Huyện Trà Bồng: Phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội

Mặc dù là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên Trà Bồng có lợi thế quốc lộ 24C chạy qua kết nối với Khu kinh tế Dung Quất và Cảng nước sâu Dung Quất. Huyện cũng có diện tích đất nông lâm nghiệp khá dồi dào với nhiều đặc sản và cây dược liệu quý hiếm, có tiềm năng phát triển kinh tế hiệu quả cao như: sâm bảy lá, gừng gió, chè Trà Nham, quế Trà Bồng...

Ngành Công nghiệp - Xây dựng tiếp tục chiếm ưu thế

Năm 2022 huyện Trà Bồng, với các giải pháp hiệu quả vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục phát huy tốt các lợi thế. Nhờ vậy tình hình kinh tế - xã hội của huyện năm 2022 đạt kết quả tích cực, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

huyện Trà Bồng
Trung tâm huyện Trà Bồng

Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) của Huyện đạt 2.160,1 tỷ đồng, đạt 105,9% kế hoạch huyện giao, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu ngành kinh tế với 53,44%, sau đó là ngành Dịch vụ với 24,1% và Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 22,46%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 2.160,1 tỷ đồng, đạt 105,9% kế hoạch huyện giao, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời. Năm 2022, Trường đã đào tạo nghề cho 700 lao động và tạo việc làm mới cho 1.202 lao động, đưa 17 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2022  từ 42,52% xuống còn 37,09%...

Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Trà Bồng là vùng đất có bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do đó, bên cạnh việc phát triển kinh tế, Huyện cũng đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.

huyện Trà Bồng
Điệu múa ka đấu của dân tộc Cor huyện Trà Bồng.

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Công tác sưu tầm nghiên cứu, thống kê, nhận diện hiện trạng tồn tại của di sản văn hóa được quan tâm; nhiều nhân tố văn hóa cổ truyền các dân tộc Co, Hre, Ca Dong (Xơ Đăng) trên địa bàn huyện được sưu tầm, nghiên cứu, dựng thành phim, ảnh và tham gia các Hội thi trong nước và quốc tế; công tác bảo tồn, bảo tàng và xây dựng các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm đầu tư

huyện Trà Bồng
Tiết mục đấu chiêng của đồng bào Cor huyện Trà Bồng.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 “về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trà Bồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Huyện xác định đây vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc;.

Theo đó, thời gian tới huyện Trà Bồng tập trung vào 6 giải pháp chủ yếu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Hai là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình, góp phần quan trọng hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Ba là, tiếp tục thực hiện việc khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá toàn diện các giá trị di sản văn hóa; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, nghiên cứu chữ viết của các dân tộc thiểu số; chú trọng bảo tồn và phát huy các tác phẩm nghệ thuật,  h; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Bốn là, quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa.

Năm là, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế du lịch gắn với khai thác, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; tập trung quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hoá gắn với xây dựng hệ thống du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Sáu là, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập...

 

Cảnh Hưng