Mở rộng sự liên kết hợp với giảng viên đến từ các doanh nghiệp; các trung tâm đào tạo của các doanh nghiệp để thực hiện chương trình đào tạo theo ĐHUD.

Hai là, việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cần có sự tham gia sâu của đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo. Đây là yếu tố cốt lõi của chương trình đào tạo theo ĐHUD. Không có sự tham gia của các nhà sử dụng lao động trong thiết kế chương trình đào tạo, sinh viên khó được tiếp cận với các chuyến đi thực tế, không được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế tại các công ty, doanh nghiệp. Sự đồng hành của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là điều kiện đảm bảo nhất cho sự thành công của chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đào tạo nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên. Giảng viên là yếu tố thiết yếu trong bất kỳ chương trình đào tạo nào. Trong các văn bản quy phạm quy định rõ nhiệm vụ của giảng viên bao gồm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động đoàn thể. Giảng viên đảm nhiệm chương trình đào tạo theo ĐHUD không đơn thuần chỉ thực hiện các nhiệm vụ trên, mà còn đóng vai trò chuyên gia trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, là huấn luyện viên và là người đánh giá năng lực của sinh viên trong quá trình học tập. Do đó, các trường cần có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng, triển khai chương trình đào tạo theo ĐHUD.

Bốn là, đa dạng hóa các hoạt động dạy - học và kiểm tra đánh giá theo ĐHUD. Để sinh viên có thể thực hiện thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình học, giảng viên cần phải lựa chọn và đa dạng hóa các kỹ thuật dạy học, phương pháp dạy học tích cực và các hình thức kiểm tra đánh giá. Không có một phương pháp dạy học đơn lẻ nào là lý tưởng cả, do đó giảng viên cần biết kết hợp các phương pháp trong 1 bài dạy để phát huy hết ưu điểm của phương pháp đó, phù hợp với mục tiêu bài dạy, với chuẩn năng lực người học cần đạt được sau mỗi tiết học, mỗi môn học và sau khi học xong chương trình.

Năm là, phải đảm bảo được cơ sở vật chất để triển khai đào tạo theo ĐHUD. Cơ sở vật chất là yếu tố đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Sự thiếu hụt hoặc không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất là thách thức lớn, hạn chế việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo theo ĐHUD. Các trường đại học ngoài công lập cần chú trọng trang bị thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu,... phục vụ một cách đảm bảo và hiệu quả cho các giờ học thực hành. Đặc biệt, cần triển khai mô hình phòng ảo với đầy đủ các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thực hành của sinh viên. Có như vậy, khi ra trường, sinh viên mới không bỡ ngỡ và thích nghi ngay với công việc của mình.

5. Kết luận

Việc thực hiện chương trình đào tạo theo ĐHUD là bước đi tất yếu để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của các trường đại học ngoài công lập hiện nay. Đào tạo theo ĐHUD sẽ tạo nên bước đột phá về chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao vị thế, uy tín của các trường. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp đã được đề xuất. Quan trọng hơn, lãnh đạo các trường phải có sự quyết tâm cao, thu hút được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình; có sự đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất; duy trì, mở rộng được mạng lưới quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp thì việc thực thi chương trình đào tạo theo ĐHUD ở các trường đại học ngoài công lập mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án Giáo dục Đại học Việt Nam - Hà Lan (2009), Sổ tay giảng viên POHE, Hà Nội.
  2. Chính phủ (2015). Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, ngày 8/9/2015, Quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, Khoản 5, Điều 2.
  3. Phạm Thị Hương (2016). Dự án phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) ở Việt Nam giai đoạn 2, Nxb Đại học Sư phạm.
  4. Trịnh Đăng Khoa (2020). Đào tạo theo ĐHUD tại Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Văn hóa và nguồn lực, số 2 (22), 2020.
  5. Gatawa B.S.M. (1990). The Politics of the School Curriculum: An Introduction, Harare: College Press, Zimbabwe.
  6. Judy Mc Kimn (2003). Curriculumn design and development. faculty.londondeanery.ac.uk/e-learning.
  7. Wentling T. (1993). Planning for effective training: A guide to curriculum development, Food and Agricultural Organization of the United Nation.

Development directions for non-public universities with the application-oriented training

Ph.D Nguyen Ngoc Minh

Head, Department of Admission and Communications, Thanh Dong University

Abstract:

Application-oriented training is the right direction for universities, as many graduates do not meet the requirements of employers. In application-oriented training, along with the accumulation of knowledge, students have access to and practice the necessary professional skills with the right professional attitude to be able to start working right after graduation. By presenting an overview of application-oriented training and analyzing the need to apply this training approach in non-public universities, this paper proposes some solutions to help non-public universities develop and implement application-oriented training.

Keywords: non-public universities, private universities, application-oriented training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương